Tin mới

“Hiện tượng tôn giáo mới”, “tà đạo” - đặc điểm nhận dạng và vấn đề đặt ra

(Mặt trận) - Trong sự phát triển của các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, sự xuất hiện của “hiện tượng tôn giáo mới” một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, mặt khác đã có không ít những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Bài viết bàn thêm về danh xưng khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” và đưa ra những đặc điểm nhận dạng để từ đó có giải pháp ứng xử phù hợp.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

“Hiện tượng tôn giáo mới” là một trong những vấn đề thời sự của tôn giáo thế giới trong thế kỉ XXI

 Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 2001 đến nay, trên thế giới có khoảng 20.000 ”hiện tượng tôn giáo mới” với trên 130 triệu tín đồ (trung bình xuất hiện 2-3 tôn giáo mới/ngày). Còn theo thống kê của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu Việt Nam thì từ năm 1980 đến nay, nước ta có khoảng 80 "tôn giáo mới", hay "hiện tượng tôn giáo mới", "đạo lạ", "tà đạo" với nhiều nguồn gốc khác nhau. Những ”hiện tượng tôn giáo mới” này, một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, song mặt khác đã có không ít các tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội và dẫn đến sự lúng túng của công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong cả nước.

Nhiều địa bàn có các ”hiện tượng tôn giáo” mới, nhất là "tà đạo" đã gây ra mâu thuẫn trong gia đình, dòng tộc, xung đột cộng đồng. Một số tà đạo còn xâm hại đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng và tài sản của con người... Nhưng cho đến nay, nhiều vấn đề về tôn giáo mới vẫn chưa có sự thống nhất trong nhận thức và quản lý. Việc định danh "hiện tượng tôn giáo mới" hay "tôn giáo mới", "tà đạo", "tà giáo",... vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ngay từ năm 1960, khi mà nhiều ”hiện tượng tôn giáo mới” bắt đầu xuất hiện ở các nước Âu - Mỹ, các nhà nghiên cứu đã gọi các hiện tượng tôn giáo có tính chất khác thường đó bằng những danh xưng, như "tôn giáo mới". Nhà tôn giáo học Francois Houtart thì dùng khá́i niệm "phong trào tôn giáo mới" để chỉ sự khác biệt và đối lập với các tôn giáo truyền thống, tôn giáo chủ lưu. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu tôn giáo ở Anh và Pháp thì gọi đó là “nhóm tôn giáo thiểu số”, “nhóm tôn giáo bên lề”1, hoặc Francoise Champion thì gọi là “tôn giáo bồng bềnh”2 với hàm ý đây là tôn giáo lờ mờ, thứ tôn giáo tuỳ ý. Nhà xã hội học người Pháp J.P. Williame gọi các hiện tượng tôn giáo mới là “các giáo phái”/“les sectes”3. Một số nhà nghiên cứu người Nga, như: N.S. Capustin, D.M. Ugrinovic, R.A. Spaznhicop lại sử dụng thuật ngữ “các tôn giáo dung hợp”. Còn V. Maliavin lại sử dụng thuật ngữ “các tôn giáo hỗn tạp”. Các nhà nghiên cứu này khá thống nhất khi cho rằng, các hiện tượng nói trên là những "tạp chủng", những mảnh rời của những tôn giáo đã bị phân rẽ. Đó là sự khác nhau căn bản giữa chúng (tôn giáo mới) với các tôn giáo cũ (tôn giáo truyền thống, tôn giáo chủ lưu).

Ở khu vực Đông Á, giới nghiên cứu Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thường sử dụng thuật ngữ “tôn giáo mới”, “tân giáo”, “tân tôn giáo”. Đây là những hiện tượng tôn giáo mới được xem là đối lập với “tôn giáo truyền thống”, xuất hiện sau tôn giáo truyền thống và có một số hình thái và đặc điểm mới.

Học giả Cao Sư Ninh người Trung Quốc cho rằng: “Tôn giáo mới là chỉ toàn thể tôn giáo xuất hiện cùng với tiến trình hiện đại hóa thế giới từ giữa thế kỷ XIX, nó đã thoát khỏi quỹ đạo của tôn giáo truyền thống và đưa ra một số giáo lý, lễ nghi mới”4. Hầu hết các hiện tượng tôn giáo mới còn đang trong quá trình hình thành chưa có sự ổn định, chủ yếu ở dạng “á tôn giáo”. Như vậy, "hiện tượng tôn giáo mới" hay "tôn giáo mới" là những hiện tượng có tính tôn giáo và mới xuất hiện trong những năm gần đây. Tác giả Lưu Bành, một nhà nghiên cứu có uy tín của Trung Quốc cũng cho rằng, gọi “tôn giáo mới” là để đối lập với tôn giáo truyền thống. Nếu như tôn giáo truyền thống là những tôn giáo vốn có lịch sử lâu đời đã hình thành nên một hệ thống ổn định, hoàn bị về các phương diện giáo lý, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, lễ nghi,... và đã trở thành một bộ phận văn hóa nhân loại, ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của văn minh nhân loại, thì “tôn giáo mới” hay “hiện tượng tôn giáo mới” có lịch sử ngắn, khoảng chục năm hoặc vài chục năm gần đây. Theo PGS Nguyễn Duy Hinh “tôn giáo mới” hay “hiện tượng tôn giáo mới” là "những tôn giáo xuất hiện từ năm 1950 trở lại đây, chỉ là những giáo đoàn qui mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, giáo lý không rõ ràng, một số còn bị đa số nhân dân phản đối. Bởi nó không có giáo lý mang tính nhân bản5.

Từ quan niệm của các nhà nghiên cứu Âu - Mỹ và các nhà nghiên cứu phương Đông nêu trên thì có thể thấy, về nội hàm và ngoại diên của khái niệm “tôn giáo mới” hay “hiện tượng tôn giáo mới” có những điểm đáng chú ý như sau: Một là, các khái niệm trên dùng để chỉ các "phái", "nhóm phái" hoặc "giáo phái"; Hai là, có niềm tin vào giáo chủ của giáo phái đó; Ba là, có tính nhất thời về tổ chức cộng đồng; Bốn là, có hệ giá trị văn hóa, lối sống, đạo đức khác biệt, thậm chí đối lập với các tôn giáo truyền thống, tôn giáo chủ lưu.

“Hiện tượng tôn giáo mới” và vấn đề đặt ra

Ở Việt Nam, từ thập niên 90 của thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI đến nay, đa phần các nhà nghiên cứu và quản lý xã hội thường gọi các hiện tượng tôn giáo mới bằng thuật ngữ: "tôn giáo mới", “đạo lạ”6 hoặc “hiện tượng tôn giáo mới”7.

Bàn về hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta gần đây có một số cuộc hội thảo lớn đáng chú ý: Năm 2001, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học về hiện tượng tôn giáo mới. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đưa ra ý kiến về khái niệm và vấn đề tôn giáo mới. Năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Chủ nghĩa hậu hiện đại và phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới. Các bài tham luận tại hội thảo được xuất bản thành cuốn sách cùng tên (Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014). Tháng 5/2014, Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Giải quyết vấn đề tà đạo ở Việt Nam nhận thức và thực tiễn. Sau hội thảo các vấn đề thảo luận được xuất bản thành Báo cáo tổng quan.

Tại các cuộc hội thảo khoa học nói trên, thì đều tập trung vào việc định danh các khái niệm về “tôn giáo mới”, “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà giáo”... đã được tiếp cận và đưa ra. Mặc dù chưa có sự thống nhất, song nội hàm và ngoại diên của các khái niệm ấy cũng dần được làm sáng tỏ. Tiếp cận các quan niệm của các nhà nghiên cứu thế giới và trong nước về vấn đề này, chúng tôi đưa ra một số nhận định sau đây:

Về khái niệm "hiện tượng tôn giáo mới", "đạo lạ" hay "tôn giáo mới":

Theo các nhà nghiên cứu thế giới, "đạo lạ", "hiện tượng tôn giáo mới" hay "phong trào tôn giáo mới”, là những nhóm phái xuất hiện từ nửa sau thế kỉ XX trở lại đây, phản ánh những nét mới trong sự chuyển biến niềm tin và lựa chọn niềm tin tôn giáo của nhân loại với các yếu tính như: Một là, tôn giáo mang tính cá thể; Hai là, tôn giáo của những “niềm tin song song”; Ba là, tôn giáo của những “cứu thế luận hiện thực”; Bốn là, tôn giáo “mê tín dị đoan”.

Theo nhóm tác giả của Ban Dân vận Trung ương, thì khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” được hiểu đồng nghĩa với các tên gọi “đạo lạ”, “giáo phái”, “tạp giáo”, “tà giáo”: "Đạo lạ là chỉ những hình thức tín ngưỡng mà người ta chưa hề biết đến lúc đó, mới xuất hiện trong những năm gần đây, tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự cho là có "thiên tính", có trách nhiệm với "thần linh" được "thần linh" trao nhiệm vụ đứng ra lập đạo. Đạo có những tín điều riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn... Nó không có tổ chức hoặc có tổ chức nhưng lỏng lẻo; có quy ước nghi lễ riêng hay những quy định về cách thức thực hành nghi lễ đối với những người tin theo"8. Theo chúng tôi, nội hàm và ngoại diên quan niệm này là chưa hợp lý, còn chung chung và chưa phản ánh hết những đặc điểm của hiện tượng tôn giáo mới.

Trong khi đó, khái niệm “tôn giáo mới” hay “đạo lạ” trong Báo cáo Tổng quan Dự án khảo sát thực trạng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay những giải pháp và kiến nghị (năm 2008) của Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ được diễn đạt như sau: "Có thể hiểu tôn giáo mới như một hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở nước ta vào những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nó tiếp thu giáo lý của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với hình thức, lắp ghép hỗn dung, nhưng lại thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với một đội ngũ người sáng lập đa phần là nữ giới, tự cho mình cái quyền gọi là cứu thế"9. Như vậy, nội hàm quan niệm này có ba vấn đề cơ bản sau: Một là, giáo chủ (người lập đạo) là người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không bình thường, có tư tưởng bất mãn với thời thế và số đông là phụ nữ; Hai là, giáo lý, lễ nghi thường đơn giản, mang tính dân gian, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, đa số các tôn giáo mới hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang mầu sắc chính trị; Ba là, tổ chức thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật.

Quan niệm về hiện tượng tôn giáo mới mà các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu trong giáo trình cao học tôn giáo năm 2014: "Hiện tượng tôn giáo mới là những hiện tượng có tính tôn giáo, mới xuất hiện trong những năm gần đây nhằm tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự xưng là “Đấng tiên tri”, hoá thân của thần linh, siêu nhân có những quyền năng phi thường đứng ra lập đạo; có giáo lý riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn sơ sài; có tổ chức riêng nhưng lỏng lẻo; có nghi lễ riêng hay cách thức thực hành nghi lễ nhưng ở mức độ là những hiện tượng có tính tôn giáo, chưa thể hiện với tư cách là một tôn giáo"10. Quan niệm này cho phép chúng ta rút ra một số điểm nổi bật của hiện tượng tôn giáo mới và có thể coi đó là những đặc điểm để nhận dạng chúng, đó là: Thứ nhất, chúng là những hiện tượng có tính tôn giáo (á tôn giáo); Thứ hai, chúng mới xuất hiện trong thời gian gần đây (từ nửa sau thế kỷ XIX); Thứ ba, chúng có giáo chủ (người lập đạo) tự xưng là Đấng tiên tri; Thứ tư, chúng có tổ chức lỏng lẻo; Thứ năm, giáo lý, lễ nghi khá đơn giản, chưa hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống; Thứ sáu, đa số hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang mầu sắc chính trị.

Bên cạnh các khái niệm nêu trên ở Việt Nam, gần đây còn xuất hiện khái niệm "đạo lạ", cũng chỉ là một phương diện (một nhóm) nằm trong khái niệm "hiện tượng tôn giáo mới" và danh xưng "đạo lạ" khá trung tính, dễ nhận được sự chấp nhận của người dân, cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Bởi lẽ, để chỉ hiện tượng này trong nhiều năm trước chúng ta hay dùng các thuật ngữ, "tà giáo", "giáo phái", "hệ phái" một cách thiếu tường minh. Còn "hiện tượng tôn giáo mới" hiện nay thì vẫn là thuật ngữ của các nhà tôn giáo học Việt Nam. Như vậy, khái niệm này hợp lý hơn cả và những điều viện dẫn nói trên có thể coi là những đặc điểm để nhận dạng chúng trong đời sống thực tiễn.

Với những đặc điểm nhận dạng nói trên và thực tế ở hầu hết các địa phương, cơ sở các tôn giáo này đều chưa được công nhận pháp nhân. Tuy nhiên, các "hiện tượng tôn giáo mới" này đang tồn tại như là một thực thể xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo cần phải xem xét và ứng xử như thế nào để vừa tôn trọng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta lại vừa hạn chế được mặt tiêu cực. Vì vậy, thái độ và cách ứng xử với các hiện tượng này nên tương tự như với các tôn giáo truyền thống ở nước ta. Vì dù sao chúng cũng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận nhân dân (dù là một bộ phận nhỏ) và không vi phạm Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, không xâm phạm đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội và không ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe con người. Vì vậy, chúng ta phải thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo đối với người tin theo. Không thể lấy ý muốn chủ quan để ngăn cấm hoặc buộc người theo phải từ bỏ nó. Cách ứng xử tối ưu chủ yếu vẫn phải là tuyên truyền, giáo dục để họ thực hành quyền theo, hoặc không theo tôn giáo ấy. Tuy nhiên, trong quản lý nhà nước cũng cần phải lưu ý tôn giáo nào cũng có tính hai mặt (tích cực và tiêu cực) và "hiện tượng tôn giáo mới" nói trên không phải là ngoại lệ.

Về khái niệm "tà đạo":

Thời gian gần đây, khái niệm “tà đạo” được các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng an ninh của nước ta quan tâm. Trong cuộc hội thảo khoa học về tà đạo ở Việt Nam của trường Đại học An ninh nhân dân, tại Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2014). Trong cuộc hội thảo này, hàng chục nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm về tà đạo. Dưới đây là một số quan niệm về tà đạo đã được tập hợp.

Theo  nhà nghiên cứu Hy Văn (Trung Quốc): "Tà giáo cũng là một loại của hiện tượng tôn giáo mới, nhưng nó là cực đoan, tàn ác"11.        

Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: "Tà đạo: Tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính thống"12. Tà đạo là "con đường không chính đáng". Từ khái niệm này và dưới góc độ thực tiễn thì tà đạo vừa có yếu tố đạo (các yếu tố cấu thành tôn giáo) và vừa có yếu tố tà (những hành vi mang tính mê tín dị đoan, phản khoa học, đi ngược lại lợi ích cộng đồng hoặc quốc gia, tộc người).

Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo: "Tà đạo là hoạt động mang hình thức tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân hay nhóm người trái pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự, trái với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam"13.

PGS, TS Đặng Văn Đoài định nghĩa: "Tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống) nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín, dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật"14. Theo TS Hà Trọng Thà: "Tà đạo là một tôn giáo mới được hình thành từ một tôn giáo truyền thống nhưng có khuynh hướng ly khai hoặc chống lại chính giáo. Hoặc tà đạo là thuật ngữ dùng để chỉ những tôn giáo mới xuất hiện có nguy cơ đe dọa sự phát triển của tôn giáo chính thống và phải bị loại bỏ. Tà đạo dưới góc độ chính trị - xã hội, dùng để chỉ một tôn giáo tuy được hình thành bắt nguồn từ một số quan niệm của tôn giáo truyền thống nhưng có khuynh hướng cực đoan, chống lại xã hội hiện thực, thể hiện ở giáo thuyết hoang đường, tạo cho tín đồ tâm lý bức bách, dẫn đến hành động cực đoan, thực hành lối sống vô nhân đạo, phi truyền thống"15.

Kế thừa quan niệm của các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở trong nước, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu ra quan niệm về tà đạo như sau: "Tà đạo (tà giáo): Ở nước ta hiện nay ngôn ngữ thường dùng để chỉ hiện tượng tôn giáo mới là những: đạo lạ, tà giáo, tạp giáo với ý nghĩa xấu, tiêu cực, không muốn thừa nhận"16.

Như vậy, có thể thấy rõ nộ̣i hàm khái niệm “tà đạo” được hiểu khá phong phú, không dễ thống nhất. Ngay yếu tố tà vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Theo chúng tôi, nội hàm khái niệm “tà đạo” phải hàm chứa những vấn đề cơ bản sau đây: Thứ nhất, tà đạo - tà giáo là một loại hiện tượng tôn giáo mới; Thứ hai, tà đạo là một tôn giáo đối nghịch với tôn giáo truyền thống; Thứ ba, tà đạo là tôn giáo vừa có yếu tố đạo và vừa có yếu tố tà, hoạt động trái pháp luật; Thứ tư, tà đạo có tính cực đoan, tàn ác, thậm chí mang màu sắc chính trị, tác động xấu đến an ninh trật tự, cần phải ngăn chặn và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ngoài bốn đặc điểm nhận dạng “tà đạo” nói trên, chúng ta cần nhận diện tà đạo và phân biệt nó với “các hiện tượng tôn giáo mới” trên những vấn đề cơ bản sau đây:

1. Mục đích hoạt động của tà đạo là vì lợi ích của giáo chủ, giả mạo, tự xưng là thần linh để quy tụ tín đồ nhằm thu góp tiền bạc hoặc công kích xã hội đương thời và chính phủ, lấy đó để kích động sự chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, mê hoặc lòng người, lôi kéo quần chúng gây rối trật tự an ninh xã hội; công kích, nói xấu các tôn giáo chính thố́ng.

2. Giáo lý và giáo luật của các tà đạo thường ngụy tạo, trái với thuần phong mỹ tục, phản văn hóa. Thực hành các giáo luật trái với lẽ tự nhiên vi phạm pháp luật.

3. Thực hành nghi lễ của các tà đạo mang nặng yếu tố phản văn hóa, mê muội, cuồng tín, ca ngợi chủ nghĩa thần bí, phản khoa học; tuyên truyền mê tín dị đoan, chà đạp phụ nữ, huỷ hoại sức khoẻ con người, phá hoại hạnh phúc gia đình và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

4. Phương thức hoạt động của các tà đạo chủ yếu là bí mật, lẩn tránh sự quản lý của nhà nước, lợi dụng những sơ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý của chính quyền để tuyên truyền phát triển đạo. Chúng thường lợi dụng những địa bàn khó khăn, những cộng đồng người có hoàn cảnh đặc biệt để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo, khống chế người vào đạo.

Tổng hợp những vấn đề nói trên, có thể coi đó là những đặc điểm để nhận dạng và ứng xử với chúng trong đời sống thực tiễn. Vì vậy cần phải tuyên truyền cho những người ngộ nhận tin theo từ bỏ "tà đạo". Các cán bộ làm công tác tôn giáo, công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo cần phải ngăn chặn và loại bỏ "tà đạo" ra khỏi đời sống xã hội (không xem và không thể ứng xử như với các tôn giáo truyền thống).

Chú thích:

1. Xem: Francoise Champion (Nguyễn Văn Kiệm dịch, 2001), “Nhóm tôn giáo thiểu số, nhóm tôn giáo bên lề: trường hợp của các phong trào tôn giáo mới”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5: 13.

2. Xem: Đỗ Quang Hưng (2001), “Hiện tượng tôn giáo mới: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5: 6.

3. Đỗ Quang Hưng (2001), “Hiện tượng tôn giáo mới: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, sđd: 6.

4. Cao Sư Ninh: Thử bàn về hiện đại hóa với tôn giáo mới, Nghiên cứu Tôn giáo Thế giới, số 4/1999, tr.15-22.

5. Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb.Văn hóa Thông tin, HN. 2011, tr.470-471.

6. Xem: Phạm Văn Phóng, Nguyễn Văn Nhụ (2008): Nhìn nhận về đạo lạ ở nước ta trong những năm gần đây, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9; Ban Dân vận Trung ương (2007): Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb.Tôn giáo.

7. Võ Minh Tuấn (1996): Những hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam; (trong Đặng Nghiêm Vạn chủ biên: Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay), Nxb. Khoa học xã hội; Đỗ Quang Hưng (2001): “Hiện tượng tôn giáo mới: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5; Nguyễn Quốc Tuấn (2011): Về hiện tượng tôn giáo mới”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 12.

8. Xem: Ban Dân vận Trung ương, Vụ Tôn giáo (2007): Hỏi đáp Một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo, Tr 7-8.

9. Xem: Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ (2008): Báo cáo Tổng quan Dự án khảo sát thực trạng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay những giải pháp và kiến nghị, Trang 9.

10. Xem: Giáo trình Cao học tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Hiện tượng tôn giáo mới, Trang 1317-1318.

11. Hy Văn “Tôn giáo truyền thống, tôn giáo mới - Tà giáo”. Bài đã dẫn, tr.18.

12. Nguyễn Như Ý, Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb. ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (2008), Trang1411.

13. Xem Nguyễn Mạnh Hùng (2014): Trao đổi về cơ sở đấu tranh giải quyết vấn đề tà đạo, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giải quyết vấn đề tà đạo ở Việt Nam - Nhận thức và thực tiễn, Bộ Công an, Trường ĐHANND, Trang 121.

14. Xem PGS,TS Đặng Văn Đoài (2014): Bàn Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và giải quyết vấn đề tà đạo ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giải quyết vấn đề tà đạo ở Việt Nam - Nhận thức và thực tiễn, Bộ̣ Công an, Trường ĐHANND, Tr. 20.

15. Xem: TS. Hà Trọng Thà (2014), Nguyên nhân phát sinh, phát triển và biểu hiện của tà đạo, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giải quyết vấn đề tà đạo ở Việt Nam - Nhận thức và thực tiễn, Bộ Công an, Trường ĐHANND, tr 63.

16. Xem: Giáo trình Cao học tôn giáo, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Hiện tượng tôn giáo mới, Tr. 1317-1318.

Hoàng Minh Đô

PGS, Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản