Chỉ 53/94 ứng viên đủ điều kiện công nhận chức danh GS, PGS sau đợt rà soát chất lượng GS, PGS năm 2017 do Thanh tra Bộ GDĐT chủ trì. Như vậy, có đến 41 ứng viên đã không đủ điều kiện theo tiêu chuẩn hoặc tự nguyện xin rút.
Trao danh hiệu giáo sư năm 2016. Ảnh: A.C
Trong quá trình rà soát hồ sơ, lỗi chủ yếu là thiếu chứng cứ về giờ giảng.
Quy trình lỏng lẻo?
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Bộ GDĐT, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thanh tra Bộ GDĐT đã làm việc độc lập, khách quan, tiến hành rà soát, kiểm tra từng trường hợp một. Kết quả chỉ có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó có một số ứng viên tự xin rút hồ sơ.
GS-TS Bùi Văn Ga - Phó Chủ tịch HĐCDGSNN thông tin: Những ứng viên không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận GS, PGS trong đợt rà soát này đa số là thiếu minh chứng giờ giảng.
Theo quy định, khi ứng viên tham gia giảng dạy là có hợp đồng và thanh lý giảng dạy. Tuy nhiên, để công nhận minh chứng trên, ứng viên phải có số lượng giờ dạy, thông tin lớp học, kế hoạch giảng dạy, ký xác nhận, hóa đơn... nhưng các ứng viên không chú ý đến chi tiết này và các trường không lưu giữ nên nhiều ứng viên không có chứng cứ cung cấp tới đoàn kiểm tra.
Được biết, nhiều quan chức không có tên trong danh sách đủ điều kiện như ứng viên GS là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và nhiều quan chức khác như cục trưởng, giám đốc, hiệu trưởng… Nhiều hội đồng có ứng viên không đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS sau khi rà soát là sinh học, quân sự, an ninh, y tế, hóa học, kinh tế, văn học…
Nói về việc “lộ” ứng viên không đạt chuẩn sau thanh tra, GS-TSKH Đặng Ứng Vận - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư (HĐCDGS) liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm cho biết: “Lần rà soát này do Thanh tra Bộ GDĐT thực hiện, còn Hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành không tham gia. Việc để xảy ra những thiếu sót là do HĐCDGS ngành, liên ngành không đủ điều kiện để xét chi tiết từng hồ sơ của các ứng viên như Thanh tra Bộ GDĐT. Thanh tra Bộ đã về trường để kiểm tra từng hồ sơ mới phát hiện ra những thiếu sót.
Trong khi đó, HĐCDGS ngành, liên ngành chỉ xét hồ sơ của các ứng viên do hội đồng cơ sở gửi lên, không đủ điều kiện để tìm hiểu sâu”. Sự việc này tiếp tục lộ ra quy trình lỏng lẻo trong công nhận chức danh GS, PGS đang được áp dụng.
Cần xử lý thật nghiêm
GS-TSKH Phạm Tất Dong nhận định, HĐCDGSNN đã có động tác cầu thị, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm tới phản ứng của dư luận xã hội. Nếu như kết quả rà soát cho thấy ở HĐCDGS ngành, liên ngành nào có quá nhiều người không đạt tiêu chuẩn thì cần xem trách nhiệm của HĐCDGS ngành, liên ngành đó và cần tìm hiểu lý do tại sao lại để “lọt” nhiều hồ sơ đến vậy.
“Chức danh GS, PGS để dành cho những người cống hiến cho khoa học, không dành cho những kẻ gian dối” - ông Dong chia sẻ.
GS-TS Bùi Văn Ga cho biết, sau đợt rà soát này, HĐCDGSNN sẽ rút kinh nghiệm và hướng dẫn thông tin cụ thể hơn cho các HĐCDGS ngành, liên ngành và cho các ứng viên xét trong đợt công nhận tới để tránh thiệt thòi cho các ứng viên về hồ sơ.
Liên quan tới hồ sơ công nhận chức danh GS của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, GS-TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch HĐCDGS ngành Y - cho biết, hội đồng này có 23 hồ sơ được gác lại trên tổng số 94 hồ sơ phải rà soát tiếp của tất cả các ngành. Sau khi Thanh tra Bộ GDĐT làm việc với các cơ sở đào tạo để xác minh lại các loại hồ sơ chứng từ, đã khẳng định có 10 hồ sơ của ngành Y “không chuẩn xác”, trong đó, có hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. “Thanh tra có nói là họ không xác minh vấn đề chuyên môn. Việc đó do hội đồng ngành và hội đồng Nhà nước làm việc. Họ chỉ xem xét vấn đề thủ tục hồ sơ, tính xác thực của hồ sơ và phát hiện 10 hồ sơ chưa chuẩn. Thanh tra Bộ GDĐT đã báo cáo 10 hồ sơ đó với Chủ tịch HĐCDGSNN quyết định. Chủ tịch HĐCDGS ngành Y cho biết, trong số 10 hồ sơ của ngành Y chưa được Thanh tra Bộ thông qua, chỉ có 2 trường hợp ứng viên chức danh PGS xin rút. H.N
|
Theo Huyên Nguyễn/Báo Lao động