Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã làm việc với Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về “Lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024”, ngày 11/7/2018.
Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới các hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới, thể hiện rõ hơn tính chất liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát, phản biện xã hội đã được triển khai có kết quả bước đầu, được nhân dân ghi nhận. Năm chương trình hành động do Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đề ra đã được thực hiện tốt, vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức tổ chức thực hiện. Những kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định tình hình đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, công tác Mặt trận cũng còn những hạn chế, bất cập. Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân vẫn chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận các cấp còn bất cập; đổi mới cơ chế hoạt động còn gặp nhiều khó khăn; thiếu sáng tạo, linh hoạt,...
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh
Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện trách nhiệm là thành viên gương mẫu để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra, nhưng ở một số nơi, cấp ủy, cán bộ, đảng viên còn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của Mặt trận, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác Mặt trận. Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền trong việc bảo đảm các điều kiện cơ bản, cần thiết để Mặt trận triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chưa kịp thời và đầy đủ. Do vậy, thực tiễn triển khai nhiệm vụ, trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, những cơ chế để tổ chức thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Thứ nhất, việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa theo kịp những yêu cầu mới trong xã hội. Chưa có sự phối hợp giữa công tác tập hợp ý kiến nhân dân, dư luận xã hội với công tác tuyên truyền, vận động và định hướng dư luận xã hội. Cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể với chính quyền trong tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực hiện chủ trương, chính sách, dự án ngay từ cơ sở chưa được cụ thể hóa thành các văn bản, các quy định.
Thứ hai, trong tổ chức phong trào thi đua, các cuộc vận động vẫn còn chồng chéo, hoặc mang tính hình thức. Một số nơi, các cuộc vận động, phong trào thi đua chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, chưa cải thiện được nhiều những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, chủ trì còn thiếu cơ chế và sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức thành viên, do đó, dẫn đến tình trạng trùng lắp, chồng chéo, hình thức nên tổng kết, thống kê thiếu chính xác. Chưa có chế tài cụ thể để quy rõ trách nhiệm đối với những tổ chức, đơn vị của các bên liên quan khi để xảy ra những sai phạm.
Thứ ba, trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội: cơ chế pháp lý chưa được toàn diện, chế tài hoạt động chưa được bổ sung đầy đủ, rõ ràng. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác Mặt trận thành pháp luật của Nhà nước để thực hiện còn chậm: Nhà nước chưa ban hành văn bản để quy định rõ về cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho Mặt trận tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Bộ Chính trị thì tạo cơ chế, nhưng lại thiếu quy định về luật pháp của Nhà nước). Nhiều hoạt động nếu các đơn vị không thực hiện thì cũng không có chế tài xử lý, cũng như cụ thể trách nhiệm của các ngành liên quan, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp như thế nào.
Thứ tư, trong công tác bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức duy nhất tổ chức hiệp thương để bầu ra cơ quan dân cử ở các cấp, song chưa có quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vị trí độc lập hay là quyền chủ động trong bầu cử để bảo vệ chính kiến của mình trong quá trình xác định cơ cấu, thành phần, số lượng và hiệp thương nhân sự để lập danh sách các ứng cử viên để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời cũng chưa có quy định làm rõ trách nhiệm của Hội đồng bầu cử các cấp nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng đối với những thành công hoặc hạn chế, sai sót trong công tác bầu cử.
Mặt khác, để thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ mới của Mặt trận, cần kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu phù hợp. Đồng thời, mở rộng và tạo điều kiện để phát huy đội ngũ cán bộ không chuyên trách, chuyên gia tư vấn, cộng tác viên công tác Mặt trận cho các hoạt động đa dạng, sâu sát các tầng lớp nhân dân của Mặt trận. Mặc dù tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đã được đề cập trong một số văn bản hướng dẫn của Mặt trận, nhưng còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể và thống nhất, còn chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, bộ máy và biên chế cán bộ Mặt trận do cấp ủy địa phương cùng cấp quyết định, điều kiện kinh phí, cơ chế vẫn còn bất cập; đặc điểm về văn hoá, xã hội, dân tộc, tôn giáo từng địa phương có nhiều đặc điểm khác nhau. Việc tổ chức bộ máy Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở có sự thống nhất chung là yêu cầu cần thiết, nhưng cũng gây khó khăn trong tổ chức thực hiện để phù hợp với tình hình, đặc điểm riêng đáp ứng nhiệm vụ của địa phương.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh phí, cơ chế vẫn còn bất cập như: 1) Lượng kinh phí cho hoạt động còn rất ít so với yêu cầu nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận hiện nay. Kinh phí cho hoạt động sự nghiệp báo chí, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ bản còn quá thấp. 2) Mặt trận các cấp chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ sở, văn hóa, bảo tàng, nhà nghỉ dưỡng, trung tâm hoạt động… 3) Không phát huy được tính năng động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huy động các nguồn lực xã hội cho các hoạt động giám sát, phản biện, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cấp cơ sở vật chất…4) Đặc biệt, chưa có cơ chế tài chính thuận lợi để đảm bảo cho các hoạt động giám sát của Mặt trận được độc lập, khách quan, không bị tác động, ràng buộc bởi cơ chế tài chính với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là một trong năm nội dung cần tổng kết, đánh giá, là cơ sở để phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, giải pháp để hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung vào những nội dung cơ bản như: 1) Giải pháp về mặt nhận thức; 2) Những giải pháp về nâng cao trình độ và phương pháp xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện cơ chế; 3) Những giải pháp về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 4) Những giải pháp về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Tiếp tục sứ mệnh lịch sử quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới về tập hợp, củng cố, phát huy, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; yêu cầu về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia thực hiện giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện an sinh xã hội,… Để có thể thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện về cơ chế, từ đó nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bùi Thị Thanh
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam