Tin mới

Biểu dương và nhân rộng các mô hình khám, chữa bệnh tiêu biểu

(Mặt trận) - Ngày 19/1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, các bác sỹ, y sỹ, lương y, tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, từ đó góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, các tổ chức thành viên; hơn 200 các cụ, các vị chức sắc đại diện cho các tổ chức tôn giáo và đại diện 52 tỉnh, thành phố có các mô hình chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần trên cả nước.

Trên 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo

Báo cáo tình hình các tôn giáo tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần,... Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, trong những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng...

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có có trên 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, trong đó bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.

Trong năm 2018, ước tính đã có trên 700 nghìn lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, trong đó, số người được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa là trên 600 nghìn lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền là trên 1 triệu lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại bệnh xá là trên 15 nghìn lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khác là trên 123.000 lượt người.

Một số mô hình hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… tiêu biểu như: Phòng khám Đa khoa Từ thiện chùa Hà Tiên, tại chùa Hà Tiên - xã Định Trung - thành phố Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc, với việc khám và cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 lượt người (từ năm 2015-2017); Phòng khám Đa khoa Nhân đạo Kinh 7 của Công giáo, tại xã Thạnh Đông A - huyện Tân hiệp - tỉnh Kiên Giang hàng ngày chữa trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, phòng khám không phân biệt lương giáo, dân tộc, giai cấp, nuôi ăn ở bệnh nhân và nuôi gần 500 người mỗi ngày…; Phòng khám Đông y Chẩn trị Y học Cổ truyền của Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã khám, chữa bệnh cho trên 26.000 lượt bệnh nhân, với trên 96.000 thang thuốc nam; châm cứu cho trên 24.000 lượt bệnh nhân…; Phòng khám Từ thiện Kim Long của Công giáo tại phường Kim Long, TP. Huế đã khám chữa bệnh cho trên 15.000 lượt bệnh nhân với các dịch vụ y tế như khám và cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ các xét nghiệm cơ bản, siêu âm, đo điện tim... cho tất cả các đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn…

Để mô hình các phòng khám hoạt động hiệu quả, Sở Y tế và các cơ quan chính quyền ở các địa phương đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh, hỗ trợ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo. Nhìn chung các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về đăng ký hoạt động, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh...

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, MTTQ, đoàn thể các cấp cũng đã triển khai tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động từ thiện nhân đạo, các hoạt động xã hội hóa y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người bị tàn tật, bệnh nhân phong, HIV/AIDS, vận động hiến tặng mô, tạng… tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động đúng quy định pháp luật.

Đồng cảm, sẻ chia với những cảnh đời bất hạnh

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã chia sẻ về những mô hình, kinh nghiệm hay trong triển khai khám, chữa bệnh của các tôn giáo.

Theo Ni sư Thích Nữ Từ Tâm - đại diện Phòng Chẩn trị Y học Đông y chùa Phước An, thành phố Cần Thơ, thời gian qua, Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền chùa Phước An đã phục vụ cho hàng vạn bệnh nhân khắp các tỉnh, thành trong cả nước, mỗi năm có từ bảy đến tám chục ngàn lượt bệnh nhân, cấp từ 700 - 800 ngàn thang thuốc trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng (miễn phí hoàn toàn).

“Niềm vui an lạc của người tu sĩ không chỉ đơn thuần tu để giải thoát là con đường cứu cánh, mà hiện thực chân lý đó là: đồng cảm, sẻ chia những cảnh đời bất hạnh, không phân biệt giới tính, tuổi đời, màu da, chủng tộc, thành phần trong xã hội, mà phải luôn đặt mình trong hoàn cảnh để thấu hiểu mọi hoàn cảnh, trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, như lời Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quí báu"...”, Ni sư Thích Nữ Từ Tâm bày tỏ.

Ông Lê Thành Tâm, Phòng khám Đông y của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, với phương châm, tôn chỉ hành đạo là “Phước huệ - Song tu, lấy Pháp môn niệm Phật làm căn bản, dùng y đạo làm phương tiện phát triển Hội”, tôn chỉ, mục đích hành đạo này đã gắn liền việc chăm sóc sức khỏe cho tín đồ tôn giáo và cộng đồng dân cư, hiện nay Tỉnh hội có 10 chi hội, mỗi chi hội đều có tổ chức xây dựng phòng khám, chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền Phước thiện; với 11 cơ sở phòng khám bệnh nằm rải rác ở khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, số lượt người khám, chữa bệnh trong năm 2018 đạt 26.748 lượt bệnh nhân; cấp 96.856 thang thuốc nam và châm cứu cho 24.578 lượt bệnh nhân.

“Các cơ sở khám, chữa bện của Tỉnh hội đã tạo niềm tin cho bệnh nhân, từ việc khám bệnh chữa bệnh, trên tinh thần thiện nguyện lấy y đức của người thầy thuốc làm căn bản, các lương y đóng góp công sức phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, trên tinh thần tự giác, tự nguyện của nhà Phật”, ông Lê Thành Tâm chia sẻ.

Đề cập đến vai trò của MTTQ trong việc quan tâm, phối hợp với Sở Y tế, giúp đỡ các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện của các tổ chức tôn giáo, ông Dương Đình Luân, Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Mặt trận tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều chức sắc, nam nữ tu sỹ và tín đồ tôn giáo tham gia dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”. Đồng thời cũng tạo điều kiện để các vị chức sắc, các vị tu sỹ tham gia các lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Lan…

Những kiến thức tiếp thu đã được các chức sắc các tôn giáo tích cực lồng ghép truyền thông rộng rãi trong tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế...; các dòng tu, nhà thờ, chùa, niệm phật đường đã gắn các chương trình ngoại khóa cũng như những khóa tu tập, để chuyển tải kiến thức phòng chống HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng và sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS tại tỉnh nhà.

Để các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động hiệu quả, ông Dương Đình Luân cho rằng, các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện tôn giáo cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về hoạt động khám chữa bệnh; các cơ sở có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để cấp phép hoạt động cần đẩy mạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và chủ động liên hệ các cơ quan chức năng làm các thủ tục xin cấp phép.

Tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện hoạt động

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật của Nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo và vận động hiến tặng mô, tạng; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.

“Qua triển khai thực hiện, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, công tác khám, chữa bệnh từ thiện của các tôn giáo mỗi khi được triển khai đều được Mặt trận các cấp phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn và tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp thuốc từ thiện tại các địa phương đúng quy định và đem lại hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực để phát triển các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, vận động hiến tặng mô tạng.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế                                                          

Trân trọng những đóng góp của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trong công tác chăm sức sức khoẻ cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, hoạt động vận động hiến tặng mô, tạng của các tôn giáo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, nhất là việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 25/2003/NQ-TW, Nghị quyết số 15/2012/NQ-TW; các nghị định của Chính phủ như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo… đã đặt cơ sở cho các tổ chức tôn giáo tham gia sâu rộng vào hoạt động khám, chữa bệnh.

Biểu dương và đánh giá cao trách nhiệm, vai trò và thành quả của các cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của các tôn giáo đối với những người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần..., Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, những hoạt động này đã góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế chăm lo khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt an sinh xã hội, qua đó thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hoạt động vận động hiến mô, tạng... Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Mặt trận các cấp cần tiếp tục tích cực phối hợp với ngành y tế, các tổ chức thành viên, các ban, ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh và tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ các cơ sở để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, trong đó chú trọng đến người yếu thế trong xã hội để họ có điều kiện được khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế phù hợp và kịp thời.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật quy định việc các tổ chức tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh theo hướng cụ thể hóa, thống nhất các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân; đồng thời phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động khám, chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo.

Hiện nay tại một số địa phương, cơ sở y tế của tôn giáo vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các tổ chức tôn giáo quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở khám, chữa bệnh vượt qua khó khăn, phát triển theo đúng mục tiêu, tôn chỉ. Bên cạnh đó cần thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó đóng góp ngày càng nhiều và hiệu quả hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Sau Hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam và ngành y tế các cấp cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tiếp tục phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, các bác sỹ, y sỹ, lương y, tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là những người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước ta”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi đến các vị đại biểu, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo lời chúc mạnh khoẻ, an khang, hạnh phúc và mong muốn các tôn giáo cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội để đảm bảo Tết đến với mọi người, đến với mọi nhà trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen cho 20 tập thể có thành tích trong lĩnh vực tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần...

Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen cho 15 cá nhân có thành tích trong lĩnh vực tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản