Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với các đại biểu dự Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 6 (khóa VIII). Ảnh:Thành Trung
Trải qua 87 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lật đổ chế độ phong kiến, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, toàn diện trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người đã khẳng định: “Kách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hai người”. Đảng, chính quyền muốn giành thắng lợi, phải tôn trọng nhân dân, dựa vào nhân dân “lấy dân làm gốc” của sự nghiệp cách mạng. Người căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề đoàn kết, tập hợp lực lượng đông đảo của nhân dân. Đảng dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ là một bộ phận của nhân dân. Trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người chỉ rõ: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Chính vì vậy, vai trò của Đảng cầm quyền “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” là vấn đề có tính nguyên tắc, khách quan, lịch sử, được nhân dân đồng tình và được hiến định trong Hiến pháp. Đây cũng là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sứ mệnh cao cả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp và các thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền, người trong và ngoài Đảng; đương chức và nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam sinh sống trong và ngoài nước. Trải qua các giai đoạn cách mạng với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng lớn mạnh, với vai trò quan trọng là tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 đã nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên”. Mặt trận đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, cùng với Đảng, Nhà nước trở thành nhân tố trụ cột trong hệ thống chính trị nước ta.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất: Ở phương diện là thành viên, Đảng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lắng nghe ý kiến Mặt trận và cùng các tổ chức thành viên khác tiến hành hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động. Tuy nhiên, Đảng cũng được coi là một thành viên đặc biệt của Mặt trận, vì Đảng còn có vai trò lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với tư cách là đội tiền phong của cách mạng, Đảng được nhân dân, dân tộc thừa nhận vai trò lãnh đạo. Do vậy, Đảng phải là tổ chức thành viên gương mẫu nhất trong việc thực hiện các chương trình hành động của Mặt trận, nhằm tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai: Ở phương diện là người lãnh đạo, Đảng lãnh đạo Mặt trận từ việc xây dựng cơ cấu tổ chức, vai trò, vị trí, nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ban hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, định hướng về hoạt động của Mặt trận; ban hành các quy định, cơ chế để Mặt trận tiến hành giám sát và phản biện xã hội, tập hợp ý kiến của nhân dân, phản ánh với Đảng, Nhà nước. Thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, Đảng đã cử cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp ủy tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban Chấp hành các tổ chức đoàn thể là thành viên của Mặt trận, giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận và đoàn thể nhân dân. Từ đó, trực tiếp triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với Mặt trận và lắng nghe ý kiến của Mặt trận. Đồng thời, lãnh đạo cấp ủy tham gia Mặt trận là những người có đức, có tài, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có uy tín trong nhân dân.
Trong suốt quá trình đổi mới để thực hiện tốt sứ mạng lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên chú ý đến công tác Mặt trận và tăng cường sự lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trong hơn 30 năm qua đã chứng minh đường lối chính trị của Đảng, được nhân dân ủng hộ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; thể hiện một cách đầy đủ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và trở thành nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu của cách mạng Việt Nam. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu có tính cấp thiết đã được khẳng định trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Kết hợp chế độ tập trung, dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận để làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng khẳng định “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực và hiệu quả”. Do đó, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay sẽ tăng cường hơn nữa những phương thức tập hợp các giai tầng xã hội, nhất là các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm thực hành và phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, trong hệ thống chính trị của nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước nên có nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến dạng quyền lực trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó tập hợp khối đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên thực tế hiện nay, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: 1. Nhận thức của một số cấp ủy đảng về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận chưa đầy đủ và toàn diện, còn coi nhẹ công tác Mặt trận. Từ đó chưa chú ý tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động. 2. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác Mặt trận thành pháp luật của Nhà nước để thực hiện còn chậm. Trường hợp khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhưng các cấp ủy đảng chậm hướng dẫn triển khai, chưa quan tâm chỉ đạo chính quyền ban hành cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho Mặt trận tổ chức thực hiện. 3. Tổ chức bộ máy của cơ quan Mặt trận từ Trung ương đến các địa phương cũng còn nhiều bất cập, biên chế cán bộ chuyên trách ít, chưa tương xứng với nhiệm vụ hiện nay. Công tác cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa thích hợp. Một số giải pháp nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần được đề cao hơn nữa. Tạo điều kiện về tổ chức, cán bộ và các cơ chế khác cho Mặt trận hoạt động.
2. Cần thể chế hóa một số nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung và với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Đổi mới phong cách công tác của cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể theo phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là một yếu tố quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Chống bệnh hình thức, xa rời nhân dân, hách dịch, cửa quyền, vô cảm đối với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.
3. Tăng cường vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN bằng việc mạnh dạn “trao quyền lực” nhất định cho Mặt trận trên cơ sở những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước trước khi thông qua đều phải có ý kiến phản biện, đồng thuận (điều kiện bắt buộc) của Mặt trận, sau khi Mặt trận tổ chức các hội nghị hiệp thương dân chủ và phản biện xã hội; các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận đều phải được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết thỏa đáng, phản hồi lại cho Mặt trận và nhân dân. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Mặt trận, tiến hành đánh giá, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng chỉ đạo về công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
4. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng trong hệ thống Mặt trận và các đoàn thể nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) là: “Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể… Cử những cán bộ đủ tiêu chuẩn sang công tác Mặt trận và đoàn thể theo chủ trương luân chuyển cán bộ, qua đó phát hiện những cán bộ tốt để bồi dưỡng, đề bạt vào những cương vị lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước”. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ Mặt trận và các đoàn thể bình đẳng như cán bộ làm công tác đảng, công tác chính quyền, luân chuyển ngang từ các cơ quan cùng cấp và luân chuyển dọc từ Trung ương tới các địa phương.
5. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin và mối quan hệ máu thịt của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh sẽ làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhân dân quyết chí đi theo Đảng để thực hiện công cuộc đổi mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2016.
2. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).
3. Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nguyễn Mạnh Quang
Thạc sĩ, Phó Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.