Ảnh minh họa. Nguồn internet
Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước xác định là chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2020. Nhiều văn kiện, văn bản của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, có cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển khu vực nông thôn theo hướng ổn định, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, an ninh chính trị được giữ vững và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Qua 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những thành tựu nhất định, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước thay đổi rõ rệt, góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xây dựng được một số mô hình nông thôn mới đạt đủ 19 tiêu chí và về đích đúng thời hạn.
Tuy nhiên, đối với các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước, chương trình xây dựng nông thôn mới còn đang gặp rất nhiều khó khăn, đang còn là vấn đề cần được xem xét một cách thấu đáo. Xây dựng nông thôn mới, trước hết người thực hiện chủ lực phải là nông dân, đối tượng thực hiện cũng phải do người nông dân chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai trên thực tế. Do vậy, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rất cần thiết phải nghiên cứu đến các đặc điểm yếu tố tâm lý, nhận thức của đồng bào các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới và những trở ngại của nó trong quá trình triển khai, thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới. Các mục tiêu và chương trình thực hiện nông thôn mới ở vùng cao thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn từ yếu tố tâm lý và nhận thức của người dân.
Đặc điểm rõ nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số là cuộc sống tự cung tự cấp. Gắn bó với môi trường thiên nhiên, con người chấp nhận những gì điều kiện tự nhiên “ban cho” và cố gắng thích nghi với những gì trong khả năng cho phép. Do vậy, tâm lý sản xuất “nhờ trời” khá phổ biến ở nhiều đồng bào.
Đối với hầu hết các dân tộc thiểu số và miền núi, phương thức canh tác truyền thống vẫn là nương rẫy, kết hợp với ruộng bậc thang chờ nước mưa. Việc kết hợp giữa các kinh nghiệm truyền thống với các tiến bộ kỹ thuật đang gặp rất nhiều hạn chế do phần lớn người dân làm theo thói quen, ít có tính đột phá hay vượt trội trong sản xuất. Trở ngại này xuất phát từ một tâm lý từ ngàn đời của đồng bào dân tộc thiểu số là chỉ cần làm đủ cái ăn, cái mặc, đủ cho nhu cầu tối thiểu của con người, mà ít quan tâm tới sự vươn lên làm giàu của hộ gia đình. Mặt khác, cũng từ nền sản xuất tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, nên nhu cầu về sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần đủ ăn, đủ mặc mà chưa có kế hoạch, tính toán cho sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế với quy mô lớn. Mặc dù đã có khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ chuyển đổi mục đích sản xuất, đưa các loại cây giống, con giống về sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một trong những yếu tố tâm lý hết sức quan trọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yếu tố cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong quá trình sống, lao động và sản xuất không thể tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Yếu tố cộng đồng có khi là động lực, là mạng lưới hỗ trợ tích cực cho sự phát triển, nhưng đồng thời, nó cũng là yếu tố tâm lý khiến cho cá nhân không thoát khỏi những ràng buộc, níu kéo của cộng đồng để vươn lên trong sản xuất. Tâm lý này khá phổ biến ở tất cả các tộc người ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong mối quan hệ dòng họ, gia đình, làng bản, những việc làm mới, những thay đổi khác với thói quen hay tập quán truyền thống thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là những phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng. Do vậy, hầu hết các hộ gia đình dân tộc thiểu số sản xuất và lựa chọn sinh kế phù hợp với bối cảnh chung của cộng đồng thôn, bản, họ hàng, dòng tộc, mà ít có hộ gia đình dám vượt lên bứt phá để tìm những hướng đi mới, thay đổi thói quen, nếp nghĩ truyền thống để phát triển kinh tế hộ gia đình và thay đổi các thói quen trong sinh hoạt thường ngày. Một nguyên nhân khác dẫn tới đói nghèo ở các hộ dân tộc thiểu số là do nhận thức của người dân ít thay đổi hay nói một cách chính xác hơn là thói quen khó thay đổi. Người dân tộc thiểu số ưa thích phương thức canh tác truyền thống của mình và chưa quen với sản xuất hàng hóa. Việc triển khai các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và ngành nghề ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các hoạt động liên quan đến các kỹ thuật mới ở miền núi, vùng cao là rất khó khăn. Phần đông người dân các dân tộc thiểu số khi gặp thất bại trong làm ăn dễ sinh ra chán nản, bỏ cuộc, làm cho các dự định làm ăn của họ bị bỏ dở, nên không chỉ không giúp họ thoát nghèo mà còn “lún sâu” hơn vào nghèo đói, vì khi đó họ đã mất một phần vốn rất lớn. Tâm lý dễ chán nản, bỏ cuộc này của người nông dân các dân tộc thiểu số xuất phát từ chỗ họ quen sống với việc khai thác các sản vật tự nhiên của núi rừng, dễ kiếm, ít thất bại.
Thiếu tính toán hợp lý trong chi tiêu, làm ăn không biết “tích cốc phòng cơ”, với tâm lý “có ăn, hết lại tính”, thậm chí “có ăn, hết nhịn”. Hiện tượng phổ biến ở hầu hết các tộc người sau vụ thu hoạch là thóc lúa thu được đều “xả láng” chi dùng; rất ít người lập được sự cân đối giữa nguồn thu với các khoản phải chi để có kế hoạch chi tiêu hợp lý, hạn chế sự mất cân đối giữa thu - chi và tìm giải pháp khắc phục sự mất cân đối đó. Trong các cộng đồng cư dân, tình trạng tính toán chi tiêu không sát thực lại diễn ra khá phổ biến. Tiền thu được từ rừng, trồng trọt, chăn nuôi không được ưu tiên đầu tư trở lại cho sản xuất, mà lại dùng vào việc xây, sửa chữa nhà, mua sắm tiện nghi, khiến không ít người mới chớm thoát nghèo lại rơi vào tình trạng tái nghèo.
Có thể nói, người nghèo khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. Sự hạn chế của nguồn vốn là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, giống mới…Mặt khác, đa số người nghèo không có kế hoạch sản xuất cụ thể, hoặc sử dụng các nguồn vốn vay không phù hợp, do vậy họ khó có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, và cuối cùng sẽ làm cho họ càng nghèo hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo vẫn là chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tuy nhiên, muốn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số thì phải coi trọng mô hình phát triển truyền thống của người dân là cần thiết và khoa học. Các phương thức canh tác truyền thống đã được đúc kết qua nhiều thế hệ rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá và xã hội. Việc đưa các kỹ thuật khác và giống mới vào cần phải có chọn lọc, vì không phải tất cả các giống mới đều tốt và phương thức canh tác mới đều phù hợp. Chính vì vậy, việc đưa giống mới và kỹ thuật khác vào cần phải tuỳ vào từng vùng, từng nhóm hộ xem có phù hợp hay không. Quá trình đưa vào cần có thử nghiệm và có đánh giá, bởi người dân, đặc biệt là những thay đổi này không đơn giản chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật, mà có thểcòn liên quan đến văn hoá và tâm linh của các cộng đồng.
Chi tiêu không hợp lý và thiếu kế hoạch, thiếu tích luỹ về kinh tế, nên dẫn đến thụ động nhất là khi sản xuất gặp thiên tai, mất mùa. Một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước hết sức ưu việt, mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào. Nhưng, đồng thời cũng tạo ra một tâm lý hết sức thụ động, chờ đợi vào hỗ trợ từ cấp trên, mà không có tính sáng tạo, chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Tâm lý không muốn đi xa, tách rời khỏi cộng đồng thôn bản, tộc người nơi họ gắn bó sinh sống, dẫn đến tình trạng di dịch chuyển lao động ra ngoài khu vực nông thôn rất hạn chế. Bên cạnh đó, hầu hết lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề, nên không tự tin thoát ra khỏi môi trường nông thôn để tự lập làm ăn sinh sống ở những địa bàn khác dù thuận lợi và cho thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật còn hạn chế: thói quen dựa vào thiên nhiên là chính làm cho họ không có ý thức về việc học tập, áp dụng kỹ thuật nông lâm nghiệp vào trồng trọt, chăn nuôi góp phần cải thiện bữa ăn, cuộc sống hằng ngày; trình độ học vấn thấp dẫn đến khả năng tiếp thu hạn chế.
Trong điều kiện sống tự cung tự cấp, đồng bào các dân tộc thiểu số sống hoàn toàn dựa vào các nguồn lợi tự nhiên, sản xuất chủ yếu là lương thực và rau màu nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Chính vì vậy, trong các hoạt động sản xuất, người dân thường thụ động, trông chờ vào tự nhiên, có sao hưởng vậy, ít có khát vọng và nỗ lực làm giàu. Chính điều này đã hạn chế rất lớn đến phát triển sản xuất hàng hoá, lưu thông tiêu dùng trên địa bàn. Tâm lý sống không cần đến quá nhiều nhu cầu và khi có được hỗ trợ của Nhà nước thì nảy sinh tình trạng không cần phải lao động sản xuất, không muốn thoát nghèo: Người nghèo được hưởng rất nhiều chính sách của Nhà nước từ trợ cấp gạo, muối, giáo dục, y tế,... Tâm lý này đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Về khả năng thích ứng với điều kiện và môi trường lao động sản xuất hiện đại, đại bộ phận các hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của hoạt động sản xuất tự cung tự cấp, tư tưởng sản xuất tiểu nông. Do vậy, một bộ phận lớn người dân không dễ thích nghi với nền kinh tế thị trường và kinh tế hàng hoá cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi sự chuyên môn hoá cao, vốn đầu tư lớn, khả năng quản lý và sự nhạy bén tìm kiếm thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp,...
Một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới khi triển khai thực hiện chưa sát thực tế của vùng miền, đặc biệt ở những vùng núi, vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, như: xử lý rác thải, nghĩa trang, mộ cải táng phải đặt theo hàng lối,... Những quy định này, một phần là chưa phù hợp với điều kiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mặt khác còn bị ảnh hưởng đến thói quen, tâm lý của người dân theo nếp sống cũ, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố phong tục tập quán. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ ở cấp cơ sở cũng là người dân tộc thiểu số khi triển khai thực hiện có nhiều lúng túng, trong thực hiện thiếu mạnh dạn, ngại va chạm, chưa thực sự chủ động sáng tạokhiến tiến độ triển khai thực hiện còn chậm.
Để hạn chế những vấn đề nêu trên của các tộc người thiểu số trong xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng và điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới phù hợp đối với đặc điểm từng tộc người, từng dân tộc, từng vùng miền. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các nội dung liên quan đến hôn nhân, gia đình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Bên cạnh những trở ngại do quan niệm, tâm lý tộc người dẫn tới những khác biệt đáng kể trong các quy định xây dựng nông thôn mới, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải rà soát, thống kê một số phong tục tập quán tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số đang cư trú ở 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xác định cơ chế phù hợp với cộng đồng các tộc người thiểu số, đồng thời khắc phục, hạn chế yếu tố gây cản trở trong đời sống văn hóa của đồng bào các tộc người, làm giảm hiệu quả xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Duy Dũng
Thạc sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc