Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Tuấn Quang
Yêu cầu đặt ra đối với việc đổi mới hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cấp ủy các cấp cần quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế Giám sát và Phản biện xã hội (GS&PBXH) của Bộ Chính trị ở mọi cấp và cả nước để trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả việc thực hiện, tiếp tục đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu lực hơn để tiếp tục quán triệt và thực hiện quy chế. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí, quyền, và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận các cấp, nhất là ở cấp tỉnh và cơ sở để cán bộ, công chức, đảng viên hiểu đầy đủ, thống nhất.
Cần quan tâm lãnh đạo các cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tạo cơ chế, điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát của mình. Đồng thời, các cấp ủy Đảng cần quan tâm lãnh đạo trong việc đổi mới phương thức phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước và với các tổ chức chính trị - xã hội về công tác giám sát. Đảng cần lãnh đạo để sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra được thuận lợi, đạt kết quả cao trong việc thực hiện quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hạn chế tối đa sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng, nội dung cần giám sát. Thứ hai, bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của các thành viên Mặt trận, phát huy dân chủ trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát huy dân chủ trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đối tượng, nội dung, mục đích và yêu cầu giám sát phải được các chủ thể thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ, tránh mọi hình thức áp đặt, mệnh lệnh hành chính. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành hiệp thương, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp. Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp đều bình đẳng ngang nhau trong quá trình bàn bạc, thảo luận và hiệp thương. Chỉ khi các tổ chức này cùng đồng thuận thì mọi quyết định trong quá trình phối hợp giám sát mới được đưa ra.
Đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp trong quá trình giám sát phải được có ý kiến đối với việc tiến hành giám sát, kết luận giám sát; có quyền được giải trình thêm về những vấn đề đặt ra trong quá trình giám sát và trong kết luận giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Yêu cầu về dân chủ trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn thể hiện qua việc kết luận giám sát. Những kết luận này không mang tính mệnh lệnh, bắt buộc như kết luận giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước hay kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra khác của Đảng, Nhà nước. Kết luận này chỉ mang tính chất khuyến nghị, đề xuất để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và thực hiện. Không được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế như các kết luận thanh tra, kiểm sát của cơ quan nhà nước nhưng những kết luận giám sát đúng đắn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại được bảo đảm thực hiện bởi “quyền lực mềm” là sự ủng hộ của dư luận xã hội, của truyền thông - đó cũng là một khía cạnh có tính dân chủ của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là sự xem xét, đánh giá của Nhân dân, của xã hội đối với quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội liên quan đến lợi ích của mọi thành viên trong xã hội nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực chất là sự giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, chính sách của chủ thể cầm quyền. Nhân dân giám sát với hai tư cách, một tư cách là chủ thể quyền lực và một tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện giám sát sẽ giúp nhà nước điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích chung. Như vậy, bản chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hành dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội. Thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ bảo vệ được những lợi ích hợp pháp, chính đáng cho số đông, tạo đồng thuận xã hội.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia, phối hợp của các tổ chức thành viên, của nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp trong việc hiệp thương, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp công tác nói chung và các chương trình phối hợp giám sát nói riêng của cấp mình. Các chương trình này phải có sự thống nhất trong phân công, thực hiện nhiệm vụ theo hướng gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng tổ chức và trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và thiện chí hợp tác. Trong quá trình hiệp thương, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp công tác, phối hợp giám sát, cần xác định theo định hướng: đối với những đối tượng, nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến chức năng, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc liên quan đến những vấn đề chung của quốc gia, của nhân dân hoặc của cả địa phương, của nhân dân địa phương thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì giám sát những nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội nào thì tổ chức đó chủ trì giám sát; những đối tượng, nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của các thành viên tổ chức khác của Mặt trận thì tổ chức đó phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thực hiện giám sát.
Thứ tư, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải bảo đảm tính khả thi, thiết thực, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế và gắn với việc đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải tập trung hướng vào những vấn đề gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trọng tâm là những vấn đề đông đảo nhân dân quan tâm, bức xúc, cần sớm phải được giải quyết. Thực hiện quyền giám sát cần phải xem xét khách quan, lựa chọn chính xác những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, bức thiết nhất, có ảnh hưởng và tác động xã hội lớn nhất trong các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân để giám sát. Theo đó, nội dung mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giám sát là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cơ quan, tổ chức và cá nhân các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bao hàm nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, nó có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với tầm quan trọng đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các nội dung này là hết sức cần thiết. Hoạt động này cần phải được tiến hành liên tục, bền bỉ trong suốt quá trình thực hiện chính sách. Việc làm này không những thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn là giải pháp cho việc phát huy trí tuệ của toàn dân tộc, nâng cao tính hoàn thiện và thực thi của các chính sách khi triển khai trên thực tế.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải luôn xuất phát từ góc độ của nhân dân để giám sát hoạt động của các chủ thể có thể có các hành vi tác động đến cuộc sống của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó trước hết phải là các cơ quan nhà nước - những chủ thể được nhân dân thông qua Quốc hội ủy quyền cho họ thực hiện quyền lực nhà nước để phục vụ nhân dân. Đồng thời, nhân dân cũng phải giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước để bảo đảm rằng các cơ quan này không lạm dụng quyền lực nhà nước mà nhân dân đã trao cho họ để đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Thứ năm, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải công khai, minh bạch.
Tương tự như với hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được thực hiện theo những cách thức bảo đảm được tính công khai, minh bạch. Yêu cầu này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải quy định toàn diện, đầy đủ, cụ thể và rõ ràng các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý không chỉ cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhất là những đối tượng chịu sự giám sát và những người có quyền, lợi ích liên quan theo dõi việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình. Kinh nghiệm cho thấy, hệ thống thể chế có vai trò đòn bẩy đối với tốc độ và chất lượng phát triển của toàn xã hội. Hệ thống pháp luật không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn kích thích và định hình chiều hướng vận động của các nguồn lực xã hội. Với sự tồn tại của một nhà nước pháp quyền dân chủ và một nền kinh tế thị trường lành mạnh, giám sát mang tính xã hội diễn ra như một hiện tượng tất yếu, tự nhiên của đời sống dân sự. Sự tương tác qua lại thường xuyên giữa Nhà nước - thị trường - xã hội thông qua cơ chế giám sát xã hội giúp giảm thiểu được xung đột, căng thẳng xã hội, điều chỉnh năng lực quản trị của bộ máy nhà nước cũng như phát triển trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng ở từng công dân.
Những giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong năm 2017, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện quy chế GS&PBXH của Bộ Chính trị. Đây là dịp để đánh giá và rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất ra phương hướng và giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế. Cần quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành trong việc tham gia và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác giám sát, cầu thị và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện một bước Quy chế GS&PBXH của Bộ Chính trị, tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên; xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp tục thể chế hóa Quy chế GS&PBXH của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành những quy định cụ thể. Ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bảo đảm cho việc thực hiện hình thức được rõ ràng, mạch lạc, thông suốt, có hiệu quả trên cơ sở phát huy kinh nghiệm, kế thừa những quy định về một số hình thức giám sát xã hội đã thực hiện ổn định, phù hợp. Tổ chức tốt việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2017, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại và các văn bản có liên quan nhằm phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường tính chủ động và các bảo đảm cho việc thực hiện các quyền này của nhân dân. Tiếp tục triển khai Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” được ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTU Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 21/4/2006 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai là, tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, trọng tâm là trong hệ thống chính trị về công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong thực hiện chính sách. Những ý kiến trong giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là những ý kiến đồng thuận xã hội. Việc tiếp thu những ý kiến giám sát đồng nghĩa với tôn trọng dân chủ, tôn trọng nhân dân và tất yếu có sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, của xã hội, góp phần hạn chế được tình trạng phản ứng xã hội tự phát. Vì vậy, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong quá trình giám sát là điều rất quan trọng để việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động giám sát, phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt. Tính xây dựng qua các ý kiến giám sát cũng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân, kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, nhất là những tổ chức giải quyết những việc trực tiếp liên quan đến quyền lợi của nhân dân. Mặt khác, thông qua hoạt động này, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng lên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng chặt chẽ.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực chất là sự giám sát của nhân dân, mang tính nhân dân sâu sắc. Nhân dân là chủ thể giám sát với hai tư cách. Thứ nhất, với tư cách là người chủ, nhân dân có quyền giám sát đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Thông qua giám sát, nhân dân có công cụ hữu hiệu, có điều kiện tốt hơn thực hiện quyền kiểm soát quá trình hoạt động của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Thứ hai, với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước, nhân dân có quyền bảo vệ những lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trước những chủ trương, chính sách, đề án của Nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ hoặc xâm phạm các quyền lợi đó.
Bằng những lập luận, chứng cứ dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân, giám sát nhằm kiểm soát quá trình xã hội liên quan đến lợi ích toàn xã hội, đến lợi ích của đông đảo nhân dân, giúp Nhà nước điều chỉnh quá trình thực thi chính sách phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Như vậy, bản chất của giám sát là việc mở rộng và thực hành dân chủ, là đặc trưng rõ ràng của đời sống dân chủ của xã hội. Do đó, việc thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đem lại những lợi ích chính đáng, hợp pháp cho xã hội, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh một mối quan hệ chính trị rất cơ bản là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Ba là, trong tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần triển khai đồng bộ các hình thức giám sát đã được quy định và các hình thức giám sát khác.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định 4 hình thức giám sát cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay, ở các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương và kể cả trung ương quá chú trọng vào hình thức giám sát qua việc tổ chức đoàn giám sát mà chưa quan tâm thích đáng các hình thức giám sát khác. Bên cạnh những ưu điểm của hình thức giám sát này thì nó cũng bộc lộ những nhược điểm cần giải quyết như: việc phối hợp tổ chức phức tạp, tốn kém, bố trí thời gian khó; thành viên đoàn giám sát đông nhưng hiệu quả chưa như mong đợi… Vì vậy, bên cạnh việc cần tính toán lại hình thức giám sát theo đoàn sao cho thật hiệu quả, chỉ trong những trường hợp thực sự cần thiết, tránh tổ chức tràn lan theo phong trào thì cần chú trọng tới các hình thức giám sát khác trong đó câng đặc biệt lưu ý tới hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đây là hình thức phù hợp, hiệu quả, ít tốn kém và các cấp Mặt trận đều có thể tham gia.
Bốn là, tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nói đến Mặt trận là bao gồm nhiều lực lượng, nhưng để làm được nhiệm vụ giám sát, Mặt trận cần chọn và xây dựng cho được lực lượng nòng cốt để vừa làm chỗ dựa vừa làm nhiệm vụ tiên phong đột phá. Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ dân chủ hiện đại, không thể có dân chủ trong một xã hội không có giám sát xã hội và ngược lại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở đó có sự lựa chọn, bố trí cán bộ và phân bổ nguồn kinh phí tương xứng. Nguồn lực con người và nguồn tài chính để thực hiện giám sát cần được đảm bảo và quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy tối đa tiềm năng to lớn của các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, các Hội đồng tư vấn. Đồng thời, thông qua hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Mặt trận tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, tập hợp dư luận xã hội, đây là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú về cả lý luận và thực tiễn để có cơ sở giám sát.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013): Hiến pháp năm 2013.
2. Quốc hội (2015): Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
3. Nguyễn Quang Minh (Chủ biên): Hỏi đáp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H. 2016.
4. Đặng Đình Tân (Chủ biên) (2006): Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Đỗ Quang Tuấn (Chủ biên) (2006): Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đào Trí Úc (Chủ biên) (2008): Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Phan Văn Vượng
Thạc sĩ, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam