Tin mới

Bộ Chính trị cho ý kiến về Nghị quyết phát triển thành phố Hải Phòng và Đề án thành lập thành phố Huế

(Mặt trận) - Ngày 13/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về: Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 -NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: dangcongsan.vn 

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương báo cáo, ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản thống nhất về những chủ trương, quan điểm, định hướng quan trọng.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45 -NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố Hải Phòng theo mục tiêu được đề ra là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội mang tính đột phá phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố Hải Phòng, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy; thu nhập cán bộ, công chức, viên chức; thành lập khu thương mại tự do…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; hiện đại hóa đô thị với đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển; phát triển văn hóa đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế; phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế hiện đại hàng đầu của vùng và cả nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả…

Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Hải Phòng tiếp thu, hoàn thiện Đề án; Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận của Bộ Chính trị; Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng phát huy truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", phẩm chất "Đoàn kết - Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo", tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng xứng tầm với mong muốn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và nhân dân cả nước.

Tiếp đó, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo, ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và cơ bản thống nhất với Đề án, nhất trí trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ mười cho ý kiến về chủ trương theo quy định về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở tỉnh Thừa Thiên -Huế có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế trong thời kỳ mới; góp phần hiện thực hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương; nâng cao chất lượng đời sống của người dân, bảo đảm chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng lộ trình về sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý tài sản công tiết kiệm theo quy định, không để thất thoát, lãng phí… Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng sinh thái, thân thiện môi trường và thông minh; triển khai thực hiện có hiệu quả, xây dựng thành phố Huế là trung tâm của khu vực miền Trung, là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, xứng tầm với mong muốn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và nhân dân cả nước.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản