Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh
Hệ thống các thiết chế văn hóa, giáo dục ở cơ sở hiện nay
Nước ta hiện nay có hệ thống thiết chế tương đối hoàn thiện, thống nhất trên phạm vi cả nước và được tổ chức một cách khá chặt chẽ, bao gồm: Nhà Văn hóa, Thư viện (hoặc Bưu điện Văn hóa xã), Đội chiếu bóng, đội văn nghệ quần chúng, đài truyền thanh, ban quản lý di tích, nhà lưu niệm (nếu có)… Tất cả các thiết chế này được sắp xếp theo hệ thống dọc, thống nhất trong cả nước từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện xã phường. Có những thiết chế được đưa vào là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới như nhà văn hóa.
Hiện nay trên toàn quốc có 70 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Nhà triển lãm…); 589/707 quận, huyện có Trung tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá huyện, đạt tỷ lệ khoảng 83,3%; 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có TTVHTT đạt tỷ lệ 55,3% (trong 6.102 TTVHTT hiện có, có 30% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); 68.222/113.607 thôn, bản, buôn, làng… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ 60% (trong 68.222 Nhà Văn hoá hiện có, 47% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Các thiết chế văn hoá thuộc các Bộ, Ngành, đoàn thể bào gồm: 28 Nhà văn hoá lao động cấp tỉnh, 17 Nhà văn hoá lao động cấp huyện và trên 100 Nhà văn hoá công nhân trong các doanh nghiệp; 80 Cung, Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, 189 Cung, Nhà thiếu nhi cấp huyện, Nhà văn hoá Thiếu nhi các ngành và các Nhà văn hoá thuộc Quân đội, Công an nhân dân.
Nhìn tổng thể có thể thấy một thực trạng là: hoạt động của các thiết chế văn hóa thời kỳ bao cấp đã phát huy vai trò tích cực trong đời sống cộng đồng cơ sở, nhưng khi chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển kinh tế các phương tiện nghe nhìn và các phương tiện khác đã nâng cao nhu cầu, đòi hỏi về văn hóa, thông tin ở cơ sở, các thiết chế văn hóa hoạt động theo kiểu cũ không còn đáp ứng yêu cầu của cộng đồng dân cư. Chính vì thế, yêu cầu đổi mới cả về tổ chức, trang thiết bị và cơ sở vật chất (CSVC), đặc biệt đổi mới về hình thức, nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế này là một đòi hỏi thực tế khách quan.
Hiện tại, so với các thiết chế văn hóa, thiết chế giáo dục ở cơ sở có phần quy củ hơn, chặt chẽ và bài bản hơn. Kể cả vùng núi cao, hải đảo việc xây dựng các thiết chế này cũng được quan tâm đặc biệt. Cho đến hiện nay có thể nói các thiết chế mầm non, tiểu học đã được xây dựng hầu như không thiếu ở cơ sở nào của các địa phương trong toàn quốc. Đây có thể được coi là điểm sáng của giáo dục Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có trình độ kinh tế phát triển hơn (ngay ở Nhật Bản, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo cũng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng). Chính vì vậy mà Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học trên phạm vi toàn quốc. Nhiều nơi đã hoàn thành phổ cập THCS.
Nhu cầu về các thiết chế giáo dục thực sự là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng cư dân ở cơ sở, chính vì lý do này mà các thiết chế giáo dục ở cơ sở khác với các thiết chế văn hóa là được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là vùng sâu, vùng xa CSVC của các thiết chế giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn. Nhiều trường học đã được trang bị vi tính và các phương tiện giáo dục hiện đại khác. Nhiều cơ sở còn thành lập các thiết chế bổ sung cho hệ chính quy, như các lớp Bổ túc văn hóa, các cơ sở giáo dục thường xuyên… đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của mọi đối tượng của người dân. Các thiết chế có tổ chức chặt chẽ với bộ máy được xây dựng theo chuẩn của ngành giáo dục.
Nhìn chung, hệ thống thiết chế giáo dục ở cơ sở về tổ chức bộ máy, nhân sự, về trang thiết bị và CSVC nói chung là ổn định, được xây dựng và quản lý theo hệ thống thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. So với thiết chế văn hóa, thiết chế giáo dục ở cơ sở là hệ thống thiết chế ổn định hơn, chuyên môn hóa cao hơn và hoạt động cũng hiệu quả rõ nét hơn.
Thực trạng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Học tập cộng đồng ở cơ sở
Xây dựng TTVHTT cấp xã là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. TTVHTT cấp xã tập trung vào các hoạt động: Thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách, báo, tổ chức văn nghệ quần chúng, tổ chức họp Đảng bộ, các đoàn thể nhân dân, giáo dục về lối sống, thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn hoá; triển khai các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hoá… TTVHTT cũng là nơi tổ chức nhiều hội thi, liên hoan văn nghệ, tập luyện, giao lưu văn hoá, thể thao giữa các thôn, xóm… với nhau, giữa xã, phường trong khu vực nhau. Nhiều nơi tổ chức liên khu dân cư “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQVN.
Hiện nay trên toàn quốc có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao đạt tỷ lệ 55,3%. Có trên 90% xã đã dành đất cho thể dục, thể thao, trong đó có khoảng 30% xã có sân bóng, hồ bơi, nhà tập; 29.402 sân thể thao phổ thông, 1.311 phòng tập hoặc nhà tập, 37.760 sân tập từng môn được đưa vào sử dụng, trực tiếp phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao của nhân dân. Ở khu dân cư, có 68.222/113.607 thôn, ấp, bản và tương đương có Nhà Văn hóa đạt tỷ lệ khoảng 60%. Với nhiều tên gọi khác nhau như: Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Nhà làng, Hội quán - Văn hóa, Nhà thông tin… có ý nghĩa rất thiết thực với địa bàn dân cư, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Các TTVHTT cấp xã đã được chính quyền các cấp và nhân dân đầu tư xây dựng. Mặc dù các trung tâm này phần nào đã đáp ứng được nhu cầu tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, là nơi tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương nhưng nó vẫn còn bộc lộ những tồn tại. Theo đánh giá hiện nay, thực tế có tới 50 - 60% Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Nhà Văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng hoạt động không hiệu quả, hiệu quả thấp hoặc không thể tổ chức hoạt động hoặc bị bỏ hoang phế.
Về giáo dục, cả nước có gần 11 nghìn TTHTCĐ, góp phần thúc đẩy việc học tập mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng nhu cầu người dân, theo phương châm "cần gì học nấy". Trên 99% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã có TTHTCĐ. Những TTHTCĐ có sự quản lý tốt đã đóng góp nhiều cho việc học tập của người lớn trong các chương trình, như: Chương trình xóa mù chữ cơ bản; chương trình bổ túc sau xóa mù chữ; chương trình tăng thu nhập, đào tạo nghề ngắn hạn; chương trình cập nhật thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về thời sự trong nước và thế giới, về giáo dục sức khỏe, môi trường; chương trình giải trí cho người lao động và người cao tuổi.
Những năm gần đây, sự phối hợp giữa Hội Khuyến học và Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức UNESCO đã tiến hành tốt chương trình giáo dục giới và giới tính, chương trình thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Nhân dân ở những nơi có TTHTCĐ hoạt động tích cực đều thừa nhận rằng, các trung tâm góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao tri thức cho người lao động. Hệ thống TTHTCĐ đã có tác dụng thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên. Ở nước ta hiện nay, tổng số người lao động khoảng 60.000.000 người. Trong các năm 2015 và 2016, số người tham gia học tập ở các trung tâm hàng năm dao động ở con số trung bình 15.000.000 - 17.000.000 lượt người/năm. Tuy nhiên con số trên đây chưa thể lạc quan, bởi bồi dưỡng nhân lực tại chỗ vẫn chưa chạm tới khoảng 45.000.000 người lớn cần phải học mà không học.
Hợp nhất Trung tâm văn hóa - thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng của một số địa phương
Trên cơ sở Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch về ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của TTVHTT cấp xã; Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ. Qua quá trình khảo sát thực tế nghiên cứu của 2 trung tâm, một số tỉnh đã tổ chức làm thí điểm về việc hợp nhất TTVHTT, TTHTCĐ thành Trung tâm văn hóa, Thể thao và học tập cộng đồng cho thấy việc sáp nhập như trên là phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố (với khoảng gần 2.000 xã, phường, thị trấn) tiến hành sáp nhập 2 Trung tâm (chủ yếu là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh miền Trung), một số tỉnh đã tiến hành sáp nhập ở 100% xã, phường, thị trấn như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh đang trong giai đoạn làm thí điểm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang... Là một địa phương tiên phong trong việc tổ chức sáp nhập Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng từ năm 2012 đến nay, tỉnh Tây Ninh từng bước khẳng định được hiệu quả chứng minh cho việc sáp nhập giữa các trung tâm là chủ trương đúng đắn của tỉnh, hoạt động của Trung tâm được mở rộng, phát huy được công năng hoạt động, giảm chi phí cho việc đầu tư hoạt động. Tuy nhiên, để mở rộng các hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân từ văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế và tất cả các hoạt động liên quan đến đời sống của nhân dân thì cần phải mở rộng phạm vi và không gian của Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng thành TTHĐCĐ theo đúng nghĩa của nó, như vậy mới vừa và đủ...
Mặt trận tham gia xây dựng đời sống văn hóa và phát triển giáo dục ở cơ sở
Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động toàn quốc cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", sau đó đổi tên là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Ngay từ khi phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) đã được các tầng lớp nhân dân ở hầu hết các khu dân cư trong cả nước hưởng ứng và nhiệt tình tham gia thực hiện. Kết quả Cuộc vận động góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 18.232.942/ 21.745.573 gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hoá đạt 83,84%; có 75.598/111.231 khu dân cư đạt chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hoá đạt tỷ lệ 67,96%4.
Thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo được môi trường văn hoá lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân; việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; sinh hoạt văn hoá ngày càng vừa thể hiện giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đa dạng và nâng cao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân ở tất cả các vùng, miền của đất nước.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hoá nên phong trào văn hoá cơ sở được phát triển, nhân dân từ các cộng đồng dân cư đã đóng góp rất lớn để tạo ra CSVC và điều kiện mới phục vụ cho đời sống văn hoá; cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm lại được nâng cấp nhanh, hàng triệu người ở khu dân cư tập dưỡng sinh, đi bộ, thể dục buổi sáng, nhiều khu dân cư đã có phòng đọc sách, có đội văn nghệ, các đội thể thao, có hệ thống truyền thanh, phương tiện nghe nhìn đã đến từng hộ gia đình... Đặc biệt, việc xây dựng nhà văn hoá, nơi sinh hoạt chung ở cộng đồng dân cư đã trở thành phong trào rộng khắp ở cả đô thị cũng như nông thôn, đồng bằng và miền núi, nâng tổng số nhà văn hoá ở các khu dân cư trong cả nước lên hơn 60 nghìn nhà.
Thông qua nhiều hình thức hoạt động, MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy vai trò của mình trong việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, Mặt trận tham gia thực hiện công tác xã hội hóa
giáo dục. MTTQVN đã đưa nội dung thực hiện xã hội hóa giáo dục trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); xây dựng và thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, bằng sự huy động công sức của toàn dân từ cộng đồng dân cư, các mô hình “Xây dựng xã hội học tập”, vận động quỹ khuyến học, mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có ý nghĩa giáo dục sâu sắc được nhân dân nhiều khu dân cư hưởng ứng thực hiện. Hầu hết ở các các địa phương đã xây dựng Quỹ khuyến học, hàng ngàn dòng họ có Quỹ khuyến học để trao thưởng, tặng quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, tạo sự khích lệ động viên phong trào khuyến học ở cộng đồng dân cư trong cả nước. Nhiều khu dân cư đã tổ chức thực hiện tốt việc vận động khu dân cư không có trẻ em bỏ học; các tiêu chí thực hiện học tập, xây dựng quỹ được cụ thể hóa chặt chẽ trong tiêu chí bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá, Khu dân cư văn hoá.
Trong quá trình triển khai mục tiêu của công tác xã hội hóa giáo dục Hội Khuyến học Việt Nam - thành viên của MTTQVN đã tích cực thực hiện vận động nhân dân tham gia học tập và phát triển các Quỹ khuyến học do nhân dân tự nguyện đóng góp và Nhà nước có thể tài trợ một phần để trợ giúp người nghèo đi học theo tinh thần Nghị quyết 90/CP của Chính phủ. Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài đã bắt rễ vào cơ sở, tạo nên một không khí thi đua sôi động, lôi cuốn hàng triệu người tham gia.
Hiện nay, một số địa phương đã có chủ trương và tiến hành sáp nhập TTVHTT và TTHTCĐ ở cấp xã thành tên gọi chung là Trung tâm văn hóa, thể thao - Học tập cộng đồng hoặc Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng cho thấy hiệu quả của việc sáp nhập là đúng đắn, các trung tâm đã từng bước khẳng định được vị trí của mình, đồng thời phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư trong xây dựng và phát triển. Hoạt động của trung tâm từng bước góp phần nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện các mục tiêu giải quyết việc làm - giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư và điều quan trọng là việc sáp nhập sẽ tiết kiệm về CSVC, giảm sự chồng chéo trong hoạt động ở cơ sở, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện lộ trình tinh giản biên chế hiện nay.
Từ thực tế cho thấy việc việc sáp nhập hoạt động của TTVHTT và TTHTCĐ này là đúng hướng, tuy nhiên nếu chỉ đơn giản sáp nhập hai trung tâm này và các hoạt động tổ chức thực hiện theo Quy chế hoạt động của trung tâm cùng với tên gọi như hiện nay thì các hoạt động này chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động của lĩnh vực văn hóa, thể thao và một số nội dung học tập được thực hiện tại trung tâm. Thực tế hiện nay cho thấy nhu cầu của người dân trong tất cả các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao... là rất lớn vì vậy cần đưa tất cả những hoạt động này vào không gian tổng thể, có quy chế hoạt động bài bản, phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân ở từng địa bàn là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó việc xây dựng và củng lại cơ chế quản lý vận hành cũng như tổ chức lại bộ máy nhân sự của trung tâm nhất là việc phát huy vai trò của MTTQVN và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển Trung tâm hoạt động cộng đồng (TTHĐCĐ) trong thời gian tới.
Giải pháp xây dựng mô hình Trung tâm hoạt động cộng đồng
Một là, nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về xây dựng Trung tâm hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, điều hành Trung tâm hoạt động cộng đồng. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp thống nhất quyết định chủ trương và triển khai xây dựng TTHĐCĐ. Bảo đảm vai trò trong công tác lãnh đạo TTHĐCĐ, thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, giáo dục ở cơ sở; coi việc thực hiện các nhiệm vụ trên là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, phân loại đảng bộ. Phân công cấp ủy viên, tốt nhất là một đồng chí trong Thường trực cấp ủy theo dõi chỉ đạo TTHĐCĐ trên địa bàn và một cấp ủy viên trong bộ máy chính quyền trực tiếp làm Giám đốc TTHĐCĐ. Phối hợp để xây dựng chương trình cụ thể theo từng hoạt động chuyên đề, theo chương trình công tác năm của trung tâm.
Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia điều hành, quản lý TTHĐCĐ. Trong hệ thống bốn cấp, MTTQVN ở cơ sở có vị trí quan trọng. Cơ sở là địa bàn tổ chức thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQVN, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống ở cộng đồng dân cư. Cán bộ Mặt trận cơ sở hoạt động với tinh thần làm việc vì cộng đồng, động viên nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ an ninh và quốc phòng ở địa phương; chăm lo lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Ba là, giải pháp về cơ chế, tổ chức, bộ máy và hoạt động của Trung tâm hoạt động cộng đồng. Để xây dựng và vận hành TTHĐCĐ cấp xã thì phải xây dựng hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm bao gồm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và các văn bản cụ thể của cấp xã trong tổ chức thực hiện. Đối với Trung ương, trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá của các TTVHTT và TTHTCĐ ở cấp xã; căn cứ từ thực trạng về hoạt động của các TTVHTT và TTHTCĐ đề xuất Chính phủ ban hành Quyết định xây dựng TTHĐCĐ trên cơ sở tích hợp các TTVHTT và TTHTCĐ hiện có và mở rộng các hoạt động ở một số lĩnh vực hoạt động trên địa bàn cấp xã. Đối với địa phương, việc xây dựng hệ thống văn bản phải trên cơ sở căn cứ khảo sát, nắm bắt dư luận xã hội về hiệu quả, những mặt đạt được và chưa được của việc cơ cấu, tổ chức các hoạt động của các TTVHTT và TTHTCĐ và một số hoạt động của các trung tâm khác trên địa bàn cấp xã trong thời gian qua để từ đó có các giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng TTHĐCĐ.
Xác định lộ trình thực hiện Đề án nhằm đảm bảo từng bước triển khai xây dựng Trung tâm hoạt động cộng đồng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Bốn là, hướng hoạt động của Trung tâm hoạt động cộng đồng theo yêu cầu an sinh xã hội của địa phương, giải quyết công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh, đồng thời nâng cao trình độ thụ hưởng văn hóa của nhân dân, trình độ tri thức và kỹ năng để tự an sinh, đủ năng lực để đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống.
Tổ chức các hoạt động tại TTHĐCĐ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân cư, như: tạo ra công ăn việc làm, nhà ở, dịch vụ xã hội (khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe thường xuyên…), dịch vụ về giao thông, kỹ năng sống cho các lứa tuổi… Qua đó, người dân nhận thức được thế nào là chất lượng cuộc sống và phải làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, bài trừ các hủ tục, phát huy thuần phong mỹ tục; thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng để vừa giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc vừa hội nhập quốc tế.
Trang bị cho người dân kiến thức, kĩ năng để phòng tránh rủi ro, những nguy cơ xấu trong đời sống hàng ngày từ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Đảm bảo sự tác động và gắn kết các hoạt động của trung tâm với các hoạt động xã hội khác nhằm phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Năm là, đảm bảo tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động của TTHĐCĐ. Huy động tối đa mọi nguồn lực (bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác) để đầu tư xây dựng CSVC, mua sắm trang thiết bị của TTHĐCĐ; đảm bảo nguồn kinh phí chi thường xuyên để trả lương cho bộ máy và tổ chức các hoạt động của trung tâm, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Sáu là, xã hội hóa xây dựng Trung tâm hoạt động cộng đồng ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường xã hội hóa trong triển khai hoạt động ở TTHĐCĐ. Xây dựng các cơ chế thực hiện chính sách xã hội hóa trong các hoạt động của TTHĐCĐ xã, phường, thị trấn, tận dụng CSVC, sân bãi cho các tổ chức cá nhân có điều kiện đầu tư kinh doanh các hoạt động văn hóa, thể thao tại trung tâm, góp phần thu hút nhân dân đến tham gia các hoạt động tại trung tâm.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI): số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, Quyết định ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội; số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013, Quyết định ban hành Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
2. Báo cáo kết quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2016. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
3. Phạm Tất Dong (2014), Xây dựng XHHT dưới ánh sáng Nghị quyết 29-NQ/HNTW, Hội Khuyến học Việt Nam.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (2012), Quy chế xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng.
5. Trịnh Thị Kim Ngọc (Chủ biên), Con người và văn hóa - Từ lý luận đến thực tiễn phát triển. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 2009.
Trương Thị Ngọc Ánh
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam