Tin mới

Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2018

(Mặt trận) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tối 17/10, tại tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Phạm Thế Duyệt, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”.

Cùng dự chương trình còn có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm.

Thời gian qua, các hoạt động chung tay vì người nghèo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, các tập đoàn, tổng công ty, qua đó tạo ra sức lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, tăng cường tinh thần đoàn kết nhằm chung tay chăm lo để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức là sự kiện thường niên diễn ra vào đúng ngày 17/10 hằng năm (ngày Thế giới chống đói nghèo) cho đến hết năm 2020.

Mong muốn người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. 18 năm qua, ngày 17 tháng 10 được lấy làm “Ngày vì người nghèo” và Tháng cao điểm vì người nghèo được MTTQ Việt Nam tổ chức hằng năm.

“Chỉ tính từ tháng 10 năm 2017 đến nay, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và Chương trình an sinh xã hội gần 3 ngàn tỷ đồng, trong đó Quỹ Vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 900 tỷ; ủng hộ an sinh xã hội hơn 2 ngàn tỷ. Cùng với việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo có thêm điều kiện để thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Ý nghĩa hơn là đã góp phần khơi dậy, phát huy lòng nhân ái, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi cộng đồng dân cư”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Từ những tình cảm của nhân dân cả nước dành cho người nghèo, thay mặt Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn tới Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp, đồng hành cùng MTTQ Việt Nam trong suốt thời gian qua và ghi nhận những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ thiết thực cho người nghèo và những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.


Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, đất nước ta nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; ở một số nơi người dân còn thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, gặp biến cố trong cuộc sống… mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tái nghèo gia tăng, dù tỷ lệ giảm nghèo những năm qua đã đạt và vượt so với mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Chính vì vậy trong năm 2017, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình “Chung tay vì người nghèo”. Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trợ giúp người nghèo, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng, năm 2018 này Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam cùng phối hợp tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”.

“Nguồn lực vận động được đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu: như nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong công tác vận động ủng hộ người nghèo thời gian qua, thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kêu gọi các cấp, các ngành, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo bằng nỗ lực của bản thân, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, hãy quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Xuyên suốt chương trình, khán giả được lắng nghe những câu chuyện xúc động về những hoàn cảnh khó khăn và được giao lưu trực tiếp với những nhân vật từ phóng sự, khán giả được gặp gỡ cậu bé mồ côi Hồ Minh Hiếu, lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Thành, Quảng Nam tự lập từ năm 12 tuổi, nuôi lợn để được đến trường; cậu sinh viên Dương Hữu Phúc, quê Lạng Sơn, dù bị cụt hai tay nhưng vẫn trúng tuyển Khoa Kiến trúc Đại học Công nghệ  - Kinh doanh Hà Nội; lắng nghe câu chuyện gia đình ông Ngân Văn Yếu cũng như nhiều người dân dân tộc Thái ở bản Poong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã mất trắng tài sản, mất người thân trong trận lũ quét lịch sử vừa qua... Hay những câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc, những tấm lòng của các nhà hảo tâm cùng chung tay vì các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với chương trình “Áo ấm cho em”, “Cơm có thịt”, “Dự án nuôi em”,… tất cả đều thể hiện những khát khao, những ước vọng mang đến cho người nghèo hơi ấm cuộc sống, hơi ấm của tình thương và sự chung tay của toàn xã hội mong người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Ban Tổ chức cũng giới thiệu các chương trình ứng dụng "Cứu trợ từ thiện" và "Người bạn tốt" của các tác giả: Phan Bá Mạnh, Nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa - dịch vụ trên Internet Dobody và Hoàng Đức Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Wakeitup. Đây là các ứng dụng góp phần hỗ trợ các nhóm, tổ chức, cá nhân có thể phối hợp với nhau để công tác thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả hơn...

Chủ động, sáng tạo và huy động nhiều nguồn lực cho người nghèo

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết. Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

"Chúng ta rất vui mừng trước những kết quả to lớn mà công tác giảm nghèo đã đạt được. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc ban hành chính sách, pháp luật, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có sự chung tay, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế tích cực tham gia các chương trình nhân ái, ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" hàng chục nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà "Đại đoàn kết", giúp hàng trăm nghìn người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với nguồn lực lớn, hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.

Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo", nhân ngày Quốc tế Phòng chống đói nghèo và ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các quốc gia, các đối tác, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng.


Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng nhắn tin đến Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 để quyên góp ủng hộ người nghèo.

857.418 tỷ đồng ủng hộ cho người nghèo

Tính từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 2.945 tỷ đồng qua Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và Chương trình an sinh xã hội. Từ những nguồn lực trên, cùng với ngân sách nhà nước, các cấp, ngành đã đã kịp thời hỗ trợ người nghèo, xây dựng mới, sửa chữa được hơn 28.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất, hàng trăm công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...). Hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...

Một số tiết mục nghệ thuật trong chương trình.

Theo tổng hợp bước đầu của Ban Tổ chức, tại chương trình đã có hơn 100 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền 857.418 tỷ đồng thông qua Chương trình an sinh xã hội và Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương (trong đó ủng hộ Quỹ Vì người nghèo là 77.306 tỷ đồng và ủng hộ Quỹ an sinh là 780.111 tỷ đồng). Một số địa phương đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ người nghèo trong Tháng cao điểm Vì người nghèo đến nay là: thành phố Hà Nội: 77 tỷ;  Thành phố Hồ Chí Minh: 38 tỷ; tỉnh Bắc Giang: 47 tỷ; tỉnh Bắc Ninh: 11 tỷ; tỉnh Quảng Bình: 21 tỷ, tỉnh Thái Nguyên 6,8 tỷ đồng...

Đồng thời, đã có hơn 2.000 tin nhắn qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1409 với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Nguồn lực vận động được đợt này sẽ tập trung hỗ trợ cho người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên những vấn đề thiết yếu: như nhà ở cho người nghèo, nhất là người nghèo vùng bị bão lũ; áo ấm cho người già, cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống.

Thông tin tiếp nhận ủng hộ

1. Chuyển qua kho bạc:

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Uỷ ban Trung ương MTTQ 
Việt Nam.

- Số Tài khoản: 3761.0.905438691046. Mã ĐVQHNS: 9054386 tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm - Hà Nội.

2. Chuyển khoản qua ngân hàng:

- Tên tài khoản: Ban Vận động “Quỹ Vì người nghèo” Trung ương

- Số tài khoản: 111000000596 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần 
Công thương Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- SW Code: ICBVVNVX 122

3. Ủng hộ tiền mặt

Ủng hộ trực tiếp tại Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Cơ quan 
Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Ban Phong trào, Uỷ ban 
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, địa chỉ số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội: 
ĐT: 0243.825.6327; Phòng Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng, điện thoại: 0243.825.6326)

4. Ủng hộ thông qua tin nhắn:

Mọi đóng góp, ủng hộ người nghèo gửi qua hệ thống tin nhắn theo cú pháp: VNN gửi 1409 (20.000/tin nhắn) đến hết ngày 31/12/2018.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản