Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đọc Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội.
Một số kết quả đạt được
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động phản biện xã hội (PBXH) phù hợp với Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau 5 năm, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tất cả các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì triển khai các hoạt động phản biện xã hội ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa, tác động lớn đến toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hình sự, Luật Dân sự….
Những năm qua, hoạt động PBXH đã trở thành trọng tâm và có tác động thực tế, có nơi xem là hoạt động đột phá của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Hiện thực hóa vai trò PBXH của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội được ghi ở Hiến pháp năm 2013.
Hoạt động PBXH mặc dù đã được thực hiện từ trước năm 2013 nhưng chỉ từ khi có Quyết định 217-QĐ/TW và Hiến pháp năm 2013, thì hoạt động này mới được triển khai thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn. Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức được 15.745 cuộc phản biện xã hội; 32.064 việc và nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Hoạt động PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức; kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau phản biện đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Qua hoạt động phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước.
Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, về cơ chế, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng nhìn chung, hoạt động triển khai xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn thực hiện khá chậm trễ. Chủ trương của Đảng đối với vấn đề PBXH trong Quy chế giám sát và Phản biện xã hội của Bộ Chính trị; Hiến pháp năm 2013; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) là những văn bản quan trọng, tạo cơ chế bước đầu về PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện các chủ trương này, cơ chế về PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mặc dù đã được triển khai nhiều năm trên thực tế, nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được một cơ chế hữu hiệu để điều chỉnh hoạt động PBXH. Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa đủ các công cụ hữu hiệu cho việc nâng cao chất lượng PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Hiện nay, các chủ thể có thẩm quyền vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc, lúng túng trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm tạo tính đột phá trong chất lượng PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc chưa tạo ra được một cơ chế hữu hiệu cho tổ chức hoạt động PBXH đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của hoạt động này.
Nội dung và hình thức pháp luật về PBXH còn gặp phải nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho những chủ thể thực hiện PBXH. Theo những kết quả nghiên cứu cho thấy, từ khi triển khai thực hiện chủ trương được đề ra tại Đại hội X của Đảng về PBXH, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành trong đó có đề cập tới một số vấn đề liên quan tới PBXH. Tuy nhiên, chính vì việc quy định trong nhiều loại văn bản khác nhau đã dẫn đến một thực trạng là các quy định của pháp luật có liên quan đến PBXH tồn tại một cách khá tản mạn. Các quy định này nằm rải rác từ Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức bộ máy, các đạo luật chuyên ngành cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành. Không chỉ nằm rải rác trong nhiều loại văn bản khác nhau, nội dung các quy định cũng có nhiều hạn chế. Một số văn bản, chủ yếu được ban hành trong thời gian gần đây quy định trực tiếp về hoạt động PBXH của một số loại chủ thể, còn hầu hết các văn bản trước đây chỉ quy định một cách gián tiếp một số nội dung liên quan đến hoạt động này, dẫn đến các quy định còn chung chung, không cụ thể. Hạn chế này không chỉ làm các chủ thể gặp nhiều khó khăn khi thực hiện PBXH, mà còn có thể là sơ hở để những thế lực thù địch lợi dụng thực hiện mục tiêu chống phá. Thực tế hiện nay đang thiếu những quy định rõ ràng và cụ thể về cơ chế tiếp nhận ý kiến phản biện và chế tài đối với việc không tiếp nhận ý kiến phản biện. Hiệu quả của hoạt động PBXH phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện của các chủ thể có thẩm quyền. Phản biện dù có hay, mạnh mẽ và thuyết phục đến đâu nếu không tiếp nhận và xử lý thì cũng không giải quyết được vấn đề. Các chủ thể khi tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện có thể chấp nhận sửa đổi phương án cũ hoặc không chấp nhận thay đổi. Tuy nhiên, việc xử lý có thể theo chiều hướng chấp nhận, hoặc không chấp nhận đều phải có lý do và sự giải trình cụ thể và công khai để chủ thể phản biện biết được ý kiến phản biện vì sao được chấp nhận, hoặc không được chấp nhận. Cơ sở để thực hiện được hoạt động này chính là pháp luật phải có quy định cụ thể, rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận ý kiến phản biện. Nếu xây dựng được cơ chế này nó không chỉ tăng thêm niềm tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện, mà nó còn nâng cao nhận thức của các nhà cầm quyền về trách nhiệm của mình khi tiếp nhận ý kiến phản biện đồng thời tăng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của PBXH trong thực tế đời sống.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại một buổi tọa đàm, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, tháng 12/2018. Ảnh Quang Vinh.
Việc quy định một cách tản mạn, rải rác trong nhiều loại văn bản vừa không giải quyết được vấn đề về mặt nhận thức, vừa gây khó khăn cho hoạt động quản lý đối với lĩnh vực này. Thực tế đưa đến một hạn chế là sau rất nhiều năm, kể từ khi có chủ trương của Đảng về hoạt động PBXH, nhận thức, cũng như hiệu quả của hoạt động vẫn không được cải thiện. Rất nhiều người, trong đó có cả những người làm việc trong các cơ quan công quyền vẫn không hiểu PBXH là gì, hay mơ hồ về quyền và trách nhiệm của mình khi thực hiện PBXH. Hạn chế này xuất phát từ thiếu sót của những người xây dựng luật pháp đã không tạo ra được một hệ thống pháp luật đầy đủ toàn diện về PBXH, để giúp cho người dân có nhận thức đúng đắn.
Các tổ chức khoa học công nghệ là một trong những tổ chức được tiến hành hoạt động PBXH. Trên thực tế, ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức khoa học và công nghệ (thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đóng vai trò tích cực trong việc nghiên cứu và PBXH. Tính chất công khai là một trong những đặc trưng quan trọng của PBXH, để phân biệt PBXH với một số hoạt động khác. Phản biện mà không được thực hiện một cách công khai thì không còn đúng nghĩa với bản chất của nó.
Vì vậy, sự vận hành của hệ thống PBXH rất cần khung pháp lý đồng bộ trong các văn bản pháp luật. Trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài từ phía Nhà nước, như: cung cấp thông tin, minh bạch hóa… để các chủ thể của quyền lực xã hội có điều kiện phản biện. Những quy định vẫn chỉ nhấn mạnh phương thức, nội dung phản biện theo yêu cầu của đối tượng chịu sự phản biện, chưa tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích vai trò phản biện độc lập, chủ động, tích cực của các pháp nhân và thể nhân, tổ chức và cá nhân nên kết quả còn hạn chế.
Thứ hai, trong tổ chức thực hiện hoạt động PBXH, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua tổng kết đang tồn tại những hạn chế, bất cập cần khắc phục, cụ thể như:
Các cuộc PBXH do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện cho đến nay chưa thực sự rõ nét; số cuộc PBXH còn ít, kể cả ở Trung ương và địa phương; tiếng nói của Mặt trận sau các cuộc phản biện chưa đủ mạnh để làm “thay đổi căn bản” nội dung của dự thảo được phản biện.
Mặc dù Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang tích cực triển khai hoạt động phản biện, song quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn nội dung phản biện, nguồn nhân lực, kinh phí và kể cả những vấn đề “tế nhị” trong quá trình phản biện, nhất là tại các địa phương. Trong 3 hình thức PBXH, mới chú trọng thực hiện hình thức hội nghị phản biện, cấp huyện và xã thực hiện phản biện xã hội còn ít và khó khăn.
Hoạt động PBXH đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên nghiệp, thạo việc để tham mưu tổ chức và huy động trí tuệ trong quá trình phản biện. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhìn chung còn “non” tay nghề, thiếu kinh nghiệm và một bộ phận thiếu nhiệt huyết với công việc, còn có tâm lý ngại va chạm, nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng PBXH.
Hiện tại chưa có cơ chế phát huy được một cách hiệu quả nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động PBXH. Nội dung, phương thức hoạt động PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tuy có sự đổi mới nhưng trên thực tế các phương thức này tỏ ra chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất.
Những hạn chế trong hoạt động PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, cả đối tượng phản biện và bản thân chủ thể phản biện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Có thể điểm một vài nguyên nhân sau:
Một là, do yếu tố văn hóa, truyền thống, tàn dư của phong cách từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Việc thiếu kỹ năng cũng như tư duy phản biện ở nước ta hiện nay một phần quan trọng là từ hệ quả của một nền giáo dục thụ động, áp đặt, ít sáng tạo. Tâm lý ngại phản biện, ngại tranh luận đã trở thành một thói quen không chỉ ở một thế hệ người Việt. Chính vì vậy, phản biện còn là một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam.
Hai là, nhận thức về phản biện đối với nhiều người, ngay cả đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, có liên quan đến hoạt động PBXH còn nhiều hạn chế. Vẫn còn quan niệm phản biện là chống đối, là đối lập…, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, cơ chế của Nhà nước, cũng như ngay trong hệ thống Mặt trận đến nay chưa rõ ràng, cụ thể để xây dựng được một lực lượng phản biện chuyên nghiệp. Hệ thống tổ chức chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ làm PBXH chưa chuyên nghiệp, chưa có một giáo trình cụ thể về PBXH và cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về PBXH; điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư, là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện dân chủ xã hội đã tạo nhiều điều kiện cho người dân được thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình, nhưng nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trên thực tế. Đối với đối tượng chịu sự phản biện, do tâm lý sợ phức tạp, do sự bảo thủ trì trệ, sợ thay đổi nên có thành kiến với việc PBXH. Đối với đối tượng thực hiện PBXH, do tâm lý sợ quyền lực, ngại va chạm nên việc phản biện mang nặng tính hình thức, không dám nói thẳng, nói thật. Yêu cầu hiện nay là phải làm rõ, giải quyết được mối quan hệ này, cũng như chứng minh được PBXH chính là động lực cho sự phát triển, thì khi đó việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, cũng như các điều kiện bảo đảm cho PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo được yêu cầu của thực tiễn.
Những vấn đề đặt ra
Xây dựng môi trường tôn trọng nhân dân, văn hóa lắng nghe, giải trình để phản biện xã hội trở thành hoạt động thường xuyên
Xuất phát từ vai trò quan trọng của hoạt động PBXH trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. PBXH đang trở thành một nhu cầu khách quan của xã hội vì so với giai đoạn trước đây, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề phức tạp cần có sự đồng thuận, sự chung tay của toàn xã hội cùng với Đảng, Nhà nước để giải quyết. Cùng với mục tiêu đề ra là thực hành dân chủ rộng rãi, mở rộng dân chủ trực tiếp, bảo đảm các quyền của công dân, tạo điều kiện cho công dân được tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước đã khiến cho PBXH trở thành một nhu cầu tất yếu, một biện pháp cần thiết để thực hiện nền dân chủ. Một hệ thống chính trị dân chủ của một nền chính trị dân chủ luôn luôn đặt trọng tâm và mục tiêu hoạt động của mình là phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, vì thực chất của hệ thống chính trị nước ta là cơ chế thực hiện quyền lực nhân dân. Nhân dân làm chủ bằng nhiều hình thức và có nhiều cách để thực hiện quyền làm chủ của mình. Trong những phương thức đó, PBXH là một cách có tác dụng trực tiếp và có hiệu quả, thể hiện cụ thể và rõ nét vai trò làm chủ của nhân dân trong một xã hội mà “mọi quyền hành đều ở nơi dân”. Với vai trò hết sức quan trọng thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, PBXH cần được đẩy mạnh và trở thành một hoạt động thường xuyên hơn nữa ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, việc tạo ra cho nó cơ sở pháp lý rõ ràng và môi trường xã hội phù hợp là điều hết sức cần thiết. Những quy định cụ thể của pháp luật về PBXH sẽ là điều kiện thuận lợi tiên quyết để các chủ thể thực hiện tốt hơn các quyền và nghĩa vụ của mình.
Nâng cao nhận thức
Những năm gần đây, hoạt động PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được tiến hành từng bước, đi từ thấp đến cao, từ những vấn đề cụ thể hàng ngày trong đời sống của cộng đồng dân cư đến những vấn đề lớn có tầm vĩ mô của cả nước. Nhìn chung, nhận thức của toàn xã hội đối với PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nâng lên một bước. Nếu như trước đây, nhận thức về vấn đề này còn khá mơ hồ, thì nay nó đã được định hình một cách rõ nét hơn. PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang dần trở thành một hoạt động được tiến hành thường xuyên ở nhiều lĩnh vực do nhiều chủ thể thực hiện, đặc biệt là phản biện đối với các dự thảo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự án, đề án có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người dân… Ngoài ra, dựa trên đánh giá về kết quả hoạt động, có thể thấy, các chủ thể PBXH đã có ý thức rõ ràng hơn về chức năng của mình, từ đó lựa chọn các hình thức thực hiện phản biện khác nhau, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội thể hiện tiếng nói của mình. Sự thay đổi này dẫn tới kết quả là đã thu hút ngày càng nhiều tầng lớp nhân dân - những chủ thể chịu tác động trực tiếp từ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tham gia phản biện. PBXH đã giúp các cá nhân công dân và các cơ quan, tổ chức được thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình, thể hiện sự đồng tình hay phản đối trên cơ sở những lý lẽ khoa học. Nhiều ý kiến phản biện đã phát huy tác dụng và được các chủ thể tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế khách quan, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều chính sách của Nhà nước, dự án của các cơ quan quản lý có chiều hướng khả thi trên thực tế và hợp với lòng dân hơn.
Bên cạnh đó, PBXH ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có được chỗ đứng và giá trị nhất định như nó vốn có. Hạn chế này xuất phát từ việc chúng ta nhận thức chưa rõ ràng về PBXH, mặc dù so với giai đoạn trước đây đã có những tiến bộ đáng kể. Việc nhận thức chưa rõ ràng đã kéo theo nhiều vấn đề như chủ thể phản biện nhầm lẫn hoạt động PBXH của mình với một số hoạt động khác có nội dung gần giống, hoặc lúng túng trong khi thực hiện phản biện, nhất là ở cấp cơ sở…
Phát huy vai trò chủ thể phản biện xã hội
Chủ thể chính tiến hành hoạt động PBXH theo quy định là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, từ cơ cấu tổ chức đến nguồn tài chính để tiến hành các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên ít nhiều bị phụ thuộc và chịu sự chi phối từ phía Nhà nước, cho nên PBXH đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được xem là vấn đề khá “nhạy cảm”, nhất là tại địa phương. Sự ràng buộc về cơ cấu tổ chức đến kinh phí hoạt động của các chủ thể đối với Nhà nước đã ít nhiều khiến cho hoạt động phản biện của các chủ thể này trong nhiều trường hợp không đảm bảo được tính khách quan do có tình trạng né trách nhiệm, nể nang... Và thực trạng này cho đến nay vẫn chưa có những quy định thực sự hiệu quả để giải quyết. Vấn đề quan trọng là cần tiếp tục nghiên cứu, xác lập địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và tạo quyền phản biện cho các chủ thể PBXH, đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác giữa các chủ thể này với hệ thống lãnh đạo, quản lý thay cho quan hệ lãnh đạo - phục tùng. Số lượng cán bộ còn thiếu, năng lực, trình độ, kỹ năng PBXH còn yếu, cần phải được quan tâm tăng cường tập huấn, bồi dưỡng.
Khắc phục tính hình thức
PBXH nhiều khi mang tính hình thức nên ít động viên được nhân dân trực tiếp tham gia. Các chủ thể tiến hành thiếu những biện pháp chủ động, tích cực để tập hợp và phản ánh trung thành những ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Giá trị của nhiều ý kiến phản biện gần như chỉ mang tính tham khảo. Các chủ thể có thẩm quyền gần như đọc xong rồi để đấy, không có sự tiếp thu hay phản hồi, chính điều này đã làm giảm đi phần nào giá trị của những ý kiến phản biện. Nhiều dự án, kế hoạch của Nhà nước đã được đưa ra để lấy ý kiến của nhân dân, nhưng đôi khi chỉ là hình thức cho đúng thủ tục, bởi ai phản biện thì cứ việc phản biện, còn việc của các chủ thể được phản biện thì họ vẫn làm, bất kể ý kiến phản biện đó là thế nào đi chăng nữa.
Đề ra một cơ chế rõ ràng về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện là một nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay. Trên thực tế, sau khi nhận phản biện, các chủ thể có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu, nhưng cần phải có cơ sở để công khai cho nhân dân biết tại sao lại có sự xử lý như vậy. Do thiếu cơ sở pháp lý, nên vấn đề xây dựng cơ chế tiếp nhận những ý kiến phản biện vẫn còn vướng mắc, gây khó khăn cho cả đối tượng phản biện và bị phản biện. Nếu không có các quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể thì PBXH sẽ chỉ tồn tại như một hoạt động mang tính hình thức, lãng phí, không hiệu quả.
Phân định phạm vi phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp
Các văn bản của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, chỉ có Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội mới có trách nhiệm thực hiện phản biện xã hội, trên thực tế nhiều tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, báo chí đã thực hiện phản ánh, góp ý mang tính phản biện xã hội cao. Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam cũng đã thực hiện PBXH từ năm 2002 theo văn bản của Chính phủ. Thách thức đối với PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là, nếu Mặt trận né tránh thì các tổ chức xã hội khác sẽ làm; nếu nhận thức không đúng về PBXH thì dễ bị lợi dụng, không những không tăng đồng thuận, mà còn gây hoài nghi, khoét thêm mâu thuẫn, bất ổn trong nhân dân. Vấn đề đặt ra, cần phải phân định rõ hơn phạm vi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện PBXH, phát huy sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và người dân vào PBXH. PBXH phải bám sát vào mục đích, nguyên tắc được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cần có luật về phản biện xã hội
PBXH là hoạt động đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, một số văn bản dưới luật và hướng dẫn của phản biện xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định và điều chỉnh một cách trực tiếp và toàn diện vấn đề PBXH. Vì vậy, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH đang trở nên bức thiết. Nếu được điều chỉnh bởi pháp luật, hay nói cách khác nếu có những quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch đối với các vấn đề xoay quanh hoạt động này thì sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để PBXH phát huy được những mặt tích cực của nó đối với đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Ngô Sách Thực
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam