Tin mới

Chây ì trả nhà công vụ: “Cán bộ của ta rất thiếu tự giác"

Các cụ ta vẫn nói “Đói cho sạch, rách cho thơm”, cán bộ phải liêm chính thì mới xứng đáng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI

Câu chuyện 12 cựu quan chức chây ì không trả nhà công vụ buộc Thứ trưởng Bộ Xây dựng phải ký ban hành một loạt thông báo yêu cầu những người này trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2 khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã gây bức xúc trong dư luận. Đây không phải là vấn đề mới, mà từ nhiều năm trước, câu chuyện dây dưa trả nhà công vụ đã từng xảy ra. 

Cần làm gì để khắc phục triệt để tình trạng này, để không còn căn bệnh mang tên chây ì trả nhà công vụ? Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

PV: Thưa ông, câu chuyện một số cựu quan chức chây ì trả nhà công vụ không phải là mới mà đã xảy ra từ nhiều năm trước. Mới đây lại rộ lên việc phải đòi nhà công vụ của 12 cựu quan chức. Qua vụ việc này cho thấy điều gì về ý thức chấp hành pháp luật của những cựu quan chức này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Có vẻ như không có nhiều chuyển biến về tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần nêu gương của cán bộ đảng viên như vậy là rất thấp, gây bức xúc cho dư luận.

Cán bộ của ta rất thiếu tự giác, như vậy không thể thuyết phục người dân về sự liêm chính và cũng không thuyết phục được người dân sẽ không có tham nhũng. Đến nhà công vụ cho mượn còn chây ì không trả thì những việc khác dễ che giấu sẽ như thế nào?

PV: Những người được Nhà nước giao nhà công vụ khi đương chức đều là những cán bộ có chức có quyền, hơn ai hết họ phải là những tấm gương sáng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Với việc chây ì trả nhà công vụ như vậy, vấn đề nêu gương của những cán bộ này chắc hẳn đặt ra nhiều điều đáng bàn?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đúng vậy, như trên tôi đã nói, như thế không thể có tấm gương sáng nào cả, bất luận lý do gì đều không thuyết phục. Theo Quy định 101 của Ban Bí thư, Quyết định 55 của Bộ Chính trị, Quy định 08 của Bộ Chính trị đã nêu rõ cán bộ, đảng viên, công chức từ cấp bình thường đến Ủy viên Bộ Chính trị đều phải thực hiện nêu gương.

Nếu gương chính là thể hiện vai trò gương mẫu trong nhân dân, để dân tin yêu, tin Đảng, nếu không làm được thì chắc chắn không xứng đáng. Các cụ ta vẫn nói “Đói cho sạch, rách cho thơm”, cán bộ phải liêm chính thì mới xứng đáng. Vấn đề này Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ trong Hội nghị Cán bộ toàn quốc hôm 23/4.

PV: Theo ông, vì sao tình trạng chây ì trả nhà công vụ xảy ra đã nhiều năm mà chưa được giải quyết triệt để. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị được giao quản lý nhà công vụ được đặt ra thế nào?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Thứ nhất, ý thức tuân thủ điều lệ Đảng, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước còn chưa cao, thiếu tự giác.

Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân vẫn còn ngự trị trong nhiều cán bộ đảng viên, sự vun vén cá nhân đã vượt quá yêu cầu về sự hy sinh, cống hiến, đồng cảm trước đời sống nhân dân và tầng lớp lao động, trong đó có rất nhiều người khó khan, nghèo khổ, yếu thế.

Thứ ba là thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tổ chức như Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cơ quan dân cử, giám sát của dân, của báo chí.

Thứ tư là thiếu biện pháp kiên quyết xử lý đối với vi phạm. Đã chiếm đoạt thì phải có chế tài mạnh, nhưng chúng ta vẫn còn thái độ xuê xoa, dĩ hòa vi quý, bao che, thậm chí bỏ qua, coi đó là “vùng tế nhị”.

Thứ năm, theo tôi là người dân và báo chí rất khó tiếp cận thông tin, thiếu thông tin về quyền lợi của cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ cao cấp. Khó tiếp cận nên rất khó đấu tranh để kiểm soát tình trạng này. 

Theo tôi, chúng ta cần phải có những biện pháp vừa hoàn thiện pháp luật vừa tăng cường các khâu kiểm soát quá trình sử dụng tài sản công, đặc biệt cần bổ sung vào Luật quản lý tài sản công một cách rõ ràng vấn đề này.

Pháp luật quy định khá cụ thể trình tự và thời hạn phải trả nhà công vụ khi cán bộ không còn đương chức.

PV: Việc quan chức không tuân thủ pháp luật sẽ dẫn tới những hệ lụy như thế nào cho xã hội?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi có một vài hệ lụy như thế này: thứ nhất, là hệ lụy kinh tế. Nhà nước đang không dồi dào nguồn lực lại bị chia sẻ, bị chiếm dụng tài sản sẽ càng suy yếu.

Thứ hai, cán bộ công chức cần có nơi ở thì lại mất cơ hội được phục vụ trong khi đó là quyền lợi chính đáng của họ, nhiều người phải xếp hàng mới có nhà.

Thứ ba, nó tạo ra tiền lệ một tấm gương mờ trong cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, làm giảm sút lòng tin của dân đối với Đảng, đối với Nhà nước.

Thứ tư đây là nguồn cơn của sự mất đoàn kết, nguồn cơn của xung đột xã hội. Thứ năm là thêm việc cho nhà nước đang lúc cần tập trung xử lý bao nhiêu việc.

Chây ì trả nhà công vụ cũng là một dạng tham nhũng

PV: Theo điều 179 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn hành vi chây ì trả nhà công vụ của các cựu quan chức sẽ được xử lý thế nào, có thể quy kết đó là một dạng tham nhũng tài sản công không?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nếu chỉ sử dụng riêng Luật Nhà ở thì chưa đủ mà tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi sẽ bị xem xét theo các quy định tương ứng. Có thể xử lý theo điều lệ của Đảng và quy định của Đảng, xử lý theo Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật hình sự.

Nhiều cử tri nói đó là một dạng tham nhũng là có cơ sở vì xét về khái niệm tham nhũng chính là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn hưởng lợi ích vật chất theo pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước. Hành vi tham nhũng đã được mô tả là tham ô, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản của công…Đó là những vấn đề liên quan đến tham nhũng, có định nghĩa rồi, cứ vận dụng như thế mà làm.

PV: Vậy hành vi đó sẽ được xử lý thế nào?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Hành vi đó có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, cụ thể là xem xét kỷ luật về Đảng; rồi áp dụng luật xử phạt vi phạm hành chính để xử lý. Nếu xử lý vi phạm hành chính có thể xử lý bất kỳ công dân nào, nhưng đối với cán bộ công chức, còn phải xem xét kỷ luật nếu như người đó vẫn đang nắm quyền; nếu đã về hưu có thể áp dụng Luật xử phạt vi phạm hành chính.

Trong trường hợp này, nếu chứng minh nó thực sự là hành vi tham nhũng, giá trị lớn, chiếm đoạt nhiều có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy có thể áp dụng nhiều quy định của pháp luật để xử lý hành vi này.

PV: Có ý kiến cho rằng cần công khai danh sách nhà ở công vụ cùng thời hạn trả và coi việc trả nhà công vụ là điều kiện đủ để giải quyết chế độ hưu trí và cũng là biện pháp khắc phục căn bệnh dây dưa không chịu trả nhà công vụ?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta cần hoàn thiện quy định và công khai cho mọi người biết, hiểu rõ để thực hiện cho đúng, tạo cơ sở kiểm soát vấn đề này. Lâu nay, chế độ chính sách này có vẻ chưa được công khai minh bạch, người dân thiếu thông tin kiểm soát.

Thứ hai, cán bộ công chức chuẩn bị nghỉ hưu theo tôi đồng thời với việc giao thông báo nghỉ hưu thì phải thông báo về chế độ chính sách, trách nhiệm phải thực hiện cả về công việc, quyền lợi, nghĩa vụ nói chung, trong đó có nghĩa vụ trả nhà công vụ.

Khách vào khách sạn thuê phòng khi ra phải trả đầy đủ; một học sinh, sinh viên bình thường muốn tốt nghiệp phải trả lại sách cho thư viện, tài sản cho nhà trường. Chúng ta áp dụng quy định này cho các cán bộ cao cấp cũng rất đơn giản.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản