Khi mà vụ cô giáo phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng còn đang gây xôn xao, thì lại xảy ra một vụ việc khác khiến dư luận nhìn về môi trường học đường như là nơi đang ẩn họa loại giáo dục lệch lạc, giáo dục hiểm họa.
Trường THCS và THPT Trần Đề (Ảnh: Việt Tường/Zing.vn).
Ngày 3.4 vừa qua, 42 học sinh lớp 6A3 Trường THCS và THPT Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã bị thầy hiệu trưởng phạt đứng ngoài hành lang suốt hơn 2 giờ đồng hồ vì gây ồn ào, khiến một số em bị mệt phải đưa vào phòng y tế của trường để chăm sóc.
Hiệu trưởng Trần Quốc Thống đã nhận sai và xin rút kinh nghiệm vì “phương pháp giáo dục không phù hợp”.
Cô giáo Hương còn trẻ, mới đi dạy chưa lâu, phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Trong rất nhiều yếu tố tổng hợp lại thành nguyên nhân khiến cô hành xử sai trái đến mức này, cũng có phần vì sự ấu trĩ, ngộ nhận về phương pháp giáo dục, về cách dạy trẻ bằng hình phạt. Song, thầy hiệu trưởng Trần Quốc Thống thì chắc chắn nhiều tuổi đời và tuổi nghề cùng kinh nghiệm hơn cô giáo Hương, nhưng vẫn mắc phải loại lỗi lầm, sai sót này.
Mẫu số chung của phương pháp giáo dục sai lầm, lệch lạc trên chính là ở tư duy. Không ít thầy cô giáo, vẫn mang lối nghĩ và dạy học trò của hàng chục năm về trước – thời mà không ít giáo viên mặc sức đánh đòn đau hay dùng hình phạt nặng nề, oái oăm với học sinh nhưng không hề bị dư luận lên tiếng phê phán. Thứ tư duy giáo dục ấy vẫn cứ đứng im tại chỗ trong bối cảnh nền văn minh xã hội đi lên và ngành giáo dục cũng phải phát triển, quyền trẻ em nói chung và quyền con người nói riêng đã được cải thiện và đề cao, thì mặc nhiên những thầy, cô giáo vẫn khư khư với lối nghĩ và lối dạy cũ trở thành đối tượng bị phê phán và trừng phạt.
Lối nghĩ và lối dạy ấy xuất phát từ cá nhân mỗi giáo viên nhưng nó lại nảy sinh và tồn tại trong nhà trường từ hàng chục năm trước đến tận bây giờ, mà rất ít có sự cải tiến theo hướng văn minh hóa môi trường giáo dục từ cách dạy và học, cách hành xử và đối xử.v.v… Chính trong những môi trường giáo dục kém văn minh như vậy mà một học sinh nói lên sự thật với lòng trung thực mong muốn cải thiện việc dạy và học tốt hơn, cô trò được gắn bó yêu thương nhau hơn…, lại bị nhìn như một thứ “dị giáo” và hứng chịu sự đả kích từ không ít người trong môi trường học đường ấy.
Những giáo viên ấy là nạn nhân của lối tư duy của chính họ, nhưng họ cũng là sản phẩm của một nền giáo dục kém sáng tạo và đổi mới về cách dạy và học, cách hành xử và ứng xử, cách tôn trọng và trân trọng giữa phụ huynh, học sinh đối với thầy cô và ngược lại…
Theo Thẩm Hồng Thụy/Báo Lao động