"Hiếu" là một phạm trù đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Kế thừa đạo đức truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Quân đội phải hiếu với dân. Người chỉ rõ: cán bộ, chiến sĩ ta phải yêu thương, kính trọng nhân dân. Bởi vì, quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, cán bộ và chiến sĩ đều là con em của nhân dân; nhân dân là nền tảng vững chắc của bộ đội. Hiếu với dân là một phẩm chất tốt đẹp, là truyền thống quý báu của quân đội ta, là cái gốc bền vững của sức mạnh chiến đấu, căn nguyên sâu xa của mọi chiến thắng với bất kỳ một thế lực xâm lược nào. Sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân là cội nguồn sức mạnh vô địch của quân đội, có ý nghĩa quan trọng và luôn gắn liền với sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta 73 năm qua. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở quân đội ta phải gần gũi nhân dân; nếu xa rời nhân dân là thất bại. Bộ đội gần dân và được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu, đi dân nhớ, ở dân thương, được dân che chở, giúp đỡ thì việc khó khăn mấy cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mình là công bộc của dân, vì nhân dân mà chiến đấu, mà phục vụ, mà quên mình. Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về trung với Đảng, hiếu với dân. Bác từng nói: “Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”, “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”.
Trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, bộ đội luôn ở cùng nhân dân, được nhân dân đùm bọc che chở. Sống trong nhà dân, bộ đội luôn coi đó như gia đình của mình và luôn luôn kính trọng, hiếu thảo với nhân dân. Biểu hiện cao nhất của hiếu với dân lúc này là sẵn sàng hy sinh tính mạng để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày nay, trước sự phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện mới, hiếu với dân là phải kính trọng dân, giúp đỡ dân.
Kính trọng dân là yêu cầu đạo đức đầu tiên của nội dung hiếu với dân. Nhân dân là cha mẹ của bộ đội, do đó, bộ đội không được làm điều gì mất lòng dân. Những điều dân chưa rõ, chưa hiểu thì phải giải thích cho dân hiểu, không được bất kính với nhân dân. Khi tiếp xúc với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; thực hiện đúng 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật quan hệ quân dân; tôn trọng phong tục tập quán, những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương nơi đóng quân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ quân đội cần kính trọng dân, sự “Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân...”.
Hiện nay, hiếu với dân là hết lòng phục vụ nhân dân thông qua việc giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, làm cho đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, đồng thời tích cực giúp dân khắc phục, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng “cụm dân cư an toàn”, bản, làng văn hoá mới. Các đơn vị quân đội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nhằm giữ vững an ninh chính trị tại địa bàn đóng quân để nhân dân yên tâm lao động sản xuất và thực hiện tốt chính sách xã hội ở địa phương. Tại nhiều bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ đảm nhiệm vai trò người chiến sĩ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà còn đảm nhiệm tốt cả vai trò người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ hoà giải...
Hiện nay, hiếu với dân còn phải góp phần bảo vệ nhân dân trước các thủ đoạn tấn công nham hiểm của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ nhằm tách nhân dân ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc..., từ đó làm suy giảm vai trò, sức mạnh khả năng của nhân dân, xã hội mất ổn định, đời sống của nhân dân khó khăn, an toàn cuộc sống không được bảo đảm, tạo nên các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo... Bảo vệ nhân dân hiện nay còn phải chủ động, tích cực, kịp thời trong thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trước thiên tai, hoả hoạn và thảm hoạ môi trường...; bảo vệ nhân dân đòi hỏi phải giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; tôn trọng tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào tôn giáo, thông qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn như vậy mới phát huy được vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, mới thực sự nêu cao ý thức vừa dân vận, vừa học dân.
Hiếu với dân còn được thể hiện ở việc quân đội tích cực, kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tệ tham ô, tham nhũng, làm thất thoát tài sản của nhân dân, giả danh bộ đội, lợi dụng uy tín của quân đội để làm việc sai trái, gây phiền hà trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với quân đội…
Trên cơ sở nhận thức mới về nội dung phẩm chất hiếu với dân, Quân đội ta phải góp phần tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần nắm vững và làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Trong điều kiện đất nước đang phát triển kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, có nhiều yếu tố tiêu cực tác động làm xói mòn đạo đức truyền thống, trong đó có truyền thống hiếu với dân của Quân đội ta. Việc coi trọng công tác giáo dục tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ là để giữ gìn và phát huy đạo hiếu của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta trong điều kiện mới vừa đảm bảo xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, vừa giữ được giá trị truyền thống của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cần tập trung giáo dục tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ quân - dân, những gương sáng hết lòng vì nhân dân phục vụ của bộ đội ta; giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật quan hệ quân - dân; tuyên truyền, giáo dục bộ đội hiểu và tôn trọng những phong tục, tập quán của nhân dân địa phương nơi đóng quân; giáo dục tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Các nội dung giáo dục được thực hiện thông qua các chương trình giáo dục tập trung, nhất là trong giai đoạn đơn vị hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, huấn luyện ngoài doanh trại và thông qua sinh hoạt học tập hàng ngày để biểu dương những quân nhân thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh những quân nhân vi phạm; kết hợp chặt chẽ với địa phương để nâng cao hiệu quả giáo dục bộ đội.
Hai là, coi trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ ý thức gần dân, trọng dân, yêu thương, bảo vệ dân và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Đây là vấn đề cơ bản, giữ vai trò quan trọng trong bồi dưỡng nâng cao phẩm chất hiếu với dân cho cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất hiếu với dân cho cán bộ, chiến sĩ cần tập trung vào những nội dung chủ yếu về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của trên về vai trò của quần chúng; ý thức giai cấp, quan điểm lập trường giai cấp; ý thức trọng dân, học tập dân, bảo vệ dân, gắn bó với nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh, cùng toàn dân thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, lối sống, nếp sống mẫu mực, gần gũi, thương yêu, tôn trọng quần chúng…; đồng thời, tăng cường công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực sự là chỗ dựa trung thành, tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy phụng sự nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng.
Ba là, bồi dưỡng năng lực vận động quần chúng và phương pháp tác phong công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ.
Chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện “ba bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám nhân dân); “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào); “năm tốt” (năng lực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tốt; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; tinh thần trách nhiệm tốt; ý thức tự giác tinh thần kỷ luật tốt; gương mẫu, có tính khoa học, tâm huyết và quần chúng tốt). Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị đối với công tác dân vận hiện nay, xây dựng động cơ, trách nhiệm và định hướng hành động đúng đắn trong thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận được giao.
Đồng thời, giáo dục cho các cán bộ, chiến sĩ phẩm chất hiếu với dân với những nội dung cơ bản sau đây:
Toàn tâm, toàn ý, hết lòng phục vụ nhân dân - chuẩn mực này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải huy động toàn bộ khả năng của bản thân như bám sát cuộc sống lao động của nhân dân để “trông”, để “nghe” nhân dân lao động sản xuất; “chân” phải đi, đến trực tiếp với nhân dân; “miệng” phải tìm mọi cách giải thích cho nhân dân hiểu rằng việc “kiến quốc, đổi mới đất nước” đó là lợi ích cho nhân dân và là nhiệm vụ của họ, họ phải đoàn kết ra sức thi đua làm cho kỳ được.
Sâu sát quần chúng, nói đi đôi với làm. Cán bộ, chiến sĩ muốn thực sự hiếu với dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải năng động, sáng tạo, sâu sát thực tế, gắn bó với quần chúng để không những “nghe”, “trông” nhân dân đang nghĩ gì, làm gì, đang phải trải qua những khó khăn, thử thách gì mà còn phải tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức nhân dân thành phong trào hành động cách mạng và đặc biệt phải cùng “làm” với nhân dân để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào.
Thật thà nhúng tay vào việc. Đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội khi làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, làm việc một cách thực sự, phải thực hiện “ba bám”, “bốn cùng” trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Làm việc với tất cả phẩm chất, đạo đức của người quân nhân cách mạng là tất cả vì nhân dân mà phục vụ.
Bốn là, cán bộ, chiến sĩ quân đội tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện trở thành người con hiếu thảo của nhân dân.
Học tập, tu dưỡng, rèn luyện là biện pháp tốt nhất thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng cao phẩm chất hiếu với dân trong điều kiện mới. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn tích cực học tập, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, trình độ kỹ, chiến thuật, nâng cao trình độ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, thành thạo các phương án tác chiến, nhất là phương án về phòng chống cháy nổ, bão lụt, bạo loạn lật đổ, gây rối trật tự an ninh...; đồng thời, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng tác phong công tác mẫu mực: “trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin” và phương châm: “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”. Quá trình thực hiện tốt các nội dung trên đòi hỏi phải từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và quân đội qua các giai đoạn, coi trọng công tác giáo dục chính trị, đề cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng hiếu với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, để Quân đội ta thật sự là người con hiếu thảo của nhân dân, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong tình hình mới.
Đồng Ngọc Châu
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Bộ Quốc phòng
Tài liệu tham khảo
1. Những vấn đề cơ bản về giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Nxb. QĐND, H. 2009.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam, Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Nxb. QĐND, H. 2011, t. 1-7.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 6.
4. Viện Khoa học Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân, 1980.