Tin mới

Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của Công an tỉnh Nghệ An

(Mặt trận) - Công tác dân vận của lực lượng công an đối với đồng bào dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An đã và đang được tiến hành đồng bộ với các biện pháp, phương tiện, lực lượng. Lực lượng công an đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại vùng đồng bào dân tộc H’Mông đã được giữ vững, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển của tỉnh.

Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền là 1.986 tỷ đồng

Đảng bộ cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng: Những điểm mới đối với Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Nghệ An là một tỉnh đa dân tộc, các dân tộc ít người ở Nghệ An vừa mang những đặc điểm chung của các dân tộc trong nước, vừa mang những nét đặc thù của một số dân tộc ít người cư trú trong một vùng lãnh thổ nhất định. Trong đó, người H’Mông chiếm tỷ lệ khá cao, sinh sống chủ yếu ở 3 huyện (vùng cao) với 20 xã và 92 bản (Quế Phong có 1 xã, 8 bản; Tương Dương có 6 xã, 10 bản và Kỳ Sơn có 13 xã, 74 bản); trong đó 14 xã biên giới giáp với Lào. Người H’Mông ở Nghệ An gồm H’Mông trắng và H’Mông đen, sự phân biệt này được dựa trên một số đặc điểm khác nhau chủ yếu về sắc phục. Người H’Mông ở Nghệ An về tiếng nói gần như thống nhất, tuy cũng có một số phương ngữ khác nhau, nhưng do sống gần nhau nên đều hiểu được.

Vùng dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch hướng tới. Trong những năm gần đây, hiện tượng đạo Tin lành xâm nhập và phát triển một cách không bình thường trên địa bàn rõ ràng không phải là vấn đề tôn giáo thuần tuý, mà đã có những động thái lợi dụng tôn giáo vùng dân tộc thiểu số, gây nên những phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác vận động quần chúng đấu tranh ngăn chặn, ổn định tình hình của tỉnh đã được triển khai trên toàn địa bàn, song tình hình vẫn chưa được giải quyết về cơ bản. Người dân tộc H’Mông vẫn theo đạo, một bộ phận có xu hướng tin đạo sâu sắc hơn, hoạt động của các đối tượng ngày một tinh vi và “bàn tay ngầm” của các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chi phối tình hình. Tiếp đó là tình trạng di cư tự do trong đồng bào dân tộc H’Mông tại Nghệ An cũng là một vấn đề đáng lo ngại, gây nên những bất ổn trong đảm bảo an ninh, trật tự.

Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là công tác giữ vị trí chiến lược cơ bản của lực lượng công an trong sự nghiệp đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Về mục tiêu công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an tỉnh Nghệ An, trước hết nhằm đảm bảo vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, việc thực hiện đầy đủ, đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc H’Mông ở Nghệ An, đảm bảo sự ổn định chính trị, sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội, sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng đồng bào dân tộc H’Mông ở Nghệ An.

Đối với đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn, các thế lực thù địch tuyên truyền sai lệch về nguồn gốc lịch sử, văn hoá của người H’Mông, qua đó lôi kéo vào hoạt động thành lập “Vương quốc Mông tự trị”, phá hoại tư tưởng, làm giảm lòng tin của đồng bào H’Mông vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các luận điệu tuyên truyền này đã ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc H’Mông, nhiều người lo lắng, một số ngộ nhận tin theo các luận điệu tuyên truyền, có biểu hiện sống tách biệt với các dân tộc khác hay bán tài sản để di cư sang Lào. Bên cạnh đó còn có các hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép, gây ra nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh, trật tự. Tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở địa bàn biên giới Nghệ An diễn ra rất phức tạp. Mặc dù địa bàn này về cơ bản đã xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, nhưng lượng ma tuý từ nước ngoài thẩm lậu qua biên giới vẫn rất lớn.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, của Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh vùng dân tộc H’Mông; công an các huyện, thị xã địa bàn vùng dân tộc H’Mông đã triển khai các mặt công tác dân vận đảm bảo an ninh vùng dân tộc H’Mông trên địa bản tỉnh Nghệ An, như: công tác nắm tình hình được xác định tập trung vào những nội dung, những vấn đề trọng tâm, mang yếu tố đặc trưng của địa bàn. Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành, như: Ban Dân Vận, Ban Dân tộc - Miền núi, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng dân tộc thiểu số, triển khai dân vận tại các vùng đồng bào dân tộc H’Mông, Thái, Dao, Khơ Mú… Đồng thời, Công an tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác dân vận lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước với tuyên truyền, phổ biến về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch để nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân.

Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép với công tác dân vận đồng bào dân tộc H’Mông tham gia xây dựng đời sống văn hoá mới nơi xã, thôn, bản; tổ chức cho đồng bào ký cam kết thực hiện “5 không” (không vi phạm quy chế biên giới; không di cư trái pháp luật; không tuyên truyền đạo trái pháp luật; không buôn bán, vận chuyển vũ khí; không buôn bán, vận chuyển ma tuý), quan tâm đến công tác vận động cá biệt, đi sâu đi rộng từng người, nhất là người có uy tín, vận động từng người để cảm hoá, thu hút họ đóng góp công sức của mình vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại xã, thôn, bản.

Công tác tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông cũng được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An tiến hành, đa số người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông đều có thái độ tích cực, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh. Với sự tranh thủ, hướng dẫn của lực lượng Công an, người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông đã trực tiếp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn, vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Nghệ An đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Biên giới tỉnh… trong công tác nắm tình hình, trao đổi, xác minh thông tin liên quan đến âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm trong đồng bào dân tộc H’Mông; vận động, tranh thủ người có uy tín, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân.

Có thể nói, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giữ vững an ninh trật tự, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm tình hình vẫn còn một số bất cập, lực lượng công an vẫn chưa nắm chắc tình hình một cách chủ động, dẫn đến giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc H’Mông nhiều lúc chưa kịp thời. Nhiều trường hợp những mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân chưa được phát hiện từ lúc mới nảy sinh; chưa chủ động xử lý tình huống phát sinh trong quần chúng.

Từ việc nghiên cứu, tìm hiểu các yếu tố tác động và thực trạng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông, công tác dân vận của lực lượng công an đối với đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm tới, cần có một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong giải quyết vấn đề dân tộc, đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc H’Mông nói riêng. Công tác này cần tập trung vào các nội dung: Giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng chiến lược, cơ bản, lâu dài của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc trong quá trình cách mạng; Giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thấy được tính chất cấp bách của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc; Giải quyết vấn đề dân tộc, thực hiện thắng lợi quan điểm, chính sách dân tộc.

Thứ hai, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở. Để làm tốt điều này, cần tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Trước mắt, tập trung củng cố chính quyền xã, bản đang bị tác động, bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, các xã phức tạp về tôn giáo, dân cư không ổn định.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá một cách bền vững, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức thiết về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn.

Trước hết cần phải tập trung giải quyết nguyên nhân, điều kiện, những yếu tố tác động từ bên trong, bao gồm các yếu tố kinh tế, đời sống, dân trí, văn hoá, tập quán dân tộc… đây là vấn đề có tính chiến lược, cơ bản, lâu dài; vừa có tính cấp thiết, trước mắt. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng công an vừa phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan để tham mưu, đề xuất, vừa trực tiếp góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc H’Mông.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình phục vụ đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Với giải pháp này, lực lượng công an tỉnh Nghệ An giữ vai trò nòng cốt trong việc xác định cụ thể các hướng thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác nắm tình hình có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, bao gồm việc nắm tình hình về tổ chức Đảng và chính quyền, về cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của các phòng, ban, nhất là các bộ phận thiết yếu… về hoạt động của các đoàn thể quần chúng và các vấn đề nổi cộm, phức tạp trên địa bàn, đặc biệt chú ý những địa bàn có hệ thống chính trị cơ sở yếu kém, những địa bàn “trắng” cấp uỷ, đảng viên…

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Cần bám sát yêu cầu cụ thể về đảm bảo an ninh trật tự của từng xã, bản, nhất là các xã, bản phức tạp về hoạt động tôn giáo, di cư tự do… Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, cát cứ dân tộc; để họ không tin, không nghe lời kẻ xấu, tích cực tham gia đấu tranh góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Dương Quốc Thành

Ths. Khoa Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Học viện An ninh nhân dân

Tài liệu tham khảo:

1.        Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016.

2.        Báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dân tộc H’Mông ở Nghệ An – Phòng PA88, Công an Nghệ An, năm 2015.

3.        Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020; Uỷ ban Dân tộc, năm 2015.

4.        Đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia, giáo trình Đại học, Học viện An ninh nhân dân, Hà Nội, 2011.

5.        Dân tộc trong lịch sử và trong thời đại ngày nay, Trần Hữu Tiến, Sách chuyên khảo, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2012.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản