Công tác quản lý nhà nước đối với báo chí, truyền thông hiện nay
Thứ nhất, Nhà nước ban hành Luật Báo chí và các văn bản quản lý báo chí, truyền thông
Trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, truyền thông (BCTT), Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí và các văn bản pháp lý, là cơ sở để quản lý nhà nước về BCTT. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng mới hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời xác định rõ thẩm quyền, giới hạn của nhà báo khi tiếp cận thông tin. Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đang là cơ sở để sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, đáp ứng yêu cầu phát triển của BCTT trong tình hình mới.
Thứ hai, Nhà nước cung cấp kinh phí, những thông tin mới và quản lý chặt chẽ hoạt động BCTT
Hầu hết các cơ quan BCTT hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đạo và giúp cơ quan BCTT chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả với những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước; xây dựng đề án và chỉ đạo tuyên truyền trên BCTT đối với các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước; chỉ đạo các cơ quan BCTT trong việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; cung cấp thông tin và chỉ đạo BCTT thông tin theo định hướng về các chương trình, mục tiêu lớn của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quyết định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Thứ ba, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương tăng cường quản lý BCTT
Đa số các cơ quan chủ quản BCTT, nhất là các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh đã cử người trực tiếp phụ trách công tác BCTT; thường xuyên chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động và thông tin trên BCTT thuộc quyền. Các Sở Thông tin - Truyền thông thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động BCTT trên địa bàn, xử lý các sai phạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên; ngăn ngừa các hiện tượng giả danh, mạo danh nhà báo; kịp thời xử lý các thông tin từ BCTT phản ánh không đúng sự thật.
Thứ tư, Nhà nước chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ BCTT
Trong những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều cơ quan, tổ chức trong nước triển khai các lớp đào tạo kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho lãnh đạo BCTT nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đã có hàng ngàn lượt phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch biên tập viên, phóng viên chính do các cơ quan quản lý nhà nước về BCTT, các trường, trung tâm đào tạo tổ chức; tổ chức các đoàn khảo sát về quản lý BCTT ở một số nước trên thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước về BCTT ở Trung ương cũng đã tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan BCTT để thi nâng ngạch theo quy định của nhà nước. Có thể nói, về cơ bản đội ngũ những người làm BCTT đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ báo chí, giúp họ nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và bắt nhịp nhanh với phương pháp làm BCTT hiện đại.
Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến quản lý nhà nước đối với BCTT
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI có đặc trưng là bùng nổ công nghệ cao và dựa vào thành tựu khoa học mới với hàm lượng tri thức cao, tiêu biểu là công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, công nghệ vật liệu và công nghệ thông tin, tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến mọi lĩnh vực, làm thay đổi tư duy của tất cả mọi người trên thế giới. Các loại hình truyền thông ngày càng hoàn thiện, không ngừng cải tiến để phát huy tối đa ưu thế của mình. Công nghệ truyền thông số đã và đang tác động đến công tác quản lý hoạt động BCTT.
Thứ nhất, sự tiến bộ của giao tiếp thông tin số đã đơn giản hóa thông tin thành các đoạn phân lập mà thống nhất với nhau, dẫn đến dễ dàng truyền tải hơn, thúc đẩy sự phát triển của BCTT và đòi hỏi sự thích ứng của công tác quản lý. Công nghệ hiện đại đã tối đa hóa hiệu quả truyền phát thông tin bằng cách cho phép nhiều tín hiệu hơn có thể đi qua một đường dây liên lạc đơn lẻ - gọi là hội tụ các hệ thống mạng. Hội tụ các hệ thống mạng cũng tận dụng các thuộc tính của tương tác số một cách hiệu quả và trơn tru trong việc phân phối nhiều loại thông tin khác nhau - âm thanh, hình ảnh, dữ liệu trên cùng một mạng lưới thông tin liên lạc.
Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số và Internet đã cho ra đời những thiết bị điện tử đa chức năng, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý. Hiện nay, có trên 1 tỷ người có thể ngay lập tức có được thông tin các sự kiện nhờ có các camera kỹ thuật số chủ yếu từ điện thoại di động của họ. Những công cụ này tạo ra một “thế hệ thông tin toàn cầu” có khả năng chưa từng có để tạo lập, sản xuất, chia sẻ và tham gia vào những gì đang diễn ra của cuộc sống. Do đó, các nhà quản lý cũng phải thay đổi cách thức kiểm tra, giám sát để tạo điều kiện cho BCTT phát triển đúng hướng, đồng thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng công nghệ cao để truyền bá tư tưởng, quan điểm sai trái, kích động bạo lực và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và các hiện tượng tiêu cực khác.
Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin. Công nghệ truyền thông (Media Technology) là ngành bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, loại hình thông tin (báo chí - truyền hình, radio; truyền số liệu; Internet; di động; vệ tinh...); đánh giá và xây dựng các xu hướng, chiến lược phát triển hệ thống thông tin. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, BCTT có những biến chuyển theo các hướng sau: Báo chí đa phương tiện, báo chí di động (phiên bản cho các phương tiện máy tính bảng, điện thoại di động), báo chí dữ liệu (báo chí cung cấp nội dung “thô” để người đọc có thể tự tìm hiểu và có đánh giá riêng), báo chí sáng tạo (báo chí trình bày hấp dẫn, thu hút hơn, sử dụng cả nhiều công nghệ, phần mềm, thiết bị tối tân và độc đáo trên cơ sở tư duy sáng tạo), siêu tác phẩm báo chí (báo chí tích hợp nhiều kỹ thuật và ngôn ngữ, nội dung này được trình bày và phối hợp với nhau trên cùng một tác phẩm, chủ yếu trên các phương tiện Internet). Các xu hướng này đòi hỏi các nhà quản lý phải thích ứng để quản lý và xử lý thông tin hiệu quả hơn, tiện lợi hơn.
Thứ tư, tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH). MXH phát triển nhanh tạo ra sự thay đổi rất lớn trong hoạt động BCTT. Thông tin mạng xã hội rất lớn, tiềm năng nhưng rất khó kiểm soát. Các vấn đề đặt ra là, bản quyền và độ chính xác của thông tin, cách khai thác thông tin từ MXH, tạo nên tính đa chiều của thông tin- tương thích với xã hội đa chiều. Vì vậy, các nhà quản lý phải quan tâm, tạo điều kiện cho mạng xã hội phát triển theo đúng định hướng, hạn chế những tiêu cực của nó, xây dựng hành lang pháp lý để điều chỉnh những hành vi vô tổ chức trên mạng xã hội.
Tính đến hết tháng 9/2011, ở nước ta có 130 mạng xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận cung cấp dịch vụ,… Hiện nay, người Việt Nam dùng truyền thông xã hội chiếm tỷ lệ cao trong cư dân, những người 18 tuổi trở lên dùng MXH thì 43% người có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn tài khoản trở lên. Truyền thông xã hội vừa là mảnh đất màu mỡ cho báo chí cung cấp nội dung, đồng thời những thông tin nhanh nhạy, phong phú, rộng lớn giúp báo chí tìm đến sự thật của thông tin khi tác nghiệp. Các website - trang thông tin điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, hầu hết các cơ quan, đơn vị, công ty lớn… đều có website nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho nhân viên cơ quan, tổ chức và cho xã hội.
Trong kỷ nguyên số và hội nhập hiện nay, cần phải coi mạng xã hội là vốn xã hội - giá trị của những yếu tố mối quan hệ xã hội, mà chủ thể có thể dùng như nguồn lực để thực hiện những mục đích nhất định. Mạng xã hội là công cụ tạo vốn xã hội cho các cá nhân, cơ quan khi họ trực tiếp tham gia chia sẻ tương tác; là công cụ truyền thông có khả năng tổ chức các hoạt động thông tin - giao tiếp xã hội, tạo liên kết xã hội, điều khiển và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thông qua việc cho phép các cá nhân, nhóm xã hội khác chia sẻ thông điệp đến nhóm khác, được phép tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, các sản phẩm trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người khác, nhóm khác, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển. Yêu cầu đặt ra là, các cơ quan nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý và đội ngũ cán bộ tương xứng để quản lý lĩnh vực quan trọng này.
Thứ năm, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem lại những tác động tiêu cực đến công tác quản lý nhà nước đối với BCTT. Những khối lượng thông tin lớn được chuyển tải từng giây từng phút qua mạng Internet khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát thông tin. Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, tuyền tải thông tin theo những ý đồ xấu xuất hiện khắp nơi. Sự phát tán thông tin một cách hỗn độn và sai lệch làm cho nhiều người mất niềm tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo. Những tệ nạn mới nảy sinh như việc lừa đảo, đe dọa qua các phương tiện truyền thông, môi giới mại dâm, buôn người, buôn bán ma tuý và hàng lậu, phát tán những hình ảnh khiêu dâm, các trò chơi kích thích bạo lực và những tài liệu đồi truỵ không thể kiểm duyệt nội dung hoặc loại thông tin khích bác, bôi nhọ, hạ phẩm giá và uy tín của người khác... đang là nỗi lo của các nhà quản lý truyền thông. Trong môi trường truyền thông Internet, việc sao chép, “đạo văn” cũng đang trở nên một vấn đề báo động. Công nghệ kỹ thuật số và phần mềm photoshop đang khiến cho nhiều người lo ngại về độ chân thực của các bức ảnh báo chí.
Để phù hợp với sự phát triển của BCTT thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải đề ra các giải pháp khắc phục, như: 1) Rà soát, đổi mới, hoàn thiện các văn bản của Nhà nước về tổ chức và hoạt động báo chí - truyền thông; 2) Đổi mới cơ chế, chính sách để các tổ chức, cơ quan nhà nước tăng cường quản lý và phối hợp hoạt động với BCTT; 3) Xây dựng quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin kịp thời cho BCTT và nghiêm túc tiếp nhận, xử lý và phản hồi cho BCTT, đồng thời tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp; 4) Xây dựng cơ chế chính sách để báo chí khai thác, sử dụng mặt tích cực của mạng xã hội đi đôi với việc quản lý, xử lý việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, chế độ (Theo Luật An ninh mạng mới được thông qua); 5) Đổi mới nội dung, phương thức quản lý của Nhà nước đối với BCTT; 6) Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý BCTT, kiện toàn bộ phận truyền thông của cơ quan; 7) Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ BCTT kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, hệ thống kiến thức về chính trị, hành chính.
Vũ Thị Thu Quyên
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Quốc Bảo: Lãnh đạo và quản lý hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay, Nxb. CT-HC, H. 2010.
2. Nguyễn Thế Kỷ: Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Nxb. CTQG, H.2012.
3. Đỗ Quý Doãn: Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H.2015.
4. Nguyễn Đức Lợi: Lưu Văn An (đồng chủ biên), Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý, Nxb. Thông tấn, 2017.