Tin mới

Kê khai tài sản - Trách nhiệm pháp lý đầu tiên của công chức, viên chức

(Mặt trận) - Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phải thực hiện biện pháp “ba không” đối với công chức, viên chức: Không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng. Trong đó, không thể tham nhũng là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt được kết quả thì phải thực hiện ba không đối với công chức, viên chức: Không cần tham nhũng; không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Các nhà hoạt động thực tiễn đều cho rằng, trong ba không nói trên, thì việc làm cho công chức, viên chức “không thể tham nhũng” là cửa ải quan trọng và phải được thực thi nghiêm túc nhất. Bởi khi công chức, viên chức thấy tham nhũng là việc dễ thực hiện, dễ che giấu, thì những lời kêu gọi rèn luyện quan điểm, đạo đức liêm chính chỉ là “gió thoảng ngoài tai”.

Để công chức, viên chức “không thể tham nhũng”, nhiều nước đã áp dụng rất nhiều biện pháp, như kê khai tài sản, hạn mức có thể nhận quà tặng và quy định những trường hợp công chức, viên chức không được nhận quà tặng, cấm công chức, viên chức kiêm nhiệm chức vụ về quản lý kinh doanh, cấm tham gia góp cổ phần, cấm làm cố vấn, hoặc nhận làm người đỡ đầu, hoặc chủ tịch danh dự cho các tổ chức kinh doanh, dịch vụ, cấm người thân của viên chức kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý của viên chức đó... Có nước còn quy định hạn mức tiền thuê khách sạn khi đi công tác, hạn mức chi khi công chức, viên chức chiêu đãi khách.

Trong rất nhiều biện pháp đã áp dụng, biện pháp kê khai tài sản được coi là trách nhiệm pháp lý đầu tiên trước khi trở thành công chức, viên chức nhà nước. Khi tại chức, theo định kỳ, công chức, viên chức còn phải có trách nhiệm kê khai bổ sung về sự biến động tài sản của cá nhân. Ở nhiều nước, việc trung thực kê khai tài sản của công chức, viên chức được coi là việc bắt buộc phải làm. Người được đề cử hoặc tự ứng cử trong các cuộc bầu cử, nếu phát hiện có bằng chứng kê khai tài sản không trung thực thì lập tức bị loại ra khỏi danh sách bầu cử. Có chính khách, trước bầu cử có uy tín rất cao, nhưng bỗng nhiên “hào quang” bị đổ sụp vì bị phát hiện là đã phạm tội tham nhũng.

Ở Việt Nam, quyết định công chức, viên chức phải kê khai tài sản đã được ban hành và áp dụng. Theo những tin tức chính thức được công bố, thì trong số trên một triệu bản kê khai tài sản, chỉ có một vài trường hợp kê khai không trung thực. Điều này gây nghi ngờ lớn trong nhân dân, bởi có nhiều người trở nên giàu có một cách bất thường từ khi họ trở thành công chức, viên chức nhà nước. Những biệt thự của một số quan chức sừng sững mọc lên giữa khung cảnh xã hội nghèo khó như là sự thách đố ngang nhiên đối với dư luận. Ai cũng biết, với mức lương hiện có, phải mất vài trăm năm nhịn ăn, nhịn mặc họ cũng không thể có được nhiều ngàn tỷ đồng trong tay để dựng lên những công trình nguy nga như vậy.

Trong vài năm gần đây, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều vụ tham nhũng lớn đã được đưa ra ánh sáng. Các cuộc điều tra cho thấy, những viên chức này, hàng năm đều làm bản kê khai tài sản, nhưng họ giấu biệt số tài sản bất minh. Thực tế, có nhiều người khéo che giấu đến mức họ được nhận xét là công chức, viên chức liêm chính, năng động và họ được thăng tiến nhanh chóng, được tặng thưởng huân chương, được đưa vào giữ trọng trách trong các cấp ủy Đảng, cá biệt có người được phong anh hùng thời kỳ đổi mới. Qua những biểu hiện thực tế, chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng về đấu tranh chống tham nhũng còn gặp rất nhiều trở lực.

Vậy tại sao việc kê khai tài sản - một biện pháp mang tính then chốt nhằm ngăn chặn công chức, viên chức “không thể tham nhũng” lại bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng đến vậy?     

Đã có nhiều cách giải thích được đưa ra, có hai luận điểm chính, đó là:

Luận điểm thứ nhất cho rằng, tuy không công khai bộc lộ quan điểm, nhưng khi trao đổi riêng tư, cũng có ý kiến phân vân rằng, việc bắt buộc công chức, viên chức phải kê khai tài sản có xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân không? Có người cho rằng công khai tài sản của công chức, viên chức là việc làm có tính nhạy cảm nên đã đưa ra lời khuyên phải hết sức cảnh giác, đừng để kẻ xấu lợi dụng để bôi nhọ, nói xấu, gây chia rẻ nội bộ Đảng (!).

Đảm bảo bí mật đời tư là quyền của công dân đã được Hiến định. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, không buộc công dân nói chung phải kê khai tài sản của họ, trừ khi họ phạm tội rửa tiền mới đối mặt với pháp luật. Việc buộc công dân phải kê khai tài sản là chỉ yêu cầu đối với công chức, viên chức Nhà nước, việc kê khai tài sản một cách trung thực là trách nhiệm pháp lý đầu tiên trước khi trở thành công chức, viên chức và suốt cả thời kỳ tại nhiệm. Tham nhũng là tội đặc trưng của quan chức. Không thể nói đến việc xây dựng chính phủ liêm chính khi chính phủ trở nên bất lực đối với việc bài trừ tệ nạn tham nhũng. Muốn giữ cho nguồn nước luôn trong sạch thì phải có biện pháp bảo vệ từ phía đầu nguồn. Muốn bài trừ được tệ nạn tham nhũng thì trước hết phải làm cho công chức, viên chức “không thể tham nhũng” bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó trước hết là buộc viên chức phải trung thực trong kê khai tài sản. Khi những người lãnh đạo cao nhất trong các cấp của Đảng và Nhà nước làm trước, thì đó sẽ là tấm gương tốt để toàn thể công chức, viên chức trong cả nước làm theo. Chỉ những người có tài sản bất minh mới sợ việc kê khai và công khai tài sản.

Luận điểm thứ hai cho rằng, cả nước ước tính có trên 3 triệu công chức, viên chức, riêng viên chức cấp cao có khoảng vài trăm nghìn người. Nếu tất cả các bản kê khai đều phải qua khâu kiểm tra xác minh thì không đủ nhân lực và thời gian để thực hiện. Vì vậy, việc kiểm tra xác minh chỉ làm đối với các trường hợp có đơn tố cáo.

Theo luận điểm này, nếu việc kê khai tài sản của viên chức không được công khai và chỉ tập trung vào một cơ quan kiểm tra đánh giá tính trung thực, thì rõ ràng không thể nào kham nổi. Dư luận cho rằng, phải công khai việc kê khai tài sản của công chức, viên chức và có sự phân công rõ ràng cho các cấp trong việc rà soát tính trung thực của viên chức thì công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Về nguyên tắc, mọi viên chức từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất ở Trung ương đều phải kê khai và công khai tài sản của cá nhân. Công chức, viên chức thuộc cấp nào thì công khai và chịu sự giám sát của nhân dân cấp ấy. Khi việc kê khai tài sản được công khai và đặt dưới sự giám sát của nhân dân, thì chắc chắn mọi biểu hiện không trung thực của viên chức khó lọt khỏi “trăm tai nghìn mắt” của nhân dân.   

Tệ nạn tham nhũng đối với bộ máy nhà nước cũng như bệnh tật đối với con người. Biết phòng bệnh đúng cách thì bệnh tật sẽ ít đi. Đã có những ý kiến cho rằng, tham nhũng là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa khi đồng lương của viên chức quá thấp, buộc họ phải “chân trong, chân ngoài” mới có tiền nuôi sống gia đình. Lý lẽ này không phù hợp với thực tiễn. Ở các nước Bắc Âu, ở Singapore, nơi nền kinh tế thị trường rất phát triển nhưng tệ nạn tham nhũng ở các nước này, theo kết quả điều tra của các tổ chức quốc tế, xảy ra ít nhất. Ở những nước này, công chức, viên chức “không cần tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” là hiện tượng phổ biến. Việc trả lương cao cho viên chức cũng không phải là phép màu trong chống tham nhũng. Bởi có không ít viên chức ngoài lương cao còn có nhiều bổng lộc (!) mà vẫn phạm tội tham nhũng. Bởi vì, cổ nhân đã nói “lòng tham không đáy”.

Trong “ba không” đối với tệ nạn tham nhũng thì biện pháp làm cho viên chức “không thể tham nhũng” là biện pháp hàng đầu. Phải công khai hóa và đặt việc kê khai tài sản của viên chức dưới sự giám sát của nhân dân mới có thể phát hiện ra những thủ đoạn gian dối của viên chức thoái hóa. Về mặt đạo đức, những người đứng đầu trong các cơ quan Đảng và Nhà nước phải thể hiện được tính gương mẫu trong chứng sự minh bạch về tài sản của cá nhân, thì sẽ có tác dụng lớn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Lê Đức Tiết

Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản