Tin mới

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018

(Mặt trận) - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018. Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Dũng, Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Cụ ông 94 tuổi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” số tiền tiết kiệm từ nguồn trợ cấp người cao tuổi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và Nhà nước

Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 10, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

 Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, để tiếp tục hoàn thiện và có cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đồng thời hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung nêu trên được sâu sắc, chất lượng, hiệu quả, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – cơ quan Thường trực Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội nghị cùng tập trung thảo luận, trao đổi để hội nghị góp ý đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cần biên soạn một bộ SGK chung cho tất cả các môn học

Tại Hội nghị ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với SGK giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị 

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, Đảng và Nhà nước đã đề ra một chủ trương rất đúng là xã hội hóa giáo dục và y tế. Thực tế cho thấy, đây là 2 lĩnh vực thể hiện sự tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, người dân được thụ hưởng những thành quả đạt được. Tuy nhiên, vừa qua, tình trạng phụ huynh phải thức trắng đêm để xếp hàng, lấy phiếu cho con vào các trường công lập, theo ông là rất đáng báo động.

“Phụ huynh phải xếp hàng từ 2-3 giờ sáng, rất khổ. Hay như đến bệnh viện cũng thấy tình trạng bệnh nhân nằm la liệt, không có chỗ nằm cẩn thận”, ông Đường lấy dẫn chứng và cho rằng, nhận thức về xã hội hóa cần tiếp tục được làm rõ hơn nữa bởi càng xã hội hóa thì Nhà nước càng phải đầu tư nhiều hơn cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế chứ không phải xã hội hóa để Nhà nước rút khỏi hai lĩnh vực này hoặc giảm bớt đầu tư đi. Do đó, càng đẩy mạnh xã hội hóa thì Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn để người dân được hưởng thụ thành quả đó.

Về chương trình giáo dục phổ thông, ông Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, việc tập trung chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực của mình. Từ chỗ chỉ chú trọng về kiến thức phải chuyển sang nâng cao phẩm chất, năng lực người học để đảm bảo hài hòa giữa dạy và định hướng nghề nghiệp. Một vấn đề ông Đường rất băn khoăn là về đội ngũ giáo viên.

“Tôi lấy rất làm lạ là tại sao đến 30-40 năm nay, số trường học mọc ra như nấm, số cử nhân nhiều vô kể thế mà vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên này vì lý do gì, vì thiếu trường, chế độ đãi ngộ quá thấp hay thiếu gì? Bây giờ làm thế nào để xây dựng đội ngũ giáo viên không những đủ mà còn có chất lượng tốt. Nếu không có đội ngũ giáo viên giỏi, có chất lượng thì những mục đích đặt ra cho sách giáo khoa cũng rất khó làm”, ông Đường nói.

Từ những ý kiến trên, ông Đường đề nghị, phải làm thế nào chấm dứt cho được tình trạng thiếu giáo viên. Tại nhiều địa phương hiện đang thiếu giáo viên, phải chú ý đến giáo viên cấp thấp như mầm non, tiểu học.

 Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ ra bất cập khi xã hội hóa không đến nơi đến chốn, khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa. Từ đó hậu quả là xảy ra một số vụ án liên quan sách giáo khoa vừa được phanh phui, trong đó có sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh doanh.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị 

Còn GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chia sẻ băn khoăn khi chương trình giáo dục phổ thông của ta "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế, bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.

Vấn đề thứ hai, GS Nguyễn Lân Dũng góp ý, đó là "việc dạy - học ngoại ngữ hình như không thành công", vì có những trường hợp học 12 năm không nói được. "Sai lầm của học ngoại ngữ là học để thi, học quá nhiều và quá nặng nề. Tôi là người biết 4 ngoại ngữ nhưng nếu thi IELTS có khi vẫn trượt vì học những từ chẳng bao giờ dùng đến", ông Dũng nói và chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ nên học tối thiểu 1.500 từ và học đến đâu dùng đến đấy.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị cần biên soạn một bộ SGK chung cho tất cả các môn học. Về phía Bộ GDĐT cần có công văn gửi đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các Hội khoa học biên soạn các sách tham khảo đúng chương trình phổ thông nhưng phong phú về nội dung để hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên trong nâng cao chất lượng giáo dục.

“Việc bồi dưỡng giáo viên trong 1-2 tháng hè không có tác dụng. Sách đúng chương trình phổ thông, phong phú là cách hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên. Các Hội khoa học có nhiều giáo sư giỏi, không có lý do gì không giúp Bộ GDĐT xây dựng các bộ SGK đúng chương trình, phong phú để nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên”, GS Lân Dũng nêu ý kiến.

 PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa SGK là việc làm đúng đắn, nhưng xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường. Hiện nay cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn SGK, không nên chỉ vì khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức dạy học mà không chú ý tới những người trực tiếp sử dụng sách. Những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo SGK cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

"Xã hội hóa SGK không có nghĩa là Nhà nước rút bớt trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mà cần phải quan tâm đầu tư hơn" - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ kiến nghị.

 Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất cần xem lại vai trò của Nhà nước trong xã hội hóa sách giáo khoa (SGK), trong đó phải đảm bảo việc định hướng tuyên truyền cho cán bộ cũng như người dân nhận thức rõ về bản chất của xã hội hóa SGK, bảo đảm thông suốt từ nhận thức đến hành động.

Theo bà Doan, hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình SGK, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học về việc đổi mới SGK, dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

“Về vấn đề chọn sách giáo khoa để giảng dạy, hiện nay đang quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và trao quyền cho tỉnh chọn bộ sách giáo khoa. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh của người dân”, bà Doan nêu thực tế và cho rằng, quy định như vậy dễ phát sinh khâu yếu trong quản lý, chỉ đạo chọn bộ SGK. Do vậy, cần có sự kiểm soát, giới hạn số lượng sách tham khảo cụ thể và cần thiết trong từng môn học để tránh tình trạng quá tải, đảm bảo chất lượng học tập tốt nhất cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Doan kiến nghị Bộ GDĐT cần có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời cần nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, chống bệnh thành tích trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn những chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông 2018, bày tỏ quan điểm tiếp thu tối đa các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ với chức năng của Bộ, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong triển khai các hoạt động sắp tới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tiếp thu đầy đủ, toàn diện với tinh thần cầu thị các ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm hoàn thiện văn bản gửi tới Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phục vụ cho công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội; đồng thời mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục dành thời gian quan tâm, nghiên cứu, đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản