Tin mới

Vai trò của khoa học xã hội và việc định hướng phát triển văn hóa

Việt Nam có vị thế địa - chính trị đặc thù. Điều đó thể hiện rõ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Sang thế kỷ XXI, vị thế này của Việt Nam ngày càng có ảnh hưởng đến trật tự địa - chính trị khu vực và thế giới. Về phía Việt Nam, phương thức để giải bài toán địa - chính trị đặc thù này chỉ có thể là các chiến lược có tầm lịch sử và văn hóa. Thách thức rất lớn, nhưng cơ hội là không nhỏ. Với nền văn hóa có bề dày lịch sử mấy nghìn năm, nội lực văn hóa cần phải tính đến là sức mạnh của lòng dân, là ý chí của dân tộc, là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng phát triển và bản sắc văn hóa,... Đó là “sức mạnh mềm” trong chiến lược phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Và đó là khẳng định của khoa học xã hội Việt Nam ở trình độ hiện nay.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Ảnh minh họa

Về quan hệ giữa khoa học xã hội, nhân tố văn hóa và sự phát triển

Nói tới khoa học xã hội là nói tới con người, xã hội và văn hóa. Hay chính xác hơn, con người, xã hội và văn hóa là khách thể, đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn. Khi nghiên cứu các đối tượng đặc thù của mình, khoa học xã hội và nhân văn đã làm sâu sắc thêm sự bí ẩn của nhân tố con người với tính cách là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Chính con người và sự phát triển tự do của con người (chứ không phải những con số ấn tượng về GDP, tốc độ tăng trưởng hay những tiện nghi hiện đại về văn minh vật chất) mới là mục tiêu tối thượng, mới giữ vị trí là trung tâm của sự phát triển. Ngày nay, khoa học xã hội khẳng định rằng, con người với trí tuệ của mình là nguồn lực càng được khai thác lại càng giàu thêm không gặp trần giới hạn, trong khi các nguồn lực khác càng khai thác thì càng nhanh bị cạn kiệt và luôn là hữu hạn.

Dựa vào thành tựu của các nghiên cứu định lượng và một số khoa học chính xác, khoa học xã hội cung cấp những công cụ lý thuyết giúp các chính phủ lựa chọn phương án tối ưu để phát triển, tránh theo đuổi bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên con người. Khoa học xã hội tư vấn ai là chủ thể hợp lý và có thẩm quyền để giải quyết hữu hiệu các vấn đề xã hội, như việc nào là của chính phủ, việc nào là của gia đình,...

Trong hoạt động kinh tế, khoa học xã hội dù vẫn còn không ít hạn chế, nhưng đã đạt tới trình độ rất cao về chiến lược và sách lược huy động các nguồn lực, về những nguyên nhân đích thực của tăng trưởng, những kiểu tăng trưởng không lành mạnh, dự báo các bẫy tăng trưởng, những giải pháp kết hợp giữa “bàn tay vô hình” của thị trường với sự điều tiết vĩ mô có chủ đích của nhà nước... Trong quan hệ với giấc mơ thịnh vượng của các quốc gia, tiếc rằng, khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại mà kinh tế học và các khoa học xã hội khác đã chỉ ra, vẫn chưa được chú ý thỏa đáng. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là nhận thức yếu kém hoặc bị cám dỗ bởi mục đích vụ lợi mà các chính sách đôi khi lại “vác đá tự ghè chân mình”, còn quốc gia thì bỏ lỡ cơ hội thành công.

Bài học lịch sử và bài học kinh nghiệm, trong cái nhìn của khoa học xã hội, luôn gợi ý các giải pháp và cung cấp những tư vấn sáng suốt cho hiện tại, nhất là các hiện tại nóng bỏng. Tiếng chuông cảnh báo của khoa học xã hội vẫn đang vang lên gióng giả rằng, rất nhiều bài học của quá khứ mà con người hiện tại vẫn quên một cách “vô tình”, hay “vẫn không thuộc bài” và rồi lại phải trả giá đắt hơn.

Với văn hóa, khoa học xã hội ngày nay nhận thức về nó với quan điểm cách mạng. Khái niệm văn hóa có từ rất sớm, nhưng văn hóa học, xã hội học văn hóa và quan điểm coi văn hóa là nhân tố bên trong của sự phát triển, có khả năng quy định diện mạo của tương lai,... thì mới xuất hiện chưa lâu. Đầu thế kỷ XXI, khoa học xã hội còn nhìn ra vị thế của văn hóa với tính cách là “sức mạnh mềm” của các quốc gia. “Sức mạnh mềm” có thể thua súng đạn hay thậm chí sự xâm lược (“sức mạnh cứng”) trong việc giải quyết các vấn đề tình huống, tức thời, nhưng “sức mạnh mềm” lại có khả năng mang lại sự phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ là sản phẩm của sản xuất xã hội, mà còn là cái nằm ở tầng sâu của đời sống xã hội. Nó quy định chiều hướng, cách thức và diện mạo của sự phát triển. Nghĩa là dù phát triển đến trình độ nào, con người và cộng đồng của mỗi xã hội vẫn chỉ có thể cảm thấy an toàn và tiến bộ khi phát triển không thoát ly khỏi bản sắc truyền thống, không đứt gãy với lịch sử, không quay lưng lại với giá trị chung toàn nhân loại và không xa rời những khuynh hướng nhân đạo. Các quốc gia thành công đều là các xã hội vừa hiện đại, vừa truyền thống; vừa bứt phá, vừa kế thừa, vừa độc đáo, vừa không ngoại lệ... “Không giống ai” và “không còn là mình” đều là các thái cực nguy hiểm.

Với những điều vừa nêu, chúng tôi muốn lưu ý rằng, văn hóa và khoa học xã hội là những nhân tố ngày càng có quan hệ hữu cơ với sự phát triển của các quốc gia. Các quốc gia hưng thịnh và phát triển, nhất là các quốc gia có bề dày truyền thống, đều không xem nhẹ nhân tố văn hóa, không đánh giá thấp tiếng nói của khoa học xã hội. Các trung tâm chiến lược, các nhóm tư vấn mạnh (think tank) được tin dùng hiện nay đều là các cỗ máy trí tuệ về khoa học xã hội. Bởi lẽ, nhờ khả năng trực tiếp định hướng cho hành động, khoa học xã hội thường là chỗ dựa tinh thần và tâm lý, trang bị sức mạnh tư tưởng và văn hóa, cung cấp luận cứ khoa học có chiều sâu lịch sử,... để các quốc gia kịp thời hoạch định được chiến lược hay các quyết sách, ứng phó với tình huống, từ giải pháp chính trị đến đột phá phát triển kinh tế hay chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngày nay, dù chọn phương thức phát triển nào, các quốc gia cũng đều coi các giá trị về con người và bản sắc văn hóa là lý do tồn tại đầu tiên của mình.

Vị thế địa - chính trị của Việt Nam trong thế kỷ XXI

Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống mấy nghìn năm. Dưới lăng kính của các khoa học xã hội và nhân văn, điều được thừa nhận này có ý nghĩa là cái quy định sự phát triển tiếp theo của đất nước. Quán tính lịch sử, khuôn mẫu văn hóa, bản lĩnh dân tộc, thói quen tư duy, cách thức kiếm sống, phương thức ứng xử,... với tất cả thế mạnh và những hạn chế của nó, chắc chắn sẽ không tách rời hiện tại và tương lai. Và, sự phát triển tối ưu hay hợp lý sẽ đến với chủ thể nào biết phát huy thế mạnh về văn hóa, nhận ra được những khuyết tật cố hữu của mình để nắm bắt và khống chế cơ hội trong thế giới toàn cầu hóa.

Trong so sánh với các dân tộc - quốc gia xung quanh và xa hơn ở bên ngoài, Việt Nam trước nay luôn được đánh giá tích cực ở nhân tố văn hóa. Không phải ngẫu nhiên, cố lãnh đạo Xin-ga-po Lý Quang Diệu từng nhận xét: “Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên Việt Nam đến Xin-ga-po theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường đạt điểm số cao nhất”.

Tuy vậy, điều khó khăn khi vận dụng lý thuyết văn hóa trong phát triển là ở chỗ, những ảnh hưởng, tác động của văn hóa thường không sát sườn, không trực tiếp và lợi ích trước mắt mà văn hóa đem lại cho các chủ thể thường không đủ thu hút, thậm chí đôi khi còn làm giảm lợi ích kinh tế, hy sinh các lợi ích khác. Thêm vào đó, văn hóa, ở phạm vi tư vấn chính sách, phần lớn lại là những đại lượng khó tính toán; đã có những trường hợp khi thỏa mãn được lợi ích văn hóa này, người ta lại vô tình hy sinh lợi ích văn hóa khác, có khi căn bản hơn.

Về phương diện địa - chính trị, trong thế kỷ XXI Việt Nam là quốc gia có vị thế rất đặc biệt trên bàn cờ chính trị khu vực và thế giới, là nhân tố có ý nghĩa chi phối trật tự địa - chính trị khu vực và thế giới.

Trong thế kỷ XX, các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc đều có nguyên nhân không tách rời vị thế địa - chính trị của đất nước. Ngày nay, trong tương quan với chiến lược của Mỹ xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương và trong tương quan với tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc, vị thế địa - chính trị của Việt Nam một lần nữa lại trở nên quan trọng, nằm ngoài ý muốn của tất cả các bên.

Vấn đề là ở chỗ, nếu xem nhẹ vị thế địa - chính trị đặc biệt của Việt Nam, việc mưu cầu và theo đuổi lợi ích của một số nước lớn có thể bị vi phạm. Những năm gần đây, các đầu óc chiến lược của nhiều nước lớn đều đã nhận ra tính thực tế của điều này. Và, không hề ngẫu nhiên, sách lược của các nước lớn đều công nhiên thể hiện khá rõ phương thức ứng xử có tính đến yếu tố Việt Nam.

Giữ vị trí giao điểm của các luồng văn minh, Việt Nam xưa nay luôn là mảnh đất dừng chân, lập nghiệp và hội tụ của nhiều tôn giáo, nhiều phương thức sống, nhiều dạng văn minh. Văn minh Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo, văn minh Đại Việt từ thời Đinh, Lê đến tận thế kỷ XX, trong tương quan với các nền văn minh - văn hóa bên ngoài đương thời, đều không hề thua kém về trình độ phát triển.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy cha ông ta đã xử lý rất hiệu quả nhân tố đặc thù văn hóa địa - chính trị ngặt nghèo này. Những bài học kinh nghiệm phong phú đã một phần được ghi lại trong sử sách. Việc tìm kiếm những gợi ý thông minh cho hiện tại và tương lai là trách nhiệm phải đúc kết của thế hệ hôm nay.

Bài học kinh nghiệm gợi ý tìm phương thức phát triển cho tương lai, mà thế hệ hôm nay có trách nhiệm phải đúc kết, trước hết và cũng rất căn bản là bài học về phương diện văn hóa. Cùng với vị thế địa chiến lược quan trọng, Việt Nam còn có cả một bề dày văn hóa được tạo dựng và tôi luyện qua mấy nghìn năm lịch sử và cũng vừa mới sử dụng trong gần trọn thế kỷ XX. Bài học từ quá khứ còn nóng hổi. Chủ nghĩa yêu nước sâu sắc, bền bỉ. Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tư tưởng “Vì dân”. Tinh thần “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”. Sách lược “Dĩ bất biến ứng vạn biến”... Đó là những sức mạnh văn hóa có thực nếu thế hệ hôm nay biết tôn trọng, khai thác và vận dụng.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển

Thứ nhất, để văn hóa phát huy được vai trò là nhân tố thúc đẩy đất nước phát triển, văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển - điều này không mới về mặt lý luận, nhưng đặc biệt cấp thiết về phương diện quản lý vĩ mô, hoạt động thực tiễn và hoạch định chính sách.

Nói không mới về mặt lý luận vì từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, khá nhiều cuốn sách chuyên khảo và không ít hội thảo khoa học tầm cỡ bàn khá kỹ về các nội dung này. Mặc dầu vậy, trong thực tế, sự tôn trọng vai trò của văn hóa dường như có phần giảm đi. Nhiều đề án kinh tế - xã hội đã công nhiên hy sinh văn hóa vì mục tiêu kinh tế. Để khắc phục tình trạng này Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Tính văn hóa của nhiều hoạt động văn hóa cũng rất thấp. Các chính sách có liên quan đến văn hóa đôi khi cũng vi phạm tiêu chuẩn văn hóa. Văn hóa làm người “ở một bộ phận không nhỏ” có phần bị vấy bẩn trong nhiều quan hệ: bệnh nhân và thầy thuốc, công dân và cơ quan công quyền, công an và các bên đối tượng, thậm chí cả thầy giáo và học trò... Tham nhũng lớn tăng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn, thói vô cảm phổ biến,... Tình trạng này không thể cứ tiếp tục, nếu muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, trong tình huống phức tạp của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay, nhân tố văn hóa cần phải tính đến là sức mạnh của nhân dân, là ý chí của dân tộc, là lòng yêu nước của mỗi người, là tính chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc... Đó là “sức mạnh mềm” trong chiến lược bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bên cạnh sức mạnh quân sự, chính trị. Bài học văn hóa đầu tiên của các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc là, sức mạnh của nhân tố con người bao giờ cũng mạnh hơn vũ khí.

Thứ ba, là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa đòi hỏi phải được tồn tại như là linh hồn của mọi kế sách vĩ mô, phải thấm sâu vào mọi hoạt động, phải “soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nghĩa là, không thể để bất cứ chiến lược, sách lược, chủ trương, đề án, hoạt động nào không chú ý thấu đáo đến khía cạnh văn hóa của vấn đề, không đặt văn hóa đúng tầm mức của nó, không đạt tới trình độ nhất định về văn hóa. Văn hóa phải được coi là tiêu chuẩn đánh giá kết quả hoạt động, bên cạnh những tiêu chuẩn kinh tế - xã hội. Dư luận xã hội, đạo đức xã hội và khung khổ pháp lý phải đủ mạnh để ngăn chặn tất cả những gì là phi văn hóa, thiếu văn hóa, vô văn hóa... Bên cạnh tốc độ của sự phát triển, tính nhân văn của sự phát triển và trình độ lành mạnh của đời sống xã hội là thước đo của việc văn hóa đã đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội đến đâu.

Thứ tư, là mục tiêu của sự phát triển, văn hóa phải có mặt trong kết quả của mọi chiến lược, sách lược, chủ trương, đề án và hoạt động. Mọi mục tiêu vĩ mô chưa thể được coi là hợp lý, nếu mục tiêu văn hóa trong đó được thể hiện mờ nhạt hoặc thiếu hụt. Nếu cần thiết, phải hy sinh kinh tế cho văn hóa. Người dân đồng thuận và có chỉ số hạnh phúc cao, đó là sự biểu hiện của việc văn hóa đã đóng vai trò là mục tiêu của sự phát triển.

Hiện nay, việc chủ động hy sinh kinh tế cho văn hóa trong các chương trình, dự án rất ít xảy ra, mà thường là ngược lại. Dĩ nhiên, phát triển văn hóa không nhất thiết phải lãng phí hàm lượng kinh tế của hoạt động. Nhưng tại các dự án, công trình về văn hóa truyền thống, về đặc thù bản sắc Việt Nam, về các hành lang phát triển cho thế hệ tương lai... nếu cứ tuyệt đối chú ý đến lợi nhuận, thu nhập, thì ý nghĩa văn hóa của vấn đề rất dễ có khả năng bị quên lãng. Ở đây, vai trò của quản lý vĩ mô, của tầm nhìn vượt thời gian và của ý chí phát triển,... vô cùng quan trọng. Các quốc gia thành công thường không thiếu những chính khách có tầm nhìn xa, dám “đứng mũi chịu sào”.

Thứ năm, là động lực của sự phát triển, văn hóa cần thực sự là chất kích thích, thúc đẩy sự tiến bộ trong từng chính sách, trong mọi hoàn cảnh, ở khắp các địa phương. Trong mọi tình huống của đất nước, tiềm năng con người luôn phải được giải phóng, tự do sáng tạo được tôn trọng, dân chủ xã hội được bảo đảm. Sự phát triển xã hội chưa thể được coi là hợp lý, nếu trong đó các tiềm năng chưa được bộc lộ và còn để lãng phí, lòng dân chưa yên.

Hiện nay, trình độ thực của sự phát triển và hầu hết các chỉ số phát triển ở Việt Nam đều ở mức chưa phát huy hết tiềm năng, bên cạnh tình trạng thực sự thiếu tiềm năng, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu tiềm năng đã có chưa được giải phóng, chưa được phát huy và tiềm năng thiếu hụt chưa được chú ý đào tạo hoặc thu hút, thì sự phát triển khó có thể coi là hợp lý. Muốn giải phóng để tránh lãng phí các tiềm năng, muốn các nguồn lực bên trong và bên ngoài được đào tạo, được thu hút để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, muốn văn hóa thực sự đóng vai trò là động lực của sự phát triển thì việc tạo cơ chế, chính sách, môi trường tự do sáng tạo cho con người giữ vai trò quan trọng.

Thứ sáu, khi nói đến văn hóa và phát triển ở phạm vi một quốc gia, người ta thường chú ý đến bầu không khí tinh thần chung của quốc gia đó - khái niệm “tâm quyển” đôi khi cũng được dùng để diễn đạt và đánh giá trình độ này của dân trí, dân sinh và dân quyền.

Thực tế phát triển được coi là thần kỳ của một số quốc gia NICs (các nước công nghiệp mới) trong thế kỷ XX cho thấy, văn hóa sẽ thực sự là nhân tố thúc đẩy sự phát triển khi khát vọng phát triển là tâm lý không thể nguội dần ở các tầng lớp cư dân và ở chính phủ. Các quốc gia đã “hóa rồng” đều là những xã hội mà chính phủ tâm huyết với kế sách vĩ mô, trí thức cháy bỏng niềm tin với từng bước đi của đất nước.
Ở Việt Nam, khát vọng phát triển lâu nay luôn được thế giới đánh giá cao. Tâm thức phát triển đầy nhiệt huyết, từ hàng chục năm nay, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, từ người dân bình thường đến các nhà lãnh đạo đầy trách nhiệm. Đó là một vốn văn hóa quý. Nhưng cũng đã có những nước, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, chuẩn bị “cất cánh” nhưng lại tuột mất cơ hội vì khát vọng phát triển bị nguội dần. Phi-líp-pin, Bra-xin, Pê-ru,... là những trường hợp như vậy.

Làm thế nào để giữ được ngọn lửa khát vọng cho phát triển là điều không quá khó. Nhưng điều này lại trực tiếp phụ thuộc vào sự đồng thuận vĩ mô, vào tầm nhìn của nhà lãnh đạo, vào sự minh bạch của các kế sách và vào triển vọng ẩn giấu sau các bước đi thực tế của việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, mặc dù Việt Nam phải qua giai đoạn đầy khó khăn khi những vấn đề kinh tế - xã hội không dễ dàng trong nước và quốc tế liên tiếp nảy sinh, nhưng sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự tường minh của các quyết sách, sự xuất hiện của những công trình thế kỷ,... đã lấy lại niềm tin cho xã hội. Khát vọng phát triển vẫn không hề nguội dần. Hy vọng về tương lai là có cơ sở./.

Theo Hồ Sĩ Quý, GS, TS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam/Tạp chí Cộng sản

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản