Từ cuối thế kỷ XX, thế giới bắt đầu thay đổi sâu sắc từ xã hội, kinh tế cho tới kỹ thuật công nghệ kéo theo đó là những chuyển đổi căn bản về cấu trúc và chức năng của gia đình. Vai trò của người cha, người mẹ đối với con cái trong bối cảnh mới là chủ đề được nhiều học giả chú ý và đặc biệt ngày càng nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của người cha trong gia đình. Các nghiên cứu cho thấy sự đa dạng của vai trò người cha đối với những người con nói riêng và gia đình nói chung, tùy thuộc vào góc độ phân tích và đối tượng liên quan. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, người cha cũng có vai trò rất quan trọng đối với người con và điều này được thể hiện qua hai khía cạnh chủ yếu:
Khía cạnh vai trò về kinh tế
Vai trò kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng, vì sự xuất hiện của người con có thể có tác động đáng kể đối với cả gia đình. Người con xuất hiện đi liền với việc người mẹ thường phải tạm dừng công việc một cách tạm thời hoặc trong thời gian dài và tốn những chi phí lớn để nuôi dưỡng và chăm sóc con (McDonald, 2000). Do vậy, thời điểm này người cha là người sẽ chịu trách nhiệm chính về kinh tế cho gia đình và đảm bảo cho gia đình ít nhất có một mức sống tối thiểu.
Người cha đóng vai trò trụ cột kinh tế gia đình bởi người cha là người lao động chính (cùng với người mẹ) để duy trì cuộc sống cho các thành viên gia đình. Có thể nhận thấy hình ảnh một người cha đầy uy quyền trong xã hội trước thời kỳ công nghiệp hóa. Mặc dù người mẹ cũng tham gia sản xuất, tạo dựng kinh tế cho gia đình như người cha, nhưng việc quyết định lại hoàn toàn do người cha. Uy quyền này một phần được tạo nên chính từ vai trò làm chủ kinh tế trong gia đình.
Từ năm 1960, khi công nghiệp hóa phát triển, người phụ nữ đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp như nam giới; do vậy, có sự đóng góp về thu nhập một cách rõ ràng giữa người cha và người mẹ trong gia đình. Lúc này, vai trò kinh tế của người cha được xác định thông qua việc hỗ trợ người mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc con. Nghiên cứu của Christensen, Palkovitz (2001) cho rằng sự hỗ trợ về mặt kinh tế, trước hết là người cha đóng góp vào việc nuôi dưỡng thể chất và sức khỏe tinh thần của người con và hỗ trợ kinh tế của người cha có tác động trực tiếp đối với sự phát triển của trẻ. Các tác giả ghi nhận rằng, hỗ trợ kinh tế của người cha đối với trẻ có thể mang lại kết quả cho trẻ tốt hơn là những hỗ trợ các nguồn thu nhập khác; bởi vì, khi người cha tham gia chi trả hỗ trợ cho người con thì có thể tương tác với người con nhiều hơn. Khi so sánh với người cha không hỗ trợ về kinh tế cho gia đình, Christensen, Palkovitz (2001) nhận thấy những người cha không hỗ trợ kinh tế gia đình, không có cơ hội tham gia vào nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của con cái họ.
Nếu xét riêng về thành tích học tập, kết quả nghiên cứu của một số tác giả, điển hình như Argys et al (1998) cho thấy, số tiền hỗ trợ của người cha dành cho người con sẽ làm tăng thành tích học tập và điểm số các bài kiểm tra nhận thức của trẻ em cũng như của trẻ vị thành niên nhiều hơn là bất kỳ nguồn hỗ trợ thu nhập nào khác. Đồng thời, việc hỗ trợ tiền cho con cái có tác động làm giảm đáng kể những vấn đề về hành vi tiêu cực của trẻ.
Trên góc độ rộng hơn, nghiên cứu của Klerman (1991) chỉ ra rằng, nghèo đói có nhiều tác động bất lợi đối với kết quả phát triển của trẻ. Nghèo đói khiến trẻ phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng và các vấn đề về sức khỏe, điểm số học tập thấp, bỏ học; còn Levin (1986) cho rằng, có các vấn đề về hành vi và cảm xúc như thất vọng, tự ti, rối loạn hành vi, xung đột với bạn bè. Nelson (2004) cho rằng, những người cha thu nhập thấp có ít khả năng có mối liên hệ với con cái mình hơn so với những người cha cùng cảnh ngộ có thu nhập cao hơn. Không chỉ có vậy, những người cha có thu nhập thấp và có ít giao tiếp với con còn ảnh hưởng đến người con trong tương lai.
Trên khía cạnh pháp luật, hỗ trợ kinh tế cũng là cách thức mà người cha có quyền thăm nom, chăm sóc trẻ trong các gia đình ly hôn hoặc ly thân và điều đó tác động tới sự phát triển của người con. Hetherington, Stanley-Hagan (1997) và Aughinbaugh (2001) cũng cho rằng, số tiền hỗ trợ nuôi trẻ trong các gia đình người cha không sống cùng có tác động tích cực và đáng kể tới hạnh phúc của đứa trẻ. Đồng thời, nó cũng làm tăng việc điều chỉnh hành vi tích cực và thích ứng sau khi ly hôn.
Khi nhận xét về gia đình Việt, Nguyễn Từ Chi (1989) thấy rằng, quyền lực trong gia đình Việt Nam nằm trong tay người đàn ông. Về mặt kinh tế, đất đai, ruộng vườn, tài sản đều do người cha nắm giữ và “chỉ truyền lại cho con trai trong nhà”. Việc giáo dục con hay cưới gả con, mặc dù người cha có bàn bạc với người mẹ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn do người cha. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người cha và người mẹ đảm nhiệm rất nhiều vai trò khác nhau; tuy nhiên người cha vẫn là người “cung cấp nguồn sống” cho gia đình ngay cả khi phụ nữ có đóng góp đáng kể trong thu nhập (Vũ Tuấn Huy, 2002). Mai Huy Bích (2003) lại cho rằng người cha, người mẹ đảm nhiệm những vai trò độc lập khác nhau nhưng người cha vẫn đảm nhiệm vai trò chính là người cung cấp “nguồn sống” cho gia đình. Trong nhãn quan của người vợ, người chồng cũng được kỳ vọng vào “vai trò trụ cột kinh tế hơn là kỳ vọng vào tình yêu và sinh hoạt tình dục của vợ chồng” (Lâm Ngọc Như Trúc, 2008). Ngoài ra, tập quán “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn; do vậy, trong phân chia tài sản vẫn còn “thiên vị” con trai nhiều hơn. Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh (2012) cho thấy, chỉ có 45,8% số người trả lời sẽ phân chia tài sản đều cho các con, 28% sẽ ưu tiên cho con trai và chỉ có 0,6% sẽ ưu tiên cho con gái.
Khía cạnh vai trò chăm sóc - giáo dục
Không chỉ đóng vai trò về kinh tế, vai trò của người cha ngày càng được nhìn nhận và xem xét mở rộng hơn, đó là vai trò của người chăm sóc và giáo dục. Theo Levine, Pitt (1995), một phần của khái niệm về “trách nhiệm làm cha” bao gồm việc tham gia vào hoạt động chăm sóc tinh thần và thể chất cho người con. Còn theo Dubowitz (2006) và Shears (2006) thì vai trò chăm sóc của người cha đối với người con bao gồm việc dành tình yêu, hỗ trợ, hướng dẫn, bảo vệ, giám sát và được tin tưởng, một hình mẫu, một người dạy dỗ, nhưng đồng thời là một người cộng sự của người mẹ.
Theo các nghiên cứu về vai trò của người cha trong chăm sóc con cái, sự chăm sóc của người cha mang lại những tác động tích cực đối với người con trên nhiều mặt khác nhau. Sự tham gia của người cha trong các hoạt động cùng người con có tác động tích cực tới kết quả học tập cũng như các chỉ báo khác liên quan đến hoạt động ở trường của người con. Nghiên cứu của Nord et al (1997) cho thấy, trẻ em thường nhận được điểm tốt, thích đi học khi có cả cha mẹ tham gia vào các hoạt động ở trường ở cấp độ cao hoặc vừa phải. Những người cha không sống cùng nhà với người con, nhưng cũng có sự tham gia tích cực vào các hoạt động tại trường học của người con cũng có kết quả tương tự.
Trẻ nhận được sự chăm sóc của người cha có thể nhận được những kết quả tích cực không chỉ trong một vài năm mà có thể là nhiều năm sau đó. Trẻ nhận được sự chăm sóc của người cha có khả năng lớn lên trở thành những người trưởng thành giỏi giao tiếp và thành công hơn có mạng lưới xã hội hỗ trợ với tình bạn thân thiết lâu năm (Franz, McClelland, Weinberger, 1991); và thích nghi tốt với người khác cả về mặt cá nhân và xã hội (Reuter, Biller, 1973). Ngoài ra, trẻ cảm thấy gần gũi với người cha cũng nhiều khả năng có hôn nhân thành công và kéo dài nhiều năm, ít khả năng dẫn tới ly hôn (Risch, Jodl, Eccles (2004) và Lozoff (1974). Ngay cả đối với đối tượng là thiếu niên, nghiên cứu cho thấy những trẻ được người cha nuôi dưỡng và ở bên cạnh trong quá trình trưởng thành có khả năng cảm thấy bản thân đáng tin cậy, trung thực, thân thiện và dễ dàng thành công trong công việc của mình hơn (Biller, 1993).
Sự tham gia tích cực của người cha giúp trẻ phát triển năng lực xã hội, khả năng đồng cảm với người khác: các nghiên cứu của Lindsey (1994); Lieberman, Doyle, Markiewicz, (1999) cho thấy, người con được người cha chăm sóc có mối quan hệ bạn bè tích cực, gần gũi, được nhiều người yêu quý hơn và có khả năng tương tác với anh chị em tốt hơn, đồng thời ít căng thẳng hơn trong quá trình tương tác với những đứa trẻ khác và tự mình giải quyết xung đột hơn là tìm kiếm sự trợ giúp của giáo viên. Tương tự, Aldous, Mulligan (2002) nhận thấy rằng, sự tham gia càng nhiều của người cha vào việc nuôi dạy trước khi trẻ tới trường góp phần làm giảm các vấn đề về hành vi khi trẻ đi học. Mối quan hệ bạn bè của những trẻ này có đặc điểm là ít tiêu cực, ít gây hấn, ít xung đột hơn, trẻ rộng lượng và có mối quan hệ bạn bè tích cực hơn. Sự chăm sóc của người cha tỷ lệ nghịch với tần suất những hành vi phá hoại, chống đối, trầm cảm, buồn chán và nói dối ở trẻ (Flouri, Buchanan, 2002; King, Sobolewski, 2006).
Từ nửa sau thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc kéo theo sự biến đổi vai trò của người cha trong gia đình, người cha đã tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc, giáo dục con nhưng so với người mẹ, thì “vai trò của người cha không hề tương xứng” (Mai Huy Bích, 2003). Lý giải về vai trò chính của người mẹ trong chăm sóc gia đình và con cái, nghiên cứu của Vũ Tuấn Huy (2002) cho rằng người cha tin tưởng sự chăm sóc con cái tốt của người phụ nữ bởi trước hết đó là “thiên chức bẩm sinh” trong khi đó người phụ nữ thì lại cho rằng người cha ít chăm sóc con cái vì vai trò xã hội của họ như bận rộn với công việc hoặc ít kiến thức nuôi con. Sự khác biệt lớn giữa vai trò làm cha với vai trò làm mẹ ở chỗ người mẹ “mang tính sinh học” còn với người cha thì sự gắn bó với con là “do học hỏi xã hội mà có”. Việc thực thi vai trò người cha “không trực tiếp mà thông qua trung gian là người mẹ”, mối quan hệ của người cha với con cũng phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ của người mẹ với con cái (Mai Huy Bích, 2003:15). Tuy nhiên, dù đảm nhiệm vai trò nào thì người cha, người mẹ đều có ảnh hưởng đến con cái và đảm nhiệm vai trò làm cha, làm mẹ không phải là cái gì bất biến, nó có thể bị hoán đổi trong các gia đình di cư (Phan Thị Mai Thanh, Hà Thị Minh Khương, 2012). Người cha có thể đảm nhiệm và làm tốt hầu hết các vai trò của người mẹ, như: chăm sóc con cái, đưa đón đi học… khi người mẹ vắng nhà. Đồng thời, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên bớt tính áp đặt hơn trong xã hội hiện nay (Nguyễn Hữu Minh, Mai Văn Hai, 2012) nhưng về cơ bản mối quan hệ này vẫn tuân thủ tôn ti, trật tự truyền thống. Cha mẹ vẫn là những người quyết định mọi công việc liên quan đến con cái.
Nguyễn Thị Thơm
Thạc sĩ, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam