Tin mới

Tôn giáo và tăng trưởng kinh tế, phòng chống tham nhũng

Nói đến “tôn giáo”, người ta thường nghĩ đến các hoạt động từ thiện, nhưng thực tế trong các tôn giáo, khái niệm kinh tế tôn giáo đã xuất hiện từ lâu, nó đã trở thành một thành phần kinh tế trong quốc gia, thậm chí trong các quan hệ kinh tế thế giới. Bài viết này muốn đề cập đến một vài khía cạnh cơ bản trong câu chuyện kinh tế của tôn giáo, đó là các tôn giáo đóng góp gì vào việc tăng trưởng kinh tế cũng như tôn giáo có ý nghĩa gì trong việc phòng, chống tham nhũng, kẻ thù của sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Tôn giáo và sự ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu kinh tế và tôn giáo thường đặt ra câu hỏi, cộng đồng các tôn giáo có khả năng tác động tích cực hay cản trở sự tăng trưởng kinh tế? Nếu như, năm 2004 Robert Barro mới đưa ra nhận định rằng, tương tác giữa tôn giáo và một loạt các yếu tố chính trị xã hội tuy có khác nhau nhưng chắc chắn “tôn giáo ngày càng có vai trò quan trọng với thực hành kinh tế thông qua các tác động của đức tin đến những đặc điểm hoạt động kinh tế, như: đạo đức làm việc, tính trung thực,… và những điều này có thể tạo nên khuynh hướng khuyến khích năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế”1, thì những nghiên cứu vĩ mô mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) và Quỹ Tự do Tôn giáo và Kinh doanh của B. Grim, đã có câu trả lời, khẳng định rằng giữa đức tin tôn giáo và tăng trưởng kinh tế (Reliogious Faith and Economic Growth) có mối quan hệ đặc biệt. Nghiên cứu trên cho thấy, những biến chuyển của Trung Quốc và Ấn Độ thuộc số nước “tôn giáo gốc” hoặc “thức tỉnh tôn giáo”. Theo một nghiên cứu đã công bố năm 2015, cùng với sự “hồi sinh” của tôn giáo thế giới nói chung (số người gắn kết với một tôn giáo được ước tính tăng tới 2,3 tỷ người, nghĩa là từ 5,8 tỷ năm 2010 lên 8,1 tỷ năm 2050), người ta đặt câu hỏi, sự tăng của dân số tôn giáo có liên quan gì với nền kinh tế của thế giới hiện nay? nhưng đến năm 2050, chỉ một trong năm nền kinh tế hàng đầu được dự đoán có dân số Ki tô giáo chiếm đa số đó là Hoa Kỳ. Các nước thuộc loại "siêu kinh tế" khác vào năm 2050 được thấy bao gồm: một nước với đa số Ấn Độ giáo (Ấn Độ), một nước đa số Hồi giáo (Indonesia) và hai nước với các mức độ đa dạng tôn giáo cực kỳ cao (Trung Quốc và Nhật Bản).

Không chỉ nghiên cứu vĩ mô, có nhiều thí dụ cụ thể trong mỗi quốc gia mỗi tôn giáo, cũng cho thấy, tôn giáo ngày nay quả thực có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu mới khác của Trung tâm HamkiKhalfaoui (2015) thuộc Đại học Tunis El Manar (Tunisia), thông qua việc nghiên cứu thực nghiệm dữ liệu tôn giáo và kinh tế của 20 nước Hồi giáo (1990- 2014) đã chỉ ra rằng, phần lớn các nước Hồi giáo không khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhưng ông rút ra một số nhận định cụ thể và khá giá trị, đó là: a) Các nước Hồi giáo nếu có tỷ lệ cư dân là người Hồi giáo càng cao thì mức phát triển kinh tế càng thấp; b) Điều kiện xã hội luôn là quan trọng. Tác động tiêu cực của Hồi giáo lên tăng trưởng kinh tế sẽ càng tăng nếu các nước Hồi giáo ấy chịu tác động mạnh của nạn mù chữ, thất nghiệp…

Thực ra ý tưởng về nền kinh tế tôn giáo đã xuất hiện từ những thập kỷ 40 - 50 của thế kỷ XX với ít nhất là nhà Kinh tế học Anh, gốc Đức Schumacher trong tác phẩm: Small and Beautiful, A Study of Economics, As If People Mattered (Blond and Briggs, London, 1977). Xuất phát từ luận điểm: “Tiến bộ kinh tế chỉ có thể có được khi bản năng tham lam của con người được kích thích và đó là điều phần lớn các tôn giáo đều muốn chống lại”. Mặt khác, kinh tế chỉ để ý đến giá trên thị trường (Market Value) chứ không chú ý đến giá thực. Giải quyết mâu thuẫn này ông đã đề xuất khái niệm “Kinh tế Phật giáo” (Buddhist Econmics) để giải quyết xung đột ấy, bởi theo ông “Phật giáo không khuyến khích lòng ham muốn, gia tăng nhu cầu hưởng thụ. Phật giáo khác với mácxít, không xem tư hữu là xấu xa vì nó không ít thì nhiều có liên hệ đến nghiệp quả của từng cá nhân miễn là lợi tức này làm ra bằng các phương tiện chính đáng và hợp pháp… Có hai yếu tính của nền kinh tế Phật giáo là tính giản dị và không bạo động…”2

Vậy điều kiện nào để tôn giáo có khả năng tham gia phát triển kinh tế? Đối với xã hội, khả năng kích thích kinh tế, xã hội của tôn giáo còn ở chỗ nhiều tôn giáo có khả năng cung ứng những dịch vụ tâm linh, giá trị đạo đức và an ninh sinh tồn cho những cộng đồng ngoài tôn giáo của nó, khi mà thế kỷ XXI được coi là "Thế kỷ của tâm linh" (Malreaux)

Không phải mọi tôn giáo đều có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ thể tôn giáo và nhà nước có khả năng khuyến khích những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế của chúng. Ở đây có vai trò quyết định của môi trường luật pháp, khả năng gắn kết cộng đồng, chính sách kinh tế xã hội và đặc biệt chính sách tôn giáo.

Tôn giáo và phòng, chống tham nhũng

Đời sống tôn giáo và kinh tế, như đã nói ở trên có vẻ như là những thực tại khó gần gũi. Có không ít những tôn giáo trên thế giới từng có khuynh hướng thoát tục hoặc “đối nghịch với trần gian” (M. Weber), như: Ấn giáo, Đạo giáo và thậm chí cả Phật giáo cũng đã từng trong số đó. Cách đây 400 - 500 năm, có lẽ chỉ có đạo Tin lành là tôn giáo duy nhất tìm thấy mối quan hệ giữa đức tin và đời sống tôn giáo của mình với sự tăng trưởng kinh tế, thậm chí góp phần sinh ra chủ nghĩa tư bản (M. Weber, Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, 1905).

Ngày nay, cái nhìn của thế giới và của các cộng đồng tôn giáo đã khác. Để có thể tham gia các hoạt động kinh tế, các cộng đồng tôn giáo cần nhiều điều kiện từ địa vị pháp lý đối với tổ chức và cá nhân mỗi tín đồ, đến tâm lý, nhận thức về tôn giáo và xã hội, cái mà người ta gọi chung là  tính tôn giáo (Religiosity).

Bản thân các nhà kinh tế cũng thấy điều này. Robert Barro nhà nghiên cứu kinh tế nổi tiếng của Mỹ cho rằng, tính tôn giáo có thể được coi là một chỉ số tăng trưởng kinh tế đối với nhiều nước có cộng đồng tôn giáo mạnh và được tính theo số đo GDP. Theo ông, tác động của tính tôn giáo lên thực hành kinh tế được hiểu trên hai phương diện: sự thực hành tôn giáo của các tín đồ (1) và vai trò nhận thức và tâm lý của đức tin khi tham gia hoạt động kinh tế, xã hội (2) (Tin vào kiếp sau, địa ngục, cứu rỗi, thiên đường,…). Cũng như M. Weber trước đây khen ngợi đạo đức của người Tin lành, như: tiết kiệm, chăm chỉ, ưa thích làm giàu mà không hề mâu thuẫn với ý Thiên Chúa, sáng tạo trong vận dụng khoa học kỹ thuật,… thì ngày nay, người ra cũng hết sức chú ý trong việc khai thác những mặt tích cực này ở nhiều tôn giáo khác, kể cả Hồi giáo. Barro còn nói rằng, quả thực ngày nay tính tôn giáo vẫn rất quan trọng với thực hành kinh tế, tác động của đức tin tôn giáo, tâm linh là rất sâu sắc đến những phạm trù thuộc hoạt động kinh tế, như: đạo đức và mục đích làm việc, sự trung thực và kỷ luật trong lao động, và đặc biệt trong phân phối sản phẩm, tiêu dùng,… nhưng trước hết phải kể đến tác động tính tôn giáo cũng có thể là một động lực của sự khuyến khích và tăng trưởng,...3

Nói đến tác động của tôn giáo trong việc tăng trưởng kinh tế liệu có thể có những mối liên hệ gì đến việc phòng chống tham nhũng? Rõ ràng đây là một vấn đề rất phức tạp. Thật tốt khi chúng ta đã có những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này những năm gần đây. Leila Shadabi đã có những nhận xét đáng chú ý về tác động của tôn giáo đối với hành vi tham nhũng. Theo tác giả, tôn giáo vừa là hệ thống ứng xử và hành động của con người tôn giáo đồng thời nó cũng là một chỉ số văn hóa có tác động khá tích cực trong đạo đức sản xuất kinh doanh cũng như trong việc phòng chống tham nhũng khi đưa ra câu hỏi: “Nếu như hối lộ và lạm dụng kinh tế của cải bị cấm trong Hồi giáo và Ki tô giáo vậy thì điều gì nói lên tác động của các tôn giáo này với việc chống tham nhũng”?4

Xin đưa ra một vài ví dụ để phân tích điều này. Khi nói về nền kinh tế tôn giáo, người ta thường chú ý đến hai yếu tố: biến số độc lập (đạo đức, đức tin tôn giáo) và biến số phụ thuộc (chính sách tôn giáo quốc gia), trong đó biến số thứ nhất có tính nội tại khá quyết định, bởi bên cạnh các yếu tính đạo đức và đức tin còn có luật lệ của các tôn giáo ít nhiều cũng chi phối hoạt động kinh tế của các chủ doanh nghiệp có tôn giáo và tín đồ các tôn giáo trong vai trò người dân tham gia sản xuất, kinh tế

Khi nghiên cứu hoạt động của nền kinh tế, tài chính của một nước Hồi giáo, như trường hợp Malaysia chẳng hạn cho thấy rõ điều này. Một trong những mục tiêu chính của người Hồi giáo khi hoạt động kinh tế là phải “bảo tồn của cải” và của cải phải được tạo ra và lưu thông theo luật Shari’ah. Theo đó, của cải không thể bị thu giữ hoặc độc quyền bởi thiểu số hoặc bởi những người nghèo mà không được quyền sử dụng. Sự giàu có của một quốc gia bị hủy hoại bởi hối lộ, tham nhũng hoặc chi tiêu quá mức; sự tương trợ và hợp tác trong quan hệ xã hội và kinh tế theo nguyên tắc “mở rộng láng giềng”… Như vậy, thế giới quan Hồi giáo nói chung đã tạo ra một sự cam kết sâu sắc để người Hồi giáo có sự thành công trong hoạt động kinh tế xã hội, vì nó đã có những nguyên tắc đức tin và đạo đức, giới luật chặt chẽ về sự ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế và việc làm, khắc phục sự phân biệt đối xử và đồng thuận.

Nói riêng về doanh nhân, doanh nghiệp của người Hồi giáo trong hoạt động tài chính cũng cho thấy điều này. Luật Hồi giáo trong khi ngăn cấm “sự mập mờ” thiếu minh bạch trong giao dịch giữa các bên cũng như các giao dịch bị cấm khác trong kinh doanh (sản xuất rượu, thịt lợn, vũ khí, mại dâm, kinh doanh giải trí có tính tham nhũng,…) thì đồng thời lại khuyến khích các chủ doanh nghiệp theo “nguyên tắc lợi nhuận và chia sẻ rủi ro”. Các ngân hàng kinh doanh tài chính của người Hồi giáo tầm quốc gia và khu vực, quốc tế ngày càng lớn mạnh, nhưng họ luôn khuyến khích kinh doanh hiệu quả nhưng cấm kinh doanh nợ xấu, việc “kinh doanh nợ”,… Đồng thời luôn hướng các chủ doanh nghiệp tôn trọng sự thiêng liêng của các hợp đồng, thúc đẩy công bằng, tương trợ giữa các bên liên quan.

Một truyền thống khác của Hồi giáo cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế và ngăn cấm tham nhũng hối lộ, đó là “cấm cho vay nặng lãi”. Theo đó, với người Hồi giáo tăng trưởng kinh tế sẽ là vô nghĩa nếu không có công bằng xã hội và kinh tế,…

Đương nhiên khi nói về những lợi thế của đạo đức tôn giáo trong kinh doanh thì cũng không thể ảo tưởng một cách siêu hình rằng, hoạt động kinh tế của họ diễn ra đúng như mong đợi của thần linh! Việc chống tham nhũng và kiểm soát tham nhũng, tự nó không thể chỉ là kết quả của bất kỳ thứ đạo đức tôn giáo nào, mà nó còn phụ thuộc vai trò quyết định cuả các chính phủ liêm khiết, hành động và kiến tạo, cũng như của một hệ thống luật pháp kinh tế, xã hội đủ mạnh của Nhà nước.

Kết luận

Đã có thể khẳng định, sự tăng trưởng kinh tế (economic growth) ngày nay, chắc chắn có sự tác động của yếu tố tôn giáo. Tăng trưởng kinh tế không chỉ bởi các biến số kinh tế, yếu tố chính trị, xã hội mà phải tính đến việc các tôn giáo là một nguồn lực từ vốn xã hội đến truyền thống, tính cách dân tộc, tư duy, lối sống và phương pháp sản xuất.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang rộng mở chủ trương, chính sách đổi mới trong việc khuyến khích cộng đồng các tôn giáo phát huy vai trò nguồn lực xã hội của mình trong phát triển ổn định kinh tế, xã hội. Hy vọng rằng, những kinh nghiệm quốc tế mới mẻ trên đây có thể là một tham khảo tốt cho chính một mảng công tác quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là thúc đẩy vai trò của các tôn giáo trong việc xã hội hóa các hoạt động kinh tế, xã hội và từ thiện nhân đạo, thậm chí có thể vận dụng những kinh nghiệm của cộng đồng các tôn giáo thế giới trong việc góp phần phòng chống tham nhũng.

Đỗ Quang Hưng

Giáo sư, Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

1. R. Barro,  R.M. McCleary (2006), Religion and Economy, Journal of Econocic Perspectives, Volume 20, Number 2 - Spring 2006 - Page 49 - 72.

2. Xem Quán Như (1996), Kinh tế Phật giáo,  trong cuốn Phật giáo trong thế kỷ mới, tập I, Giao điểm, Hoa Kỳ, tr. 239 - 243.

3. Robert Barro, Religious Faith and Economic Growth (Đức tin tôn giáo và tăng trưởng kinh tế), Tạp chí Kinh tế, Mỹ, 2004.

4. Xem Leila Shadabi, The Impact of Religion on Corruption (Tác động của tôn giáo lên vấn đề tham nhũng), Tạp chí Kinh tế số 12, 2013.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản