Tin mới

Bộ trưởng Bộ Y tế: Chúng ta đặt trong tình trạng báo động rất cao, các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch

(Mặt trận) - GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao, do đó đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

 Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, diễn biến dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước.

 “Có thể xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được. Do vậy, chúng ta phải đặt trong trạng thái không chủ quan, không lơ là, mất cảnh giác. Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương, các đơn vị phải siết chặt vấn đề này. Như Thủ tướng nói “một người lơ là làm cả xã hội vất vả”. Chỉ một khâu lơ là trong cách ly, một người lơ là trong kiểm soát cách ly hay bàn giao cách ly sẽ gây nguy hại lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực và chủ động xét nghiệm để phát hiện ca bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh xét nghiệm là phương pháp duy nhất phát hiện ca bệnh. Trong tất cả các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế đều đề nghị các địa phương nâng cao năng lực và chủ động trong xét nghiệm. Đồng thời phải đảm bảo cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng. Các tỉnh có thể sử dụng nhiều phương pháp xét nghiệm, ngoài xét nghiệm RT-PCR.

Về sinh phẩm xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 8 loại sinh phẩm trong nước sản xuất và 26 loại khác… để đảm bảo đủ cho xét nghiệm.

Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn phương thức giám sát mới, để tăng tính chủ động cho các địa phương, cho phép sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, với các đối tượng sàng lọc mở rộng, những đối tượng có nguy cơ cao, những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời tầm soát thường xuyên đối với các nguy cơ cao”.

 Để phòng, chống dịch hiệu quả trong các bệnh viện, các bệnh viện phải chủ động tầm soát tất cả các đối tượng có nguy cơ như nhân viên y tế, nhưng khu vực có nguy cơ như Phòng Cấp cứu, Khu chạy thận nhân tạo… Với những nhân viên ở phòng khám và khu vực này trong các bệnh viện phải được xét nghiệm định kỳ.

Nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện tuyến trung ương cao hơn rất nhiều với các địa phương

Tư lệnh ngành y cho rằng, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương cao hơn rất nhiều so với các địa phương, bởi đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh thành đổ về.

“Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.W cơ sơ 2, Bệnh viện Bạch Mai… đều là tuyến cuối, do đó, nguy cơ xâm nhập dịch vào các bệnh viện này cao hơn rất nhiều. Bộ Y tế đã có công điện về hạn chế người đến khám và người dân cần được truyền thông để khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. Bộ đã áp dụng hệ thống Telehealth để hội chẩn liên tuyến, đảm bảo chất lượng khám bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu vấn đề để người nhà lưu lại các bệnh viện thăm nuôi bệnh nhân. Nhất là những người vào thăm bệnh nhân là yếu tố nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh. Các bệnh viện luôn phải chủ động bảo vệ các khu vực trọng yếu, như phòng khám, phòng cấp cứu…, bên cạnh đó còn là việc cách ly giữa các khoa với khoa trong bệnh viện.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ ràng khi nào cách ly khoa, khi nào cách ly bệnh viện. Bộ Y tế đã cho phép các trường hợp bệnh nhân có bệnh mạn tính được cấp thuốc 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp chuyên môn không mới và được đúc kết từ các đợt chống dịch trước.

“Các cơ sở y tế của Bộ sẽ do Bộ chịu trách nhiệm và các địa phương phải chịu trách nhiệm với các bệnh viện trong vấn đề này. Với các cơ sở y tế tư nhân dưới sự quản ý của Sở Y tế, nếu không thực hiện nghiêm theo quy định, yêu cầu ngay lập tức dừng hoạt động. Các Sở Y tế phải kiểm tra trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở y tế tư nhân để rà soát cơ sở nào không thực hiện phòng, chống dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế mới cho phép nhận người cách ly

Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt tinh thần là phải có chỉ đạo, giám sát. Những cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế thì mới cho phép nhận người cách ly, không đủ điều kiện là cho dừng, "không được nhân nhượng, xuề xoà, dễ dãi".

Thời gian qua, chúng ta thực hiện đưa công dân về nước, với hơn 100.000 người, có những chuyến bay có tận 10 người dương tính, điều này có gây khó khăn cho địa phương, nhưng không thể vì thế mà biện luận cho việc quản lý cách ly, bàn giao cách ly…

Về việc chuẩn bị cho các kịch bản trong phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát lại hết các cơ sở y tế trên toàn quốc để chuẩn bị cho các tình huống.

 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản