Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng Hòa thượng Thích Thiện Nhơn.
Do hoàn cảnh lịch sử để lại, Việt Nam là nước nghèo và kém phát triển, nền tảng để xây dựng và phát triển xã hội rất thấp; lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều hy sinh, mất mát cả tính mạng, của cải của người dân để giành và giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Thêm vào đó là thiên tai, chướng ngại về thời tiết, khí hậu năm nào cũng diễn ra tác động tiêu cực đến tiềm năng phát triển của xã hội. Mặc dù cả hệ thống chính trị và nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng kinh tế, phát triển xã hội, đặc biệt là kể từ ngày thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, nhưng trong đời sống xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết để bảo đảm an sinh, tạo cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển, vươn tới một xã hội mà mọi người đều có đời sống dồi dào về vật chất, phong phú về tinh thần, văn hoá. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với trách nhiệm của nhà nước, các nguồn lực huy động từ xã hội có vai trò rất quan trọng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuyến khích tham gia của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội... Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá, xã hội để thực hiện bảo đảm an sinh xã hội... Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế”(1). Trong các thành phần tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện, các tôn giáo ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng, góp phần thành công việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Tính cấp thiết của việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến năm 2016, số người cần trợ giúp xã hội của Việt Nam chiếm hơn 25% dân cư trong cả nước. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 1,8 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện; 204.000 người nghiện ma tuý, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; đồng thời, có khoảng 10% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo(2).
Đến năm 2016 nước ta có 2,7 triệu(3) đối tượng bảo trợ xã hội đã được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, trong đó: 37.348 trẻ em mồ côi; 88.594 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo; 1,495 triệu người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 90 ngàn người cao tuổi cô đơn, không nguồn nuôi dưỡng; 896.644 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 69.257 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng; 8.185 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 413 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 218 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 141 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 34 trung tâm công tác xã hội. Kinh phí do ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội gần 15.000 tỷ đồng/năm(4).
Như vậy, mặc dù Nhà nước đã đầu tư một khoản ngân sách lớn nhưng mới chỉ chăm lo được một số lượng rất ít các đối tượng cần trợ giúp xã hội. Đây là một thách thức rất lớn, nếu không có sự chung sức, góp tay của các tổ chức, cá nhân, các thành phần trong xã hội, trong đó các tổ chức tôn giáo ở nước ta với tiềm lực rất lớn.
Cơ sở phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện
Có thể nói, cơ sở để phát huy mạnh mẽ vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện đó là sự tương đồng giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với giáo luật, giáo lý, phương thức thực hành đạo của các tôn giáo.
Về quan niệm, giáo luật, giáo lý của các tôn giáo đối với công tác xã hội, từ thiện có những nội dung đáng chú ý:
Trong giáo lý của Phật giáo: "Lục độ" là sáu hạnh của Bồ tát (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ), là con đường dẫn đến sự giác ngộ. Điều đầu tiên trong thực hành "Lục độ" là "Bố thí", tức là đề cao những người có lòng thương và hành động về lòng thương rộng lớn đối với tất cả người và vật. Đồng thời, giáo lý của Phật giáo khuyên con người thực hành từ, bi, hỉ, xả (Tứ vô lượng tâm) để đi đến con đường giải thoát, là nhân tố chủ yếu định hướng và phát triển mọi hoạt động vì con người trong giáo lý Phật giáo. Để chức sắc và đồng bào Phật tử thực hiện hạnh bố thí một cách cụ thể, trong cơ cấu tổ chức của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Từ thiện xã hội.
Hoạt động từ thiện xã hội của Công giáo dựa trên cơ sở Thánh kinh và Thần học Công giáo về lòng bác ái; đồng thời là một giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức, hạt nhân tích cực trong giáo lý của đạo Công giáo. Kinh thánh đặc biệt nhấn mạnh và khuyến khích tín đồ làm việc thiện, cứu giúp người nghèo khổ, bệnh tật trên cơ sở đề cao tình yêu thương, bác ái.
Đạo Tin Lành quan niệm Đức Chúa Trời sáng tạo ra con người là vì điều thiện và để làm việc thiện. Tín đồ đạo Tin Lành tin vào Chúa Trời, Kinh Thánh và Ân điển(5).
Đạo Cao Đài quan niệm các tôn giáo đều có chung một nguồn gốc là Đức Cha Trời và đều nhằm mục đích hướng thiện con người.
Phật giáo Hoà Hảo với tôn chỉ hành đạo là "học Phật, tu Nhân", tại gia cư sĩ thực hiện Tứ ân: Ân Tổ tiên cha mẹ, Ân Đất nước, Ân Tam bảo, Ân Đồng bào nhân loại. Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo xác định đường hướng hành đạo là "Vì Đạo pháp, vì Dân tộc" với trọng tâm hoạt động là phổ truyền giáo lý và thực hành công tác xã hội, từ thiện, bố thí. Vì vậy, hoạt động từ thiện, xã hội là nét đẹp truyền thống và nội dung hành đạo của Phật giáo Hoà Hảo.
Ngoài ra, các tôn giáo khác trong 15 tôn giáo ở Việt Nam như: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam, đạo Baha'i, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh sư đạo, Minh Lý đạo, đạo Bà La môn, đạo Mặc Môn (Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô), Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn... đều lấy công tác xã hội, từ thiện là một trong những phương thức hành đạo để giáo hóa tín đồ, đem hạnh phúc, yên vui đến cho con người.
Như vậy, công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo là một nhu cầu tự thân, là chức năng xã hội và là truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”, "gắn bó Đạo - Đời" của các tôn giáo, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nói cách khác, công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo là một trong những nguồn lực sẵn có của xã hội để thực hiện xã hội hóa công tác xã hội.
Những điểm đáng chú ý trong thực tiễn về công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo ở nước ta hiện nay
Trong thực tiễn về công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo ở nước ta hiện nay có những điểm đáng chú ý như sau:
Công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo góp phần quan trọng vào việc thực hiện xã hội hóa công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện; góp phần giảm gánh nặng về chi ngân sách của Nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong đó tập trung là người khuyết tật, tâm thần, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, người cao tuổi cô đơn, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành... và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở bậc học mầm non.
Các trung tâm hoạt động xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội, dạy nghề, giáo dục mầm non và các hoạt động xã hội, từ thiện trực tiếp với cộng đồng của các tôn giáo, về cơ bản thực hiện đầy đủ các chức năng của công tác xã hội: Cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội ở các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cấp bách của những người yếu thế trong hoàn cảnh gặp tai ương, hoạn nạn mà các cơ quan của Nhà nước và các tổ chức xã hội khác chưa đáp ứng kịp.
Công tác xã hội, từ thiện, giáo dục mầm non của các tôn giáo hoạt động theo tinh thần phi lợi nhuận, mang tính nhân văn cao cả nên được sự ủng hộ tích cực của xã hội, các nhà hảo tâm, là sự đóng góp tích cực của các tôn giáo để xây dựng đời sống văn hoá, đạo đức xã hội tốt đẹp.
Nhưng, hiện nay việc tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập:
+ Các cơ sở bảo trợ giúp xã hội của các tôn giáo chuyên cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh bằng tình thương yêu chân thành, nhưng chưa am hiểu sâu sắc về các quy định của pháp lý để bảo đảm hoạt động có hiệu quả, bền vững. Do vậy, việc thực hiện các thủ tục pháp lý về tổ chức và hoạt động của các cơ sở này chưa được tốt; nghiệp vụ về quản lý, chăm sóc, bảo trợ, nuôi dạy ở các cơ sở chưa đồng đều, thậm chí có nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, quy định về pháp lý đã đặt ra.
+ Các cơ sở trợ giúp xã hội của các tôn giáo giáo thường hoạt động một cách riêng rẽ, độc lập trong tôn giáo mình, thiếu sự kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan quản lý, phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác. Do đó, đến nay vẫn còn nhiều cơ sở trợ giúp xã hội của các tôn giáo đã tổ chức nuôi dưỡng nhiều đối tượng bảo trợ xã hội nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa muốn thành lập cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định. Điều này dẫn đến không ít đối tượng sống trong các cơ sở này mặc dù đúng tiêu chuẩn được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ cấp hàng tháng... nhưng chưa được giải quyết.
+ Nguồn kinh phí của các cơ sở trợ giúp xã hội của các tôn giáo chủ yếu có được từ các nguồn trợ giúp của các cá nhân và tổ chức từ thiện trong xã hội nên còn thiếu tính chủ động. Một số trung tâm trợ giúp xã hội của các tôn giáo có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu các trang thiết bị phục vụ, nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, bổ sung, nâng cấp.
+ Nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tôn giáo còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng. Về giáo dục mầm non, giáo viên đứng lớp và người làm công tác quản lý không ổn định do phải luân chuyển địa bàn phục vụ thường xuyên theo quy định của giáo luật (Công giáo). Hoặc các nữ tu sĩ của Phật giáo chỉ làm nhiệm vụ quản lý (Hiệu trưởng), không thể đứng lớp vì trang phục của người nữ tu Phật giáo không phù hợp với quy định của ngành giáo dục(6). Đây là một trong những khó khăn lớn làm hạn chế công tác quản lý, điều hành và giảng dạy trực tiếp của các nữ tu sỹ tại các trường mầm non do tôn giáo mở.
+ Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ của tôn giáo còn mang tính chất hành chính; chưa chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng. Các cơ quan chuyên môn liên quan ở các tỉnh, thành phố còn chưa chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội định kỳ và đột xuất để kịp thời hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, chấn chỉnh đối với các cơ sở hoạt động chưa đúng quy định.
Kiến nghị giải pháp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia công tác xã hội, từ thiện
Về chủ trương, chính sách, giải pháp của công tác quản lý nhà nước:
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cụ thể hóa và hoàn hiện các quy định pháp lý theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện. Cụ thể là cụ thể hoá Điều 55 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo về quy định việc cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo(7) vừa phù hợp với pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hoá công tác tác xã hội, nhân đạo, từ thiện hiện nay.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước một cách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở bằng việc rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, hỗ trợ các hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội do các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện nhằm củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng công tác xã hội của tôn giáo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xã hội hoá công tác xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Giáo hội của các tôn giáo với chính quyền các cấp trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội của tôn giáo để kịp thời hướng dẫn, thực hiện các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về thành lập hoặc hoàn thiện thủ tục thành lập theo đúng quy định; công tác hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở.
Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình thực hiện tốt công tác xã hội của các tôn giáo ra các địa phương và các cấp của Giáo hội; kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh các cá nhân, tập thể của các tôn giáo đã làm tốt công tác xã hội.
Định kỳ và thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo từng lĩnh vực cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các cơ sở hoạt động xã hội, giáo dục mầm non của các tôn giáo.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đề xuất và trình Quốc hội dự án Luật về công tác xã hội để hoàn thiện về mặt pháp lý việc thực hiện xã hội hóa công tác xã hội nói chung và công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo nói riêng.
Đối với các tôn giáo:
Triển khai tổng rà soát việc tổ chức và hoạt động của các trung tâm công tác xã hội, cơ sở giáo dục mầm non của các tôn giáo để tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động; nhu cầu cần hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ để đề xuất với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giải quyết.
Tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xã hội của các tôn giáo, cụ thể:
Công tác quản lý, điều hành, hoạt động chuyên môn của các cơ sở; phương thức liên hệ, phối hợp giữa người điều hành cơ sở với chính quyền và các ngành chức năng liên quan ở địa phương để bảo đảm cho cơ sở hoạt động đúng quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết những vướng mắc xảy ra.
Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, hàng hoá do các cá nhân, tổ chức tài trợ cho công tác xã hội; công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và phục vụ công việc hiệu quả.
Cùng với những đợt cứu trợ, giúp đỡ giải quyết những khó khăn đột xuất của người dân như thiên tai, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt hằng ngày của người nghèo..., các tổ chức tôn giáo cần nghiên cứu quy hoạch mạng lưới trung tâm hoạt động xã hội của Nhà nước để xây dựng kế hoạch, quy hoạch xây dựng các trung tâm công tác xã hội của tôn giáo theo từng lĩnh vực để tránh sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, đồng thời nâng cao hiệu quả tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện của tôn giáo.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016.
2. Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cập nhật ngày 1/12/2016. http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=26181.
3. Theo thống kê dân số thế giới, tính đến ngày 16/1/2017, dân số Việt Nam có gần 95 triệu người (chính xác là 94,970,597 người).
4. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề, ngày 24/2/2017.
5. Xem thêm: Jean Baubérot (2006), Lịch sử đạo Tin Lành, người dịch: Trần Sa, Nxb. Thế giới, tr.10.
6. Phỏng vấn sâu tại Trường Mầm non Quảng Tế thuộc GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế, tháng 5/2017.
7. Quốc hội: Luật số 02/2016/QH14. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2016.
2. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội: Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề, ngày 24/2/2017.
3. NQ số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của BCHTW khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
4. Jean Baubérot (2006): Lịch sử đạo Tin Lành, người dịch: Trần Sa, Nxb. Thế giới, tr.10.
5. Quốc Hội: Luật số: 02/2016/QH14. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016.
TS. Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam