Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức
Giám sát xã hội là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến của mọi thể chế chính trị hiện đại. Nhân dân thực hiện giám sát xã hội nhằm kiểm soát quyền lực, khắc phục xu hướng lạm quyền, tha hóa quyền lực. Ở Việt Nam, một trong những phương thức để nhân dân thực hiện giám sát xã hội là thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền, làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả để thực thi quyền lực của nhân dân.
Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức và hoạt động của Nhà nước, việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiểm soát quyền lực nhà nước.
Một trong các nội dung quan trọng của công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hiện giám sát xã hội đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tại Điều 33, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập quy định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập. Khi cần thiết, cơ quan nhà nước có trách nhiệm mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm cung cấp thông tin, cử người tham gia khi được yêu cầu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập". Tác động của giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dựa trên sức mạnh là ý chí, là tiếng nói, là áp lực của xã hội, của cộng đồng đối với đối tượng giám sát (tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa). Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo ra sức mạnh to lớn, sức mạnh đặc biệt, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bởi lẽ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, bao gồm các nhiệm vụ:
+ Giám sát việc quán triệt chủ trương kê khai, công khai tài sản, thu nhập;
+ Giám sát việc thực hiện quy trình kê khai, công khai tài sản, thu nhập;
+ Giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các chủ thể tham gia kê khai, công khai tài sản, thu nhập, trong đó giám sát về sự trung thực của cán bộ, công chức về tài sản, thu nhập;
+ Giám sát hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ theo yêu cầu của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay;
+ Căn cứ vào kết quả giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, kiến nghị thực hiện tốt chủ trương kê khai, công khai tài sản, thu nhập; đề xuất giải pháp chấn chỉnh hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần quán triệt thực hiện các nguyên tắc cơ bản sau:
+ Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
+ Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân;
+ Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức một cách công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo phương thức:
+ Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giám sát xã hội đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Tham gia giám sát với cơ quan dân cử đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Thực hiện phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong công tác giám sát đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự mình giám sát đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng).
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động nhân dân giám sát đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần nhận thức và giải quyết những vấn đề sau:
+ Xác định đúng quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát xã hội và nâng cao năng lực giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Xác định đúng quyền và trách nhiệm của các đối tượng chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Lựa chọn vấn đề, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát phù hợp với năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các chủ thể tham gia công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Thực hiện tốt việc giám sát đến cùng, nhằm phát huy vai trò, tác dụng của giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: xác định đúng và thực hiện tốt mục đích, yêu cầu công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng kế hoạch, nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành; xác định rõ thái độ, trách nhiệm của chủ thể giám sát và thái độ, trách nhiệm của đối tượng được giám sát; thực hiện đúng thủ tục, quy trình, phương pháp, hình thức giám sát; giải quyết kiến nghị sau giám sát; tác động, tác dụng của giám sát; tiết kiệm chi phí thực hiện giám sát…
Một số giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Một là, phát huy vai trò nhân dân tham gia công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng việc vận động nhân dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Tham gia xây dựng và thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hai là, đổi mới nhận thức về vai trò công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện quyền và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Hoàn thiện cơ chế pháp lý về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác giám sát. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu, thực hiện và giải trình việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thông qua công tác giám sát. Giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch về trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giám sát việc công khai các kết luận thanh tra.
Bốn là, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Năm là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của cơ quan ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Giám sát là một chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm thực hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Muốn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung xây dựng và thực hiện cơ chế, phương thức giám sát hiệu quả.
Nguyễn Hữu Dũng
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam