Tin mới

Cần chấm dứt đấu thầu hình thức

“Một vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng đầu tư công mà cũng là giải pháp để phòng chống tham nhũng là có khắc phục, chấm dứt được đấu thầu hình thức không? Nếu không khắc phục được điểm này thì khó xây dựng được chính phủ liêm chính, công trình không bị rút ruột. Chúng tôi rất đồng tình với giải pháp đấu thầu qua mạng của chính phủ chỉ đạo hiện nay” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực. 

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực. Ảnh: Quang Vinh.

Chiều ngày 26/10, phát biểu tại hội trường Quốc hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 và 3 năm qua là rất phấn khởi. Đại Đoàn kết xin giới thiệu phát biểu này:

12/12 chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tiếp tục xuất siêu; chỉ số CPI giữ dưới 4%, tăng trưởng tín dụng 17%, nợ công giảm còn 61.4%; dự trữ ngoại tệ tăng, năng suất lao động tăng 5.55%; khả năng 40% số xã và 55 huyện đạt chuẩn nông thôn mới rất hiện hữu. Trong bối cảnh phức tạp của thế giới, cuộc chiến thương mại giưa các nước lớn, điều chỉnh lãi suất của đồng USD, nhiều nền kinh tế trên thế giới bị tác động mạnh, Việt Nam với chính sách điều hành linh hoạt đã hạn chế tác động tiêu cực, bảo đảm ổn định của kinh tế vĩ mô.

Đây là thành công rất to lớn, là kết quả sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, hoạt động đổi mới của Quốc hội trong việc thể chế pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng; sự lắng nghe, đối thoại, chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ với phương châm: “Hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”; cùng với sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Các chỉ số phát triển của đất nước những năm qua thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự phát triển và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và phải phân tích sâu những nguyên nhân để khắc phục những hạn chế, có những hạn chế đã kéo dài, vì đây là đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm. Một trong những vấn đề mà cử tri rất quan tâm là làm thế nào để phát huy hiệu quả đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình. Nếu không nhìn thẳng những hạn chế, nguyên nhân để có giải pháp tích cực thì không bảo đảm thực hiện được các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, mục tiêu chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng xanh, ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững.

Qua xem báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các uỷ ban của Quốc hội và theo dõi thực hiện đầu tư công của nước ta vừa qua còn nhiều hạn chế và vướng mắc; cần phải rà soát, điều chỉnh và cơ cấu lại đầu tư công. 9 tháng đầu năm 2018 mới thực hiện được 50% kế hoạch, các năm trước tiến độ cũng rất chậm. Một số hạn chế như: chất lượng thể chế và quản lý đầu tư công; lựa chọn dự án có hiệu quả kinh tế xã hội; cơ chế giám sát và đánh giá dự án; vẫn còn tình trạng lãng phí và chất lượng công trình thấp, đội giá sau đầu tư; đặc biệt một số công trình trọng điểm quốc gia tiến độ rất chậm, nếu không tập trung thực hiện, sẽ phát sinh nhiều vướng mắc phải giải quyết, làm giảm phát huy tác dụng vào nền kinh tế.

Nguyên nhân có cả do quy định của pháp luật và có cả do chủ quan trong tổ chức thực hiện. Tôi xin nêu một số nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp:

Một là, tôi thấy chưa rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng của chủ đầu tư về tiến độ và chất lượng công trình. Đây là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân. Trong các quy định hiện hành còn có rất nhiều thủ tục liên quan đến ý kiến của các ngành, cơ quan đối với dự án dẫn đến chậm thực hiện, phát sinh thêm thủ tục, phát sinh tư tưởng chủ đầu tư đóng dấu an toàn cho công trình, cho mình. Vấn đề này phải được rà soát, lược bỏ bớt thủ tục, tránh mất nhiều thời gian, nâng trách nhiệm của chủ đầu tư.

Hai là, một vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng đầu tư công mà cũng là giải pháp để phòng chống tham nhũng là có khắc phục, chấm dứt được đấu thầu hình thức không? Nếu không khắc phục được điểm này thì khó xây dựng được chính phủ liêm chính, công trình không bị rút ruột. Chúng tôi rất đồng tình với giải pháp đấu thầu qua mạng của chính phủ chỉ đạo hiện nay. Xã hội, nhân dân rất trông đợi vào có các giải pháp sâu, quyết liệt, thực chất hơn.

Ba là, định mức trong xây dựng cơ bản hiện nay là thấp hay cao? Có là khe hở để dẫn đến tham nhũng thông qua chính sách định mức không? Thực tế nhiều nhà thầu chỉ cần được công trình mà không cần tính toán đến định mức mà vẫn dư tiền. Đề nghị rà soát lại các định mức trong xây dựng hiện nay để phù hợp với yêu cầu hội nhập, phát triển đất nước.

Bốn là, vấn đề công khai minh bạch dự án đầu tư được thực hiện như thế nào cũng cần đánh giá rõ. Những nội dung này liên quan thiết thân đến người dân nơi có chương trình, dự án. 

Điểm 2, điều 82, Luật Đầu tư công năm 2015 có quy định: “Cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật”.

Vậy việc thực hiện quy định này như thế nào, ưu nhược điểm gì, tác dụng đến đâu cũng chưa được đánh giá sau 3 năm thực hiện. Cần phải làm rõ tại sao một số dự án khi triển khai người dẫn mới biết và có ý kiến; nhiều ý kiến đúng, xác đáng nhưng cũng khó tiếp thu vì dự án đã được phê duyệt và triển khai. Đây cúng là nguyên nhân dẫn đến một số bức xúc.

Năm là, việc phát huy nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển rất quan trọng, vì vậy thông qua các hình thức đầu tư BT, BOT, Công-tư…, mỗi hình thức đầu tư đều có ưu điểm và hạn chế. Vừa qua việc chỉ đạo dừng hình thức BT là đúng nhưng thời gian quá dài. Gốc của vấn đề là vì chưa tính và điều tiết được phần chênh lệch do giá đất tăng lên nhiều chục lần sau khi hoàn thiện hạ tầng, nhưng việc dừng dài cũng gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án đang triển khai, ảnh hưởng tốc độ phát triển, niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cần tập trung tháo gỡ để phát huy các hình thức đầu tư, khắc phục những sơ hở để phòng chống tham nhũng, bảo đảm hài hoà lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Sáu là, chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều dự án bồi thường tái định cư kéo dài, không bố trí tiền kịp thời, chính sách sau có lợi hơn chính sách trước dẫn đến đơn thư đông người rất khó giải quyết. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện nhanh, dứt điểm kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia.

Ngô Sách Thực
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Theo Đại Đoàn Kết

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản