Tin mới

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Brâu

(Mặt trận) - Nước ta có 54 dân tộc anh em; mỗi dân tộc đều có nguồn gốc, dân số, điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hoá và quá trình phát triển riêng. Theo kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 1999, 53 dân tộc thiểu số chiếm 13,8% dân số của cả nước, quy mô dân số như sau: 12 dân tộc có số dân từ 10 vạn ngưòi trở lên, 21 dân tộc có số dân từ 1 vạn đến 10 vạn ngưòi, 15 dân tộc có số dân từ 1.000 ngưòi đến 10.000 ngưòi, 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 ngưòi. Cụ thể: Si La 840 người, Pu Péo 705 người, Rơ Măm 352 người, Brâu 313 người, Ơ đu 301 người.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên. (Ảnh: TL)
Dân tộc Brâu thuộc nhóm ngữ hệ Môn-Khơ Me, hiện cư trú tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Là một trong những dân tộc có dân số thấp nhất ở Việt Nam hiện nay. Người Brâu theo hai nhánh của dòng tộc đứng đầu là hai anh em ruột Thao A Jong và Thao Tô đến cư trú tại Bờ Y, Ngọc Hồi đến nay là đời thứ 6, tức là khoảng 150 năm.

Người Brâu vốn quen với cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy để trồng các loại lúa, ngô, sắn, sử dụng các công cụ sản xuất thô sơ như rìu, rựa và chiếc gậy chọc lỗ tra hạt. Với kỹ thuật trồng trọt này, năng suất cây trồng đạt được thấp. Mặc dù đồng bào đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhưng do chưa biết cách khai thác hết tiềm năng tài nguyên đất, nước, sông, suối tại địa phương cư trú để phát triển kinh tế nâng cao đời sống nên tỷ lệ đói nghèo vẫn cao; mặc dù trong những năm qua tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt đối với dân tộc Brâu là dân tộc rất ít người của tỉnh. Các chương trình, dự án đã giải quyết được những vấn đề cấp bách trên địa bàn thôn bản, xóm, làng, góp phần giải quyết khó khăn về đời sống và sản xuất; thực hiện xóa đói giảm nghèo, mở rộng giao lưu giữa các vùng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Theo những người cao tuổi, già làng và các nguồn tư liệu ngưòi Brâu có vốn văn hóa vô cùng phong phú: văn hóa của ngưòi Brâu thể hiện ở các phong tục như hôn nhân, ma chay; ở nghệ thuật âm nhạc độc đáo, thể hiện qua các loại nhạc cụ, dân ca; ở các kiến trúc và trang phục riêng và ở các sinh hoạt văn hóa truyền thống như thả diều, đi cà kheo, đánh phết....

Làng của người Brâu có kiến trúc riêng biệt. Làng được dựng trên gò cao, chỗ có mặt bằng tương đối. Được rào kín xung quanh bằng gỗ kiên cố, bên cổng và xung quanh làng được cắm chông để chống thú dữ và phòng gian. Giữa làng là nhà rông - ngôi nhà chung của cộng đồng. Nơi đây thường diễn ra những nghi thức quan trọng của làng, là nơi hội họp và cũng là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.

Người Brâu ở nhà sàn, đó là căn nhà dài, nơi sinh sống của đại gia đình, được hình thành trên cơ sở tách bếp khi các người con lấy vợ (chồng) thành các tiểu gia đình. Về cấu trúc, nhà sàn của họ cũng như nhà sàn các dân tộc khác, có những đặc điểm chung mang tính khu vực. Tuy vậy, cách bố trí và trang trí hơi có phần khác biệt. Trên mái nhà chạy dọc theo nóc là những phên tre đan các hình trang trí, hai đầu hồi là hình đầu chim, hom, giỏ, mặt trời, hình nan quạt. Mặt sàn được chia thành các phần khác nhau. Gian ngoài có hai tầng sàn. Sàn thấp để cối giã gạo, sàn cao để ngồi khâu vá, nghỉ ngơi. Lòng nhà cũng chia thành hai tầng dọc theo chiều đòn nóc, sàn thấp, ngang với đặt bếp lửa và ống nứa, sàn cao để ngủ. Bên cạnh nhà chính là nhà phụ được thông với nhau bởi nhịp cầu thang bấc qua. Đó là nơi chứa lương thực, thực phẩm và một số nông cụ và đồ dùng của gia đình.

Ngôi nhà trung tâm của người Brâu là nhà rông, không gian thiêng và là nơi quy tụ sức mạnh tâm linh, tinh thần, nơi hội họp và tổ chức các hoạt động của cộng đồng. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật tập thể có giá trị, là bộ mặt, niềm tin và lòng kiêu hãnh của cả buôn làng. Nó được cất dựng và trang trí bằng chính công sức, tài nghệ của mọi người trong làng. Cũng làm từ gỗ, tre, nứa lá, và cũng buộc chằng theo cách thức như nhà sàn..., tuy nhiên, nhà rông được làm chắc chắn và cầu kỳ hơn nhà sàn nhiều. Cột nhà to và bằng loại gỗ quý, mái nhà rất dốc và cao, bề thế và được trang trí công phu bằng nhiều hình họa và khắc gỗ phong phú, đa dạng.

Tổ chức xã hội của người Brâu vận hành trên cơ sở luật tục. Các luật tục bất thành văn được truyền miệng để duy trì trật tự cộng đồng, luật tục có hiệu lực mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Brâu. Chính vì thế, một trong những đặc điểm nổi bật của cộng đồng là sống theo luật tục, tôn trọng luật tục. Họ tôn trọng kết cấu cộng đồng chặt chẽ, sâu sắc, đậm nét về mọi phương diện đời sống - sinh hoạt, tâm linh và trong lao động sản xuất. Con trai, con gái đến 15-16 tuổi phải trải qua một nghi lễ thành đinh nguyên thủy quan trọng đó là: Uốt-Pưng (cà răng), Síp Tiêu (căng tai - với nữ). Chỉ khi được cà răng, căng tai, người đó mới được coi là trưởng thành và được tự do tìm kiếm bạn tình. Nếu trai, gái không cà răng, căng tai thì bị dư luận chê cười, bạn bè khinh rẻ và không bắt được vợ, được chồng. Họ gọi họ chung vói nhau, con trai là Thao, con gái là Nàng. Họ còn cho rằng, những người không cà răng, căng tai khi chết đi, linh hồn không về được với thế giới tổ tiên ông bà. Luật tục này có lẽ ẩn chứa một ý niệm, một cách biểu đạt hay mô phỏng hình ảnh vật tổ- tô tem trâu trong tín ngưỡng nguyên thủy của người Brâu (nghi lễ này hiện không còn, dấu vết chỉ còn thất ở người trên 50 tuổi).

Người Brâu có trang phục đơn giản nhưng vẫn thể hiện cá tính trong tạo hình và trang trí. Nam giới ở trần, đóng khố. Đến khoảng 14 đến 16 tuổi, con trai Brâu phải cưa bốn răng cửa hàm trên, và thường xăm mặt, xăm mình. Phụ nữ để tóc dài hoặc cắt ngắn, đeo nhiều vòng trang sức (chuỗi hạt cườm ngũ sắc, hoặc vòng đồng, bạc) ở tay chân và cổ. Trước đây, phụ nữ để mình trần, mặc váy hở, quấn quanh thân. Thân váy được xử lý mỹ thuật ở phần đầu váy và chân váy với lối đáp các miếng vải khác màu có các sọc đen ngang đơn giản chạy ngang. Mùa lạnh họ mang chiếc áo chui đầu, cộc tay, khoét cổ. Đây là loại áo ngắn thân thẳng, tổng thể áo có hình gần vuông. Thân áo phía mặt trước và sau được xử lý mỹ thuật cũng theo nguyên tắc như váy. Toàn bộ thân trước màu sáng có đường viền đậm trên vai và gấu áo. Lưng áo được xử lý màu sáng có sọc ngang đơn giản nửa phía dưới áo.

Người Brâu ở Kon Tum trước đây theo chế độ mẫu hệ, việc "bắt chồng" được con gái chủ động, qua quá trình vận động của lịch sử, những thập kỷ gần đây người Brâu ở Kon Tum đang chuyển dần sang chế độ phụ quyền, nên việc chủ động "bắt vợ" được người con trai đảm nhiệm. Trai gái dân tộc Brâu tự do yêu đương, tìm kiếm bạn tình, đôi khi bên đã trao vòng hẹn ước, họ tự nguyện trao gửi tâm hồn và thể xác cho nhau. Quan hệ thể xác trước hôn nhân không bị luật tục lên án, nhưng phải tiến hành kín đáo, bí mật, tuy nhiên không được có thai trước hôn nhân. Họ kết hôn tương đối sớm và duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Người Brâu có truyện cổ về thần sáng tạo Pa Xây, có truyền thuyết Un cha đắc lếp (lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thủy rất đặc trưng, những thể loại nghệ thuật dân ca, hát ru. Nhạc cụ có đàn Đinh Pú (từ 5­7 ống) được gọi là táp đỉnh pú, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Coong, Mam và Tha, đặc biệt nhất là bộ Chiêng Tha (gồm 2 lá chiêng, gọi là chiêng chồng- chiêng vợ) là bộ chiêng rất quý của người Brâu. Có những trò chơi như đánh phết, thả diều, bơi lội trên sông, đi cà kheo... là sinh hoạt vui chơi giải trí của thanh thiếu niên người Brâu.

Dân tộc Brâu ở Kon Tum tuy là một dân tộc thiểu số ít người có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú chứa đựng sắc thái riêng của tộc người, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hòa nhập cộng đồng, những gì thuộc về bản sắc văn hóa Brâu đã có phần mai một. Vì vậy cần có những chính sách bảo tồn kịp thời.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, nhưng sự đầu tư đó còn dàn trải, chủ yếu mới với tới trung tâm xã, những thôn bản của các dân tộc ít người mới được đầu tư rất ít, hơn nữa do các yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên khó khăn, điểm xuất phát về kinh tế - xã hội quá thấp, nên đến nay dân tộc Brâu vẫn trong tình trạng đói nghèo, lạc hậu, không tự vươn lên được và đang đứng trước những nguy cơ tụt hậu, những khó khăn thử thách, đó là:

Trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Hầu hết họ là cư dân nông nghiệp, chủ yếu phát rẫy, làm nương, ít canh tác lúa nước, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Với trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lao động thấp, do vậy quanh năm ngưòi dân sống trong cảnh đói nghèo.

Bản sắc văn hóa dân tộc đang bị mai một và đồng hóa. Họ chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Văn hóa dân tộc chỉ được lưu giữ, phát triển qua truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hóa của họ có sự pha trộn, giao thoa, tình trạng văn hóa bị mai một và có xu hướng bị đồng hóa. Một số di sản văn hóa của dân tộc này chưa được chú trọng, bảo tồn, duy tu; các điệu múa, hát dân ca, tục ngữ được lưu truyền lại rất ít. Các nghề truyền thống dân tộc của dân tộc như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát... chưa được chú trọng phát triển.

Trình độ dân trí thấp, hủ tục và các tệ nạn xã hội chậm được khắc phục. Số người mù chữ, tái mù chữ, thất học chiếm tỷ lệ cao. Đời sống văn hóa tinh thần chậm được cải thiện, thông tin báo chí đến với người dân chưa nhiều, chưa kịp thời, đồng bào nhận thức xã hội còn rất hạn chế, tâm lý tự ti, mặc cảm, không tự vươn lên càng làm cho đời sống của đồng bào thêm khó khăn.

Dân số phát triển chậm, có nguy cơ suy thoái giống nòi. Mức hưởng thụ các dịch vụ y tế, xã hội thấp, một số bệnh xã hội như sốt rét, bướu cổ, vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Người Brâu là một trong năm dân tộc có số lượng ngưòi ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Số lượng thống kê mới đây nhất thì số dân Brâu còn có ở Ngọc Hồi Kon Tum khoảng trên 313 người.

Việc bảo tồn và phát triển ngưòi Brâu hiện nay đang chỉ mới dừng lại ở mặt nâng cao đòi sống vật chất, còn về yếu tố văn hóa thì diễn ra quá chậm và chưa mấy hiệu quả. Có hai nguyên nhân chính: Trước hết, ở ý thức tự bảo tồn nòi giống của đồng bào Brâu quá nhiều hạn chế. Thứ hai, là nguồn lực đầu tư chưa có và phương pháp tiến hành chưa đúng và thiếu đồng bộ.

Để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu, giúp đồng bào sớm hòa nhập với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc khác trong vùng, bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc ít người, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có sự quyết tâm lớn và đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở trong thời gian tới.

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các ngành đoàn thể, chính quyền quan tâm, hỗ trợ tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ sức khỏe của mình tại cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số, không kết hôn cận huyết thống..., tuyên truyền, vận động bà con dân tộc cần biết tiếng, hiểu rõ phong tục của dân tộc mình, vì vậy cần xây dựng cán bộ Mặt trận là người dân tộc thiểu số có vai trò quyết định trong đoàn kết, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Và phát huy vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Brâu nói riêng tốt hơn nữa; đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện các đề án hỗ trợ, bảo tồn đồng bào các dân tộc ít người, trong đó có đề án của đồng bào dân tộc Brâu.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền với vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình từ Trung ương đến cơ sở, cần huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, ngôn ngữ. Để khôi phục lại không gian văn hóa Brâu; bảo tồn ngôn ngữ Brâu.

Thứ ba, Chính phủ cần quan tâm xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các dân tộc ít người dưới 1.000 người, trong đó có đồng bào dân tộc Brâu. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; ưu tiên đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Brâu đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, để hy vọng thông qua lớp trí thức này có thể cứu được một tộc người đang có nguy cơ biến mất.

Thứ tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá sưu tầm, liệt kê được danh mục các giá trị văn hóa đang bị mai một hoặc biến mất của các dân tộc dưới 1.000 người nói chung và dân tộc Brâu nói riêng. Từ đó có mục tiêu rõ ràng cho từng loại hình văn hóa trong thời gian tới.

Muốn giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc dưới 1.000 người mà cụ thể là của đồng bào dân tộc Brâu thì vai trò chủ thể quan trọng nhất lại chính là cộng đồng. Không ai có thể làm thay vai trò cộng đồng. Vì thế, chúng ta hy vọng rằng với sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc ít người và đồng bào dân tộc Brâu có thể tự vươn lên để có thể giữ gìn, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình...; sẽ sớm đưa các dân tộc ít ngưòi dưới 1.000 người thoát khỏi tình trạng chậm tiến và lạc hậu hiện nay, hòa nhập được với cộng đồng các dân tộc khác trong vùng.

THS. Cao Thị Ngọc Thủy/Cơ quan UBTƯ MTTQ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản