Tin mới

Lắng nghe nguyện vọng các tầng lớp nhân dân

(Mặt trận) -Ngày 19/8, tại Ban Công tác phía Nam, Ban Thường trực Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tới dự và chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Trao đổi tại hội nghị, ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đánh giá, khoảng 5-7 năm qua, việc chống tham nhũng đạt được kết quả quan trọng, nhiều vụ án, nhiều quan tham được đưa ra ánh sáng.

 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh niềm vui về kết quả đó, ông Khoa cho rằng, tham nhũng vẫn còn nhiều, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, xã, các ngành nghề…Điều này vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân. Ông Khoa đặt câu hỏi: Trước đây, không ít lần chúng ta xử lý nghiêm, sao bọn tham nhũng vẫn không sợ?

Một vấn đề nữa được ông Khoa đưa ra tại hội nghị, đó là tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan. Theo ông Khoa, người dân uống ở mọi không gian, thời gian, từ nông thôn đến thành thị; buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều; mọi giới tính và ở hầu hết các lứa tuổi…dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, thể trạng của người Việt nhìn chung là chưa tốt để tiếp nhận lượng nồng độ cao như vậy, và đặc biệt là chất lượng nhiều loại rượu bia đang ở dạng kém, hầu như ít được kiểm soát. Điều này gây ảnh hưởng đến giống nòi, ảnh hưởng đến giao thông, trật tự xã hội…

“Nhằm hạn chế tình trạng này, việc tuyên truyên, xử phạt là chưa đủ mà cần phải tăng thuế. Đồng thời, chỉ cho phép một số cở sở đủ điều kiện mới được bán thức uống có nồng độ cồn như rượu bia”, ông Khoa đề nghị.

 Quang cảnh hội nghị.

Ông Đỗ Long - uỷ viên Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam lại nêu lên một thực trạng khá “nóng” hiện nay, đó là tình trạng tín dụng đen và đòi nợ thuê. Ông cho biết, mỗi ngày ông phải nghe hàng chục cuộc điện thoại từ những người tự xưng là chủ nợ, công an, luật sư…. gọi đến để đòi nợ vì nhân viên công ty của ông vay tiền họ nên ông phải trả nợ thay. Ông Long đề nghị, phải sớm dẹp bỏ để ổn định tình hình xã hội, ổn định cuộc sống cho người dân.

Đề cập đến việc hỗ trợ DN (DN) phục hồi sản xuất, theo ông Long, Chính phủ đã thông qua gói 40 ngàn tỷ hỗ trợ DN, nhưng đến nay đã qua 6 tháng mới có 1% được giải ngân. Con số này chứng tỏ thủ tục vay vốn là cực kỳ khó khăn và từ nay đến cuối năm cũng chưa thấy có dấu hiệu nào được cải thiện.

“Nếu không đưa trực tiếp vốn vay cho DN, cần điều chỉnh vay lãi suất, kéo dài đáo hạn cho DN đã vay. Đây là cách phù hợp để hỗ trợ DN tốt nhất hiện nay”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng) - Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam nêu, hàng năm nhà nước ta phải bỏ ra số tiền rất lớn để con em đi du học. Có một thực tế là hầu hết trong số họ không về phục vụ đất nước hoặc có về rồi họ cũng quay trở lại nước ngoài sinh sống và làm việc. Nguyên nhân chính theo ông Peter Hồng là môi trường làm việc ở trong nước không phù hợp, thu nhập trong nước không thể trang trải cho cuộc sống. Ông Peter Hồng cho rằng, đây là sự lãng phí rất lớn tiền của, chất xám của đất nước nên phải cần phải có đánh giá lại và điều chỉnh phù hợp.

 Các đại biểu đóng góp ý kiện tại hội nghị.

Bên cạnh đó, ông Peter Hồng mong muốn, Nhà nước cần tăng cường các chính sách, hoạt động nhằm giới thiệu các mặt hàng chất lượng cao thâm nhập thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thì, đại diện cơ quan phía Nam Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phản ánh, tình hình sản xuất của người dân hiện nay gặp nhiều khó khăn, họ chịu áp lực quá nhiều, đặc biệt là nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất tăng giá rất mạnh. Nhiều ngành sản xuất cho lãi thấp, thậm chí là thua lỗ. Điển hình là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chỉ tính riêng thức ăn cũng tăng khoảng 18-20% so với cùng kỳ, trong khi giá sản phẩm tặng chậm hoặc không tăng, đó là chưa kể chi phí xăng dầu, nhân công, thuốc men cùng đều tăng... Bên cạnh đó, người dân còn thiệt hại nếu như tiêu thụ chậm, hoặc bán không được…Như vậy, người dân khó lòng bám trụ.

Bàn về một giải pháp, ông Thì đề nghị, cần vận động, tổ chức cho người dân tham hợp tác xã kiểu mới. Lúc đó việc sản xuất ít rủi ro bởi dựa trên nhu cầu thị trường; hợp tác xã có thể đại diện cho người dân mua với số lượng lớn, giá thành rẻ về vật tư sản xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, những ý kiến đóng góp của các vị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, rất sát thực với tình hình thực tế. Trong đó, phải kể đến những vấn đề được người dân, DN quan tâm như: Việc giải ngân cho DN vay vốn còn chậm, giải phóng mặt bằng, quy hoạch treo kéo dài; công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ chế chính sách về tài chính khó đi vào cuộc sống, gây hiệu quả thấp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng thông tin, hiện Chính phủ đang nỗ lực giải quyết một số vướng mắc các bức xúc, nguyên vọng nêu trên.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn tiếp tục được lắng nghe, góp ý kiến của các vị, của nhân dân, đặc biệt là những nội dung, ý kiến mang tính phản biện. Ngoài ra, ông cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu sớm giải quyết các nguyện vọng của nhân dân.

QUỐC ĐỊNH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản