(Mặt trận) - Nhằm bảo đảm thực hiện phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh COVID-19, phục vụ an toàn cho công tác bầu cử; chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch bệnh trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử; đồng thời, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động bầu cử được diễn ra thuận lợi, thông suốt, an toàn, tiết kiệm và đúng luật, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Văn bản số 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người trước và người sau
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát và kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Bí thư, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương; tổ chức cuộc bầu cử phù hợp, vừa bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Để phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả và công tác bầu cử diễn ra an toàn, đúng các quy định của pháp luật, những người tham gia công tác bầu cử (gồm cử tri và những người có liên quan, thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử) cần khai báo y tế trực tiếp hoặc khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone, Ncovi... nếu dùng thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức có hỗ trợ các ứng dụng này.
Người tham gia công tác bầu cử thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không khạc nhổ bừa bãi, phải che miệng mỗi khi ho và hắt hơi, bỏ rác thải đúng nơi quy định; xếp hàng để vào bầu cử, giữ khoảng cách giữa người trước và người sau tối thiểu là 2 mét, di chuyển theo hướng một chiều; thực hiện theo hướng dẫn của ban tổ chức về tiến trình bầu cử và đảm bảo y tế cho công tác bầu cử.
Trường hợp thành viên Tổ bầu cử có tiếp xúc gần với người được xác định mắc COVID-19 (F1, F2) phải cách ly thì địa phương chủ động bổ sung, thay thế và tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với thành viên mới được bổ sung.
Tại văn bản này, Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn trình tự thực hiện bầu cử tại khu vực bỏ phiếu cố định; cho người đang thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung, nơi thực hiện giãn cách xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa; tại bệnh viện, cơ sở y tế. Qua đó, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng phương án, kịch bản bỏ phiếu bầu cử linh hoạt, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương.
Không tập trung đông cử tri vào cùng một thời điểm
Căn cứ vào số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu, thời gian bầu cử theo quy định và diễn biến của tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương và từng khu vực bỏ phiếu, UBND cấp xã xây dựng lịch trình tiến độ bầu cử và phân chia, bố trí thời gian bỏ phiếu phù hợp theo từng thôn, tổ dân phố, bảo đảm không tập trung cử tri quá đông vào cùng một thời điểm bầu cử; đồng thời, không để xảy ra phân tán lực lượng phục vụ bầu cử, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử.
Từ tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp xã và Tổ bầu cử xây dựng kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri theo các thôn, tổ dân phố theo từng đợt đi bầu cử; thời gian trung bình mỗi đợt cách nhau từ 1 - 2 giờ, bảo đảm không tập trung quá đông tại phòng bỏ phiếu. Trong ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thông báo kế hoạch phân chia thời gian bỏ phiếu để cử tri biết.
Bộ Nội vụ lưu ý, trường hợp cử tri không có điều kiện tham gia bỏ phiếu theo đợt thì phải hướng dẫn và tạo điều kiện để cử tri tham gia bỏ phiếu trong ngày bầu cử theo quy định. Trường hợp số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định thì Tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước 19 giờ ngày 23.5.2021.
Thống kê, phân loại cử tri để sử dụng hòm phiếu phụ phù hợp
Đối với các xã, phường, thị trấn có các tình huống bầu cử mà phải mang hòm phiếu phụ, trước ngày bầu cử chậm nhất 24 giờ (chậm nhất ngày 22.5.2021), UBND cấp xã phải hoàn thành xong việc khảo sát, thống kê đầy đủ số lượng, phân loại danh sách cử tri và xác định địa điểm của cử tri theo từng nhóm. Trong đó, có nhóm cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu; cử tri đang là người bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri đang là người bị tạm giữ tại nhà tạm giữ và nhóm cử tri đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện, khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
Các xã, phường, thị trấn căn cứ vào kết quả khảo sát, thống kê, tiến hành xây dựng lịch trình tiến độ bầu cử, phân chia, bố trí thời gian bỏ phiếu và sử dụng hòm phiếu phụ phù hợp theo từng thôn, tổ dân phố, địa chỉ cách ly tại nhà, khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện, khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội.
Về lịch trình, tiến độ bầu cử, buổi sáng trong ngày bầu cử 23.5.2021, ưu tiên tập trung hướng dẫn, thông báo và tổ chức tốt công tác chuẩn bị để cử tri tham gia bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu. Buổi chiều trong ngày bầu cử, các Tổ bầu cử có kế hoạch phân công, bố trí hợp lý lực lượng và có lịch cụ thể để tiến hành tổ chức bỏ phiếu trong các trường hợp phải phân nhóm bầu cử nêu trên. Việc bố trí lực lượng trong tình huống sử dụng hòm phiếu phụ cần linh hoạt để vừa tập trung cho công tác bầu cử tại điểm bỏ phiếu chính, vừa bảo đảm tại địa điểm sử dụng hòm phiếu phụ. Chú ý bố trí lực lượng tham gia hợp lý để không tạo ra sự phân tán lực lượng phục vụ bầu cử.
PV