Tin mới

Công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 2019 - 2024

(Mặt trận) - Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ cho công tác đối ngoại: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là những nội dung vừa mang tính kế thừa đường lối đối ngoại của Đảng tại các kỳ Đại hội trước, vừa là bước phát triển hết sức quan trọng, khẳng định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ của đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng trong tình hình mới, gắn kết chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại, ngoại giao và yêu cầu phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 5 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 9/4/2024  

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xác định, lựa chọn các đối tác trong quan hệ đối ngoại có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Vì vậy, Đảng khẳng định: “Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng”; “Củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng”.

Hoạt động đối ngoại nhân dân của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ phải thể hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế một cách sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với khả năng từng tổ chức, đoàn thể của ta và đặc điểm từng đối tượng nước ngoài ta có quan hệ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đối ngoại nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận Tổ quốc. Với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn coi trọng công tác đối ngoại nhân dân với quan điểm “Đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam góp phần cho công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta”.

Đối ngoại nhân dân là sự tham gia rộng rãi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước. Hoạt động được thực hiện ở tất cả các cấp, tùy theo đặc điểm, điều kiện, yêu cầu cần đối ngoại. Hoạt động đối ngoại nhân dân của các đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp với đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hay hoạt động mang tính độc lập của đoàn thể, tổ chức xã hội đều có ý nghĩa hợp thành hình thức, phương thức đối ngoại nhân dân trong tổng thể chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta.

Đối tác, đối tượng hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các tổ chức, cá nhân và nhân dân các nước nói chung trên tất cả các vùng, lãnh thổ trên thế giới. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lợi thế, đặc thù riêng, chủ yếu là dùng đối thoại, tình cảm cởi mở để vận động, tuyên truyền, giải thích, thuyết phục… mà không bị gò bó nhiều bởi các lễ nghi, công thức như hoạt động đối ngoại của Đảng hay hoạt động ngoại giao của Nhà nước.

Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã cùng nhau xây dựng Chương trình phối hợp tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại cùng với đối ngoại của Đảng và ngoại giao của Nhà nước trong những năm qua.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã thống nhất đề ra Nghị quyết thực hiện 5 Chương trình hành động xuyên suốt nhiệm kỳ trong đó Chương trình hành động số 4 với chủ đề “Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân” nhằm chú trọng vào việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối thoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước.

Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” và Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo nêu trên trong hệ thống Mặt trận.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác đi vào chiều sâu với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống

Quan hệ với 3 tổ chức Mặt trận: Việt Nam - Lào - Campuchia

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hằng năm, ba bên đều tổ chức trao đổi đoàn cấp cao sang thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm công tác và bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Từ năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc cố gắng duy trì các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp, Mặt trận hai nước đã duy trì quan hệ hợp tác thông qua các kênh tiếp xúc đa dạng, như các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2024, 3 tổ chức Mặt trận đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với kết quả thành công tốt đẹp và thông qua Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn mới.

Ngoài ra, hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia được tăng cường thúc đẩy hợp tác như cơ chế tổ chức Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển song phương Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia cũng tiếp tục được 3 bên tổ chức định kỳ luân phiên. Ngoài ra, trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa trong hệ thống Mặt trận toàn quốc, góp phần vào thành công chung trong việc thực hiện các nội dung của Đề án “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và Đề án “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia” năm 2022.

Chương trình Giao lưu hữu nghị giữa Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh/khu tự trị của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ hai  

Quan hệ với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác (MOU) giữa hai tổ chức được ký kết vào năm 2014 và nhất trí kéo dài thời gian về hiệu lực Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác đến khi có MOU mới thay thế. Hằng năm, hai bên tổ chức trao đổi các đoàn cấp cao đi thăm và trao đổi kinh nghiệm công tác.

Tháng 11/2023, hai bên phối hợp tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam) của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ hai tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, qua đó làm sâu sắc thêm nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, nhân dân hai nước và phát triển của khu vực.

Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; Mặt trận của 7 tỉnh biên giới của Việt Nam và Chính hiệp 2 tỉnh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Vân Nam) của Trung Quốc lần thứ hai là dấu mốc quan trọng về giao lưu nhân dân và được hai Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc đánh giá cao nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba Gerardo Hernandez Nordelo chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba giai đoạn 2023-2028 - Ngày 16/5/2023 

Quan hệ với Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, cũng như Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên. Hằng năm, đều tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi chia sẻ thông tin về hoạt động của mỗi bên nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn các cấp trong những năm qua, tiêu biểu là Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sang thăm và dự Đại hội lần thứ X Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba tháng 9/2023; Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba do đồng chí Carlos Rafael Miranda Martinez, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 8/2019, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba do đồng chí Gerardo Hernandez Nordelo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 5/2023 và thống nhất ký Bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2028. Tháng 9/2023, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sang thăm và dự Đại hội X Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba thắm tình đồng chí, bạn bè thủy chung Việt Nam - Cuba.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở rộng quan hệ với các đối tác mới tương đồng: Hiệp hội Nhân dân Singapore; Phòng xã hội Liên bang Nga; Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp; Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc; tích cực tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN.

Với Hiệp hội Nhân dân Singapore: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội Nhân dân Singapore (PA) bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 2013. Hai bên đã ký kết Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giai đoạn từ năm 2014 đến nay, trong đó chú trọng vào nội dung tổ chức trao đổi đoàn sang học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Tháng 2/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Cộng hòa Singapore, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ (MOU) Chương trình trao đổi giai đoạn 2022 - 2024 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với PA và có buổi làm việc với Tổng Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore (PA) Lim Hock Yu.

Trong năm 2023, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đón Đoàn đại hiểu Hiệp hội nhân dân Singapore do ông Jimmy Toh Yong Leng, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 7/2023 nhằm trao đổi về công tác triển khai MOU đã ký.

Với Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp (CESE): Hai bên đã thiết lập quan hệ từ năm 2018, theo đó, hai bên tổ chức trao đổi đoàn hằng năm nhằm học tập kinh nghiệm công tác quản lý xã hội, công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giai đoạn 2018 - 2020 trong chuyến thăm Việt Nam của ngài Patrick Bernasconi, Chủ tịch Hội đồng vào tháng 11/2018 (dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Pháp). Tháng 7/2024, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Pháp tại thủ đô Paris nhằm chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi phương hướng hợp tác trong thời gian tới giữa hai tổ chức.

Với Phòng Xã hội Liên bang Nga và Mặt trận Nhân dân toàn Nga: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Xã hội Liên bang và Mặt trận Nhân dân toàn Nga đã thiết lập quan hệ từ năm 2016, theo đó, luân phiên hằng năm tổ chức trao đổi đoàn, nhằm học tập kinh nghiệm công tác quản lý xã hội. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giai đoạn 2018 - 2023. Trong năm 2020, hai bên cũng lần đầu tiên phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 11/2023, Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sang thăm, làm việc tại Nga và tham dự Hội nghị Đại hội đồng Hiệp hội quốc tế các Hội đồng kinh tế - xã hội và các tổ chức tương đương (AICESIS). Tháng 9/2024, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đón Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga và tổ chức hội đàm, ký bản Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029 giữa hai tổ chức trong giai đoạn tới.

Với Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc (ESLC): Hai bên đã bắt đầu có kết nối và thiết lập quan hệ từ năm 2019. Trong năm 2020, hai bên dự kiến ký Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác, nhưng do diễn biến của dịch Covid-19 nên hai bên đã thống nhất sẽ ký kết vào một thời gian thích hợp khác. Hai bên cũng đã phối hợp để tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 11/2020 và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia Hiệp hội Quốc tế các Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Các tổ chức tương đương (AICESIS) từ năm 2009 với vai trò là quan sát viên. Thực hiện trách nhiệm của thành viên - quan sát viên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham dự các kỳ họp Đại hội đồng AICESIS và có nhiều phát biểu đóng góp thiết thực được Đại hội đồng và nhiều nước thành viên tán thành, đánh giá cao, nhất là chuyên đề về xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG), xã hội số, công nghệ số...

Ngoài ra, nhờ việc tham gia AICESIS, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kết nối, từng bước phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn chú trọng các hoạt động trao đổi kinh nghiệm công tác và trao đổi đoàn với các đối tác truyền thống: Mặt trận Lào xây dựng Đất nước, Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba và Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên; đồng thời triển khai quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân có chức năng tham gia tự quản xã hội, giám sát cơ quan công quyền hoặc thường xuyên tham vấn chính sách cho Chính phủ ở một số nước. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn duy trì quan hệ với các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam; thường xuyên gửi điện chúc mừng nhân những ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm trọng đại của nước bạn.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng ông Hùng Ba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam - Ngày 29/8/2024 

Tham gia công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại

Từ khi trở thành thành viên - quan sát viên của AICESIS năm 2009, thông qua các diễn đàn AICESIS và tại các cuộc họp Đại hội đồng AICESIS, các đoàn đại biểu Việt Nam đã tranh thủ quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, tuyên truyền thành tựu đổi mới và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với nhân dân Việt Nam.

Các tổ chức thành viên như: Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… ngoài việc phát triển mạnh mẽ, đa dạng các hình thức đối ngoại nhân dân, triển khai nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác với các đối tác của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới còn đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi hợp tác, giao lưu với các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, trao đổi đoàn với các địa phương của các nước. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các địa phương có tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận… tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với du khách và bạn bè quốc tế.

Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên các địa phương có chung đường biên giới với các nước bạn Lào, Campuchia và Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hòa bình, bảo vệ và giữ gìn đường biên, mốc giới và hỗ trợ lẫn nhau trong xóa đói, giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Năm 2020, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rất nhiều đại diện các tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài và đại sứ quán các nước đã thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, đến ủng hộ tiền và hiện vật vào Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt tại trụ sở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận các địa phương. Những nguồn lực này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và khắc phục hậu quả do mưa lũ, thiên tai gây ra.

Năm 2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều đại diện các tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài và đại sứ quán các nước đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có gần 6 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 80% là ở các nước phát triển. Cùng với xu thế hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa, thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng hơn. Kiều bào ngày càng có xu hướng trở về nước đầu tư kinh doanh, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lượng kiều hối về Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng tăng và thời gian qua Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia đón dòng kiều hối nhiều nhất thế giới (năm 2016: 11,9 tỷ USD; năm 2017: 13,8 tỷ USD; năm 2018: 15,9 tỷ USD; năm 2019: 16,7 tỷ USD; năm 2020: 15,7 tỷ USD, năm 2021: 18,1 tỷ USD, năm 2022: 19 tỷ USD).

Do vậy, việc tuyên truyền, vận động và tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đoàn kết hàng triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài trong ngôi nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tạo một bước chuyển biến quan trọng, đã kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước những khó khăn, bức xúc của kiều bào như: quốc tịch, đất đai, nhà ở… để có chính sách đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, thực hiện khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng hòa hợp dân tộc, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của hệ thống chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang triển khai đổi mới, đa dạng hóa phương thức tập hợp, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giữ gìn quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Chương trình Xuân Quê hương; tổ chức đón các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quê. Thông qua các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều kết hợp thăm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng kiều bào các nước.

Đồng thời, duy trì liên lạc, nắm thông tin về tình hình kiều bào và tình hình nước sở tại thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và qua các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài. Trong năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biễn hết sức phức tạp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động, tích cực tuyên truyền, gửi thông tin tới các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài về: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; Báo cáo tổng hợp kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và các hoạt động cứu trợ của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Nhờ vậy, số tiền kiều bào gửi về ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua là rất lớn, tạo sự gắn kết đồng bào ở trong và ngoài nước, thể hiện sự hiệu quả trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong năm 2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các Hội đoàn, tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bài học kinh nghiệm qua thực tế triển khai tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, cần tham mưu, phối hợp để thực hiện đúng chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong việc triển khai các công tác đối ngoại nhân dân, từ khâu xây dựng kế hoạch đến việc tiến hành triển khai các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác đối ngoại nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hoạt động đối ngoại nhân dân để tạo sự liên kết, thống nhất, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Ba là, phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phát huy vai trò của cộng đồng, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài và các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối, hỗ trợ công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận.

Bốn là, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác của Mặt trận đã ký kết. Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng hợp tác với đối tác mới và nghiên cứu tham gia các cơ chế đa phương phù hợp trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên ở cấp Trung ương và các địa phương với các tổ chức tương đồng trong khu vực và trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng; tổng kết, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, giao lưu hữu nghị và các mô hình đối ngoại hoạt động có hiệu quả.

Năm là, cần tiếp tục tăng cường vai trò của địa phương, cơ sở trong củng cố tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

TỪ THÀNH HUẾ  -  Thạc sĩ, Trưởng Ban Đối ngoại và Kiều bào,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản