Tin mới

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm rõ nhiều nội dung chất vấn về công tác cán bộ

(Mặt trận) - Chiều 4/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, các đại biểu Quốc hội tập trung vào nhóm vấn đề về đánh giá, xếp loại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Ngay sau khi Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, chiều ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là "tư lệnh ngành" thứ ba trả lời chất vấn về: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…), việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học; Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Đánh giá, xếp loại cán bộ có chuyển biến tích cực

Đại biểu Quốc hội  Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) nêu thực tế, việc đánh giá, xếp loại cán bộ vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. Trong khi đó, đây luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Do đó, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết những giải pháp đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ảnh thực chất trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức và viên chức. Thực chất, kết quả đánh giá trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn. Năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ có khoảng 22% - trước đó là khoảng 30%; số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021 là 1,72% trong khi những năm trước đó là từ 0,56% - 0,64%.

Tuy nhiên, "nhìn một cách tổng thể thì việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận và chỉ rõ, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn thì trước hết, phải tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá, xếp loại cán bộ bảo đảm đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng và theo hướng xuyên suốt, đa chiều, có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể.

Hai là, tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, từ đó làm cơ sở để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm thì mới bảo đảm được yêu cầu tốt hơn.

Ba là, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương cũng phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, quy định chung của Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị trong việc xắp xếp, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác. Có như vậy mới làm cơ sở, là động lực cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bốn là, trong bối cảnh hiện nay cũng cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Sẽ xây dựng đề án căn cơ về phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng pháp luật

Liên quan đến chất lượng đội ngũ công chức trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho biết, trong báo cáo số 330 của Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu, năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế. Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế.

"Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, những năm vừa qua, trong hệ thống đào tạo đã rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật. Nhưng thực tế, lực lượng này làm việc trong khu vực công không nhiều, nhất là những năm gần đây do thị trường lao động lĩnh vực này phát triển khá đa dạng, phong phú nên việc thu hút lực lượng lao động trong lĩnh này thì cũng có khó khăn hơn.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng một đề án thật căn cơ, cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực trong lĩnh vực tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Sẽ làm nhanh nhất có thể việc sửa đổi Nghị định số 34

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn vừa qua đã giảm số lượng lớn các thôn, xóm. Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên trong khi số lượng cán bộ lại giảm đã làm tăng khối lượng công việc, cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn. Điều đáng nói là, chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách vẫn thực hiện như trước khi sáp nhập. Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34/2019/NĐ – CP của Chính phủ đã quy định cụ thể mức khoán quỹ cho từng xã, thôn.

Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định nêu trên, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn 

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị, nếu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 34 thì Bộ Nội vụ có lấy ý kiến từ cấp cơ sở, tại thôn, xã hay không? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ chừng nào thì Nghị định mới ra đời để cán bộ yên tâm công tác?

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số lượng và phụ cấp với cán bộ không chuyên trách xã, thôn cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. “Hàng năm, nhất là trong năm 2021, Bộ Nội vụ trung bình nhận được khoảng 100 kiến nghị của cử tri, do các ĐBQH, Đoàn ĐBQH chuyển đến. Nhóm vấn đề lớn nhất cử tri kiến nghị cũng xoay quanh đến cán bộ, công chức, và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, số lượng cán bộ, công chức được cơ cấu gọn hơn. Cụ thể, tại đơn vị hành chính khu vực 1 hiện là 23 người, đơn vị loại 2 là 21 người và đơn vị loại 3 chỉ có 19 người. Do đó, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố cũng giảm đi, tính chung đã giảm gần 50%. “Đây là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Chúng ta phải triển khai để tinh giản bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới bộ máy chuyên nghiệp hơn. Sau này, khi có điều kiện chúng ta sẽ xây dựng một chế độ công vụ chung”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn (ở xã có 8 – 9 chức danh không chuyên trách, ở thôn/tổ dân phố có 3 chức danh), đã cho thấy rõ có một số bất cập trong thực hiện. Do vậy, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã triển khai nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện về Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện có một số đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số lớn, kinh tế phát triển, nhất là ở các khu vực đô thị, trong khi đó, có những đơn vị hành chính chỉ có quy mô dân số nhỏ. Do vậy, rất bất hợp lý khi đơn vị hành chính có quy mô dân số lớn, kinh tế phát triển thì lại được ấn định số cán bộ không chuyên trách như đơn vị khác.

Trước bất cập này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 34 đã được gửi lấy ý kiến với 63 tỉnh, thành phố. Sau Kỳ họp thứ Tư, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi quy định hiện hành phù hợp hơn, điều chỉnh mức khoán cao hơn, dù không điều chỉnh số lượng cán bộ không chuyên trách xã, thôn.

Nêu cụ thể về hướng sửa đổi Nghị định số 34, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã đề xuất phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách, nguồn ngân sách của địa phương để bố trí, bảo đảm điều kiện cho các cán bộ làm việc. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng hứa với các ĐBQH: Đây là một vấn đề nóng, được cử tri quan tâm, nên Bộ Nội vụ sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.

Xử lý gọn, không để lãng phí tài sản, trụ sở sau sắp xếp

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn 

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư, tài sản, trụ sở sau đó còn nhiều vướng mắc, đến nay có nơi chưa thực hiện xong. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp sắp tới vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn hai với dự báo sẽ có những khó khăn hơn.

Nêu thực tế thời gian qua không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận, đại biểu Phạm Văn Hoà cũng đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, với tư cách là tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng đã phát sinh một số vấn đề như: cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, tài sản, trụ sở, trụ sở một số nơi vẫn để lãng phí… Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đến năm 2025 sẽ phải xử lý xong cán bộ dôi dư, cụ thể, ở cấp huyện đang dôi dư 48% cán bộ, cấp xã là 31% cán bộ. Các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã khi xây dựng Đề án thực hiện đều có phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Do hiện chưa đến thời điểm kết thúc việc thực hiện sắp xếp cán bộ dôi dư, nên Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn, các địa phương cần cố gắng quan tâm thực hiện,  có thêm chính sách đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp này. Cùng với việc sắp xếp cán bộ dôi dư, Bộ trưởng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang rà soát lại các chính sách có liên quan để có một bộ chính sách tốt hơn để sắp xếp số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy nói chung.

Đối với các tài sản, trụ sở dư thừa sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56 để thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản này; mong muốn các địa phương quan tâm thực hiện đúng tinh thần Thông tư 56, bảo đảm xử lý gọn, không để lãng phí. Bộ trưởng cũng lưu ý công tác này vẫn còn thời gian để thực hiện. 

Về tình trạng không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đã gây dư luận trái chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã phải xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 cá nhân, trong đó cũng có trường hợp phải xử lý về hình sự. Số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức, theo Bộ trưởng, là khoảng 1%, song cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, cần thực hiện rất nghiêm tinh thần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ. "Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ này, về phía Bộ Nội vụ sẽ tham mưu để ban hành một nghị định về đạo đức công vụ, qua đó giúp siết chặt lại hơn nữa kỷ cương, đạo đức công vụ, để bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của Đảng với các quy định của Nhà nước. Thực hiện những giải pháp này nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của chúng ta trong sạch, phục vụ nhân dân", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản