Tin mới

Cần Thơ: Cách ly, điều trị hơn 5000 F0 tại nhà

(Mặt trận) - Chiều 23/11, Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, tính đến 17 giờ cùng ngày, thành phố Cần Thơ ghi nhận thêm 914 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tính từ ngày 8/7/2021 đến nay là 19.086 người, trong đó đã có 9.692 trường hợp điều trị khỏi.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam chúc mừng ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Cần Thơ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. 

Nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Trong những ngày gần đây, số lượng ca mắc ghi nhận trên địa bàn thành phố Cần Thơ liên tục ở mức rất cao. Cụ thể, ngày 22/11, thành phố ghi nhận 989 F0, ngày 21/11 Cần Thơ có thêm 897 ca nhiễm COVID-19, ngày 20/11 có 508 ca dương tính với virus SARS-COV-2, ngày 19/11 ghi nhận 939 ca mắc mới…

Hiện tổng số trường hợp đang được thành phố Cần Thơ cách ly tập trung là 1.326 người, số người đang cách ly tại nhà là 16.142 người, trong đó có 5.008 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà; 5.883 F1 đang cách ly y tế tại nhà.

Triển khai công tác phòng chống dịch, thành phố Cần Thơ tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh công tác xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Triển khai tiêm chủng cho trẻ em

Về công tác tiêm chủng, tính đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ đã tiêm tổng cộng 1.719.738 liều vaccine COVID-19 cho các đối tượng; trong đó, số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 là 942.905 người, đạt tỷ lệ 96,5%; được tiêm mũi 2 là 776.833 người, đạt tỷ lệ 81,9%.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ vẫn tiếp tục đồng loạt triển khai tiêm chủng vaccine diện rộng trên toàn địa bàn thành phố và đã tổ chức tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (đạt 24,6%), nhằm đảm bảo hoàn thành sớm nhất kế hoạch tiêm chủng đã đề ra.

Từ ngày 22/11, thành phố Cần Thơ chính thức tiêm ngừa vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho 122.746 trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn. CDC Cần Thơ đã phân bổ và bàn giao đủ vaccine Pfizer cho các quận, huyện.

Đối với các trường hợp trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu... nghe tim phổi bất thường; có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì… sẽ được chuyển đến tiêm tại điểm tiêm Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ. 

Người dân chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết

UBND thành phố Cần Thơ vừa có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND thành phố khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Đồng thời khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

UBND thành phố Cần Thơ đặc biệt lưu ý, người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người.

Bắt buộc quét mã QR hoặc khai báo y tế

Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu, tất cả người dân đến giao dịch, tham gia hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… bắt buộc phải quét mã QR bằng ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử hoặc khai báo y tế.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… phải tổ chức và chịu trách nhiệm kiểm tra việc quét mã QR hoặc khai báo y tế của người dân đến giao dịch, tham gia các hoạt động.

Khuyến khích cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trà sữa,…) bán hàng mang đi.

Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… có từ 100 người lao động trở lên, phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị; chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 và F2; phối hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ, dập dịch,… khi xuất hiện F0 tại nơi sản xuất, kinh doanh.

Hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người

UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện nêu gương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc nghiêm túc thực hiện hiệu quả các biện pháp sau:

Hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người hoặc đến những nơi tập trung đông người; không tổ chức ăn uống, liên hoan, chiêu đãi, đám tiệc có sử dụng rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác ở nhà hàng, quán ăn,… tập trung đông người.

Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc ở nhà; số lượng người làm việc trực tiếp tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định để bảo đảm duy trì các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chỉ đạo của thành phố.

Tăng cường họp theo hình thức trực tuyến; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tiếp có tập trung đông người chưa cần thiết (trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Người tham gia họp phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là nguyên tắc 5K, tăng cường thông khí phòng họp,…

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch; thành lập các Tổ an toàn COVID của cơ quan, đơn vị và xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với người ra, vào cơ quan công sở Nhà nước bằng mã QR.

Thành lập 50 đội y tế lưu động

UBND TP Cần Thơ cũng vừa quyết định thành lập 50 Đội Y tế lưu động, hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ. Đội Y tế lưu động bắt đầu hoạt động kể từ ngày 20/11/2021 và kết thúc khi có quyết định của UBND thành phố.

Mỗi Đội Y tế lưu động có 4 thành viên, gồm 1 Đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và 10 bác sĩ của Trường Đại học Y Dược hỗ trợ hoạt động của các Đội Y tế lưu động.

Đội Y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận, huyện và thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.

Đồng thời, Đội hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác kết nối với F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà. Phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo Trạm Y tế liên hệ với các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp. Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly y tế F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Chế độ, chính sách của thành viên tham gia Đội Y tế lưu động thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

UBND thành phố đề nghị Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ 200 nhân sự sinh viên Y Dược và 10 bác sĩ tham gia hoạt động của Đội Y tế lưu động.

Giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện hướng dẫn hoạt động chuyên môn của Đội Y tế lưu động; dự trù, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang bị bảo hộ, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động của Đội Y tế lưu động.

Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Y tế tổng hợp, cân đối nguồn kinh phí thực hiện, tham mưu, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt; bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của Đội Y tế lưu động, chế độ phụ cấp bồi dưỡng cho nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ,... theo đúng quy định.

UBND thành phố đề nghị Giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự địa phương bố trí lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn cho Đội Y tế lưu động; các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể thành phố, các đơn vị có liên quan phối hợp, hỗ trợ hoạt động của Đội Y tế lưu động.

UBND thành phố Cần Thơ giao Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm phương tiện, hậu cần, nơi ăn nghỉ phục vụ hoạt động của Đội Y tế lưu động; chỉ đạo lực lượng địa phương phối hợp, hỗ trợ trong thời gian Đội Y tế lưu động hoạt động trên địa bàn./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản