Tin mới

Chăm lo cho hơn 2.500 trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Theo chương trình kỳ họp, sau khi kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, từ 14.20’ chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Tại phiên họp, các đại biểu: Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình); Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu); Dương Minh Ánh (Hà Nội);… chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH các nội dung: Chăm lo cho trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; giải pháp đơn giản hóa thủ tục để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khắc phục tình trạng phát nhầm, nhận nhầm; giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp;…

Đã xử lý xong việc “phát nhầm” tiền hỗ trợ

Giải trình về thông tin tỉnh Bình Dương phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người, Bộ trưởng khẳng định, đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc và cho biết, ngay sau thời điểm nhận được thông tin, Bộ trưởng đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương, đồng thời cử ngay đoàn công tác vào kiểm tra, xử lý.

Tham gia đoàn còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và một số bộ, ngành liên quan… Tại địa phương, đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, gặp những người trực tiếp phát, trực tiếp nhận. 

Bộ trưởng cho biết, con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp. Đây là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động như giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới thấy tình trạng trùng lắp.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương đã dừng việc này và tiến hành rà soát lại nhưng đã có 1.990 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.

Các trường hợp này phần lớn đã hoàn trả lại vì tự nhận thấy mình nhận không đúng. Đến nay, công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi đầy đủ.

Các chính sách đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng

Về kết quả sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng cho biết: Trong quá trình thực hiện, tuy còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này phần đa (khoảng 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết 116 quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Bộ trưởng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng.

 Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) về việc đối tượng của các gói hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19 rất khó để tiếp cận bởi thủ tục còn rườm rà khó khăn, cử tri đề nghị cần rút ngắn thời gian và thủ tục để người dân sớm nhận được các gói hỗ trợ trên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết qua đánh giá các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

“Tuy nhiên, do giãn cách xã hội và số lượng người quá lớn cùng thời điểm tính chất cấp bách. Khâu tổ chức thực hiện, ngành còn điều này điều kia do đó có khuyết điểm như người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí còn có phát nhầm, nhận nhầm”, ông Dung nói.

Cùng với chính sách của Trung ương, các địa phương làm cơ sở ban hành chính sách khác, huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ cho người dân.

Hơn 2500 trẻ em mồ côi vì đại dịch COVID-19

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu vấn đề đại dịch khiến một số lượng lớn trẻ em ở TPHCM trở thành mồ côi, gây áp lực cho xã hội.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Việt Nam có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã chủ động xây dựng, thực hiện các chính sách liên quan đến bảo trợ trẻ em. Mức chung, hỗ trợ trẻ em trong các làng trẻ SOS của Việt Nam hiện nay tương đối đồng bộ với thế giới, khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng cho biết, với số cháu mồ côi do dịch COVID-19, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt.

Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

Phương châm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là vận động để tất cả các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu.

"Hiện nay cả 81 cháu đều được sống với người thân, trong trường hợp không có người thân chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tìm mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19,... Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Trả lời chất vấn về giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Trước hết đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần chung, bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là người dân hay nói cách khác là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề. Làm sao để có chính sách, vừa tuyên truyền, xây dựng các thương hiệu tốt của các trường nghề, để học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Đối với trường nghề, phải làm sao để khi học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập tốt.

Cuối cùng, Bộ sẽ xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.

Phải làm gì để “kéo” người lao động trở lại sản xuất?

Về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Trong Báo cáo số 177 ngày 8/11 gửi Quốc hội ông đã viết rất kỹ (bốn trang) về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó, theo Bộ trưởng, có mấy vấn đề quan trọng nhất: Một là, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Ba là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo như thế nào, cho người yếu thế ra sao, cho người có công thế nào, về nước sạch và vệ sinh môi trường ra sao,… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

Cần sớm có chính sách quy mô lớn hơn để giải quyết vấn đề lao động, an sinh

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua các vị đại biểu và cử tri cả nước đã gửi nhiều chất vấn, yêu cầu. Trong thẩm quyền của mình, chúng tôi đã trả lời, giải đáp và cố gắng ở mức cao nhất để tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc, từng bước nâng cao chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực xã hội.

Với chức năng, đối tượng phục vụ rộng lớn, có tác động đến đời sống xã hội, trong đó nhiều lĩnh vực, công việc của Bộ được chủ động trong tổ chức thực hiện nhưng có nhiều công việc mang tính chất phối hợp phụ thuộc kết quả triển khai của các địa phương, các bộ, ngành.

Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động sâu sắc tới y tế, sức khỏe của người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, việc làm, khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập.

Đối với nước ta, do tác động của đại dịch, nhất là từ khi đợt thứ 4 bùng phát tới nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi dịch xâm nhập vào TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nơi sử dụng đồng lao động.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cộng đồng đang lan tỏa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh an, dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Theo đó, Quốc hội chất vấn các nội dung: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả;

Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch;

Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt;

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch;

Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc;

Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Theo chương trình, trong quá trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản