Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra về đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay
Những vấn đề chung
Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phụ thuộc rất lớn vào việc đổi mới mô hình hệ thống chính trị. Trong đó, các yếu tố căn bản cần phải xác định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong mô hình này là vị trí và mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với Đảng, Nhà nước được xác định như thế nào.
Mức độ phụ thuộc, nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là một bộ phận cấu thành thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng và Nhà nước, chịu sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về tổ chức, cán bộ, kinh phí và nội dung hoạt động, thì việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như thế nào phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu đổi mới và vai trò kiến trúc của Đảng, cũng như sự quyết tâm thực hiện trên thực tế nhằm nâng cao tính hợp lý, tính đại diện lợi ích của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể - chính trị này.
Mức độ độc lập tương đối, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể - chính trị vừa có mối quan hệ với Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vừa có sự độc lập nhất định. Mô hình này đòi hỏi cần phải tập trung vào việc phân định rõ ràng các mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Mặt trận và các tổ chức thành viên trên các khía cạnh cụ thể từ tổ chức, cán bộ, kinh phí, nội dung hoạt động, theo đó, cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, phạm vi độc lập mà Mặt trận và các tổ chức được quyền tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm. Sự phân định này sẽ được thực hiện, quản lý bằng các thể chế, luật lệ cụ thể để bảo đảm chúng được áp dụng, tuân thủ trên thực tế.
Mức độ độc lập hoàn toàn, Mặt trận và các tổ chức thành viên hoàn toàn độc lập với Đảng và Nhà nước. Khi đó Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ là những tổ chức độc lập, tự chủ, tự quản về tổ chức, nhân sự, kinh phí và như vậy về mục đích và nội dung hoạt động thì Đảng, Nhà nước chỉ lãnh đạo, quản lý Mặt trận và các tổ chức thành viên trên cơ sở của pháp luật. Hiện tại, mức độ này khó khả thi vì nhiều lý do thực tế.
Những vấn đề cụ thể
Mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ Mặt trận, các tổ chức thành viên và tính đại diện lợi ích của các thành viên Mặt trận, các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, cũng như các tổ chức thành viên được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Cũng theo mô hình độc lập tương đối, Mặt trận và các tổ chức thành viên trên thực tế thực hiện chức năng kép: dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhất định, vừa đồng thời đại diện cho lợi ích của các thành viên, nhân dân. Nhưng quá trình hoạt động trên thực tế không thể tránh khỏi những xung đột lợi ích trong những vấn đề, sự việc cụ thể mà không dễ để phân định. Khi đó Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ đứng về phía nào, bảo vệ lợi ích cho ai. Cũng liên quan đến khía cạnh này, xung đột lợi ích cũng có thể xảy ra khi Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với Đảng và Nhà nước.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, khắc phục tình trạng hành chính hóa của Mặt trận và các tổ chức thành viên cần bám sát vào việc thực hiện các chức năng chủ yếu của mình. Chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên không giống với chức năng quản lý nhà nước, nên không nhất thiết phải tổ chức như nhau theo cấp hành chính mà cần tập trung ưu tiên cho hai cấp chính: cấp trung ương và cấp cơ sở, giảm mạnh tổ chức, biên chế ở cấp tỉnh và huyện. Tuy nhiên, việc tinh giảm tổ chức bộ máy của Mặt trận và các tổ chức thành viên trên phạm vi toàn quốc cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ trong giải quyết vấn đề dư dôi biên chế, công ăn việc làm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên này. Nếu không tìm được cách giải quyết vấn đề hợp lý và có tính khả thi, thì những nỗ lực cải cách khác cũng sẽ khó đạt được hiệu quả. Việc thí điểm thực hiện tinh giảm biên chế ở một số địa phương trong thời gian qua đã cho thấy, việc sáp nhập các cơ quan đơn vị có cùng chức năng hoặc tích hợp các chức năng cho một cơ quan chỉ mang lại kết quả là thu gọn các cơ quan, đầu mối, nhưng biên chế lại phình ra vì không cắt giảm được.
Việc tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên cần phải có cách tiếp cận lại cho đúng về tính chất và chức năng trong hệ thống chính trị. Mặt trận và các tổ chức thành viên không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, mà là tổ chức đại diện cho lợi ích của các thành viên và tổ chức của mình. Đường lối, chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước, ở mức độ vĩ mô hay vi mô, trực tiếp hay gián tiếp cuối cùng đều tác động đến một bộ phận dân cư nhất định của xã hội. Vì vậy, trong đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả của việc giám sát, phản biện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cần thay đổi phương thức thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Thay vì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tổ chức các đoàn đi giám sát theo kế hoạch, Mặt trận và các tổ chức thành viên nên có sự tổ chức, kết nối tốt để có thể tiếp nhận được sự phản hồi của các thành viên và bộ phận dân cư liên quan, từ đó có những cơ sở ban đầu cho việc tiếp tục xem xét và tổ chức sự đại diện cho lợi ích của các thành viên, của tổ chức.
Việc đổi mới theo hướng nâng cao tính độc lập của Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng đặt ra những thách thức nhất định. Theo xu thế chung thì để có được sự độc lập, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải hướng đến dần tự chủ về kinh phí, chủ động về nội dung và phương thức hoạt động của mình. Nhưng thực tế hiện nay, mức độ tự chủ về kinh phí là chưa có mà chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Đã có ý kiến đề xuất rằng, để tạo sự độc lập nhất định cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, một nguồn chi ngân sách cho hoạt động của Mặt trận sẽ được quyết định ở Quốc hội và không còn phụ thuộc vào cơ quan Nhà nước các cấp.
Quan điểm đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội
Đổi mới mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải phải đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp trong cả hệ thống chính trị và trong từng tổ chức thành viên, gắn với đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; hợp nhất các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; xây dựng bộ máy tinh gọn, đúng với tính chất của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng nhà nước hóa tổ chức bộ máy và hành chính hóa hoạt động của các tổ chức này; hướng tới một mô hình tổ chức bộ máy độc lập, đi bên cạnh nhà nước, thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích của nhân dân, bảo vệ lợi ích phù hợp, chính đáng của các thành viên.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là công việc thường xuyên, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức, mỗi cấp, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm địa phương, cơ sở. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ trong phối hợp hành động giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn của các tầng lớp nhân dân, có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nói chung trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là nhiệm vụ rất hệ trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của Đảng, phải được nghiên cứu thấu đáo cơ sở lý luận và thực tiễn, có sự chỉ đạo sát sao, có kế hoạch, lộ trình, bước đi và các giải pháp phù hợp.
Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng tổ chức; hướng về cơ sở; khắc phục tình trạng hành chính hoá, xa dân, phô trương, hình thức; phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế.
Mô hình đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một mô hình mới, mang tính dự báo về quá trình tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, trong đó việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một bộ phận gắn bó. Đồng thời khắc phục những hạn chế, loại bỏ các yếu tố tiêu cực. Phải đổi mới, bổ sung những yếu tố mới làm cho mô hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức này phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới.
Phương hướng đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội
Tiếp tục phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp, để xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở theo hướng Đảng tập trung cho nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền, Nhà nước nâng cao năng lực thể chế hóa nội dung lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đúng chức năng của mình, “tích hợp” những chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tương đồng trong hệ thống chính trị.
Đối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phân định rõ hai chức năng: chức năng chung của các tổ chức này trong hệ thống chính trị tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tham gia nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chức năng hoạt động xã hội, xã hội - nghề nghiệp riêng của từng tổ chức vì lợi ích của các thành viên theo cơ chế tự nguyện, tự chủ, tự quản. Các tổ chức này hiện được tổ chức thành hệ thống dọc từ trung ương xuống cơ sở với bộ máy và biên chế riêng; cấp tỉnh và cấp huyện trên thực tế là cấp trung gian, các hoạt động xã hội, xã hội nghề nghiệp được thực hiện ở cấp cơ sở. Còn chức năng hoạt động mang tính xã hội, xã hội - nghề nghiệp được tổ chức theo cơ chế tự nguyện, tự chủ hoàn toàn theo luật và theo điều lệ của từng tổ chức (trừ Mặt trận Tổ quốc), khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nguyên tắc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội
1. Tạo sự chuyển biến thực sự, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, thực hiện phong trào thi đua yêu nước; hướng mạnh về cơ sở, sát với dân, nắm được dân, hiểu được dân, phục vụ dân, được dân tin cậy; khắc phục bằng được tình trạng hành chính hoá, phô trương, hình thức, bệnh thành tích trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
2. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tăng cường sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3. Đảm bảo tính độc lập, tự chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một trong những điều kiện cơ bản để tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị và thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định.
4. Tiến hành nghiên cứu vấn đề xã hội để từ đó nhận thức đúng về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là nòng cốt của xã hội định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
5. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một thử nghiệm mới, mang tính dự báo về quá trình tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.
6. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay phải được thực hiện một cách chủ động và tự giác, trên những căn cứ lý luận và thực tiễn xác đáng, khoa học, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước.
Bùi Thị Thanh
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam