Tin mới

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3

(Mặt trận) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/2022.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV

Toàn văn Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc

CHỐNG LÃNG PHÍ

Khôi phục chính sách xuất nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. 

Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 và thay thế các Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 28/2/2020, số 23/NQ-CP ngày 2/3/2020, số 29/NQ-CP ngày 11/3/2020 và số 33/NQ-CP ngày 19/3/2020 của Chính phủ về tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương với các nước.

Bộ Ngoại giao chủ trì tổng kết, đánh giá và kiến nghị với Chính phủ việc gia hạn, tạm dừng hoặc chấm dứt chính sách miễn thị thực đơn phương quy định tại Nghị quyết này.

Khôi phục chính sách xuất nhập cảnh từ ngày 15/3/2022

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 1606/VPCP-QHQT ngày 15/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý khôi phục từ ngày 15/3/2022 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ về việc miễn thị thực có thời hạn cho công dân các nước: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách xuất nhập cảnh với các đối tác trong khuôn khổ quan hệ song phương, đa phương; tiếp tục đàm phán với các nước về công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài; ban hành hướng dẫn áp dụng hộ chiếu vaccine của người nước ngoài tại Việt Nam; thông báo với các nước/vùng lãnh thổ có liên quan về sự thay đổi trong chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Bộ Y tế hướng dẫn về điều kiện y tế đối với người nhập cảnh phù hợp với tình hình mới.

Bộ Công an tăng cường công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài nhập cảnh theo quy định và phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch.

Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về "Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2022"

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1601/VPCP-KGVX ngày 15/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về "Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2022".

Cụ thể, xét kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2022", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế:

Tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thần tốc hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm chễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 và các văn bản có liên quan.

Theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Nếu thiếu vaccine để xảy ra hậu quả Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP ngày 14/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường Châu Âu.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu rõ:

Vừa qua, một số báo điện tử (vtv.vn, tuoitre.vn, tienphong.vn...) phản ánh thông tin về việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có kiến chỉ đạo như sau:

Giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Hỗ trợ gạo cho 2 tỉnh trong thời giáp hạt

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.006,59 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh: Sơn La, Điện Biên để hỗ trợ cho người dân trong thời giáp hạt đầu năm 2022.

Theo Quyết định, tỉnh Sơn La được xuất cấp 107,1 tấn gạo; tỉnh Điện Biên 899,49 tấn gạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND 2 tỉnh: Sơn La, Điện Biên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; tiếp nhận, sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND các tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Xuất cấp 263 tấn hạt giống hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 258 tấn hạt giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Phát triển Mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu Mắc ca đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050

Mục tiêu là phát triển Mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đề án phấn đấu sản lượng Mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2050, trong đó tỷ lệ sản phẩm Mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.

Theo định hướng, quy mô diện tích trồng phấn đấu tổng diện tích Mắc ca cả nước đạt từ 130.000 - 150.000 ha vào năm 2030, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu), vùng Tây Nguyên (khoảng 45.000 ha, chủ yếu tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum) và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca (khoảng 10.000 ha), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xác định quy mô và địa điểm cụ thể trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển Mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về quy mô diện tích và vùng trồng Mắc ca đến năm 2050, phấn đấu đạt khoảng 250.000 ha.

Về cơ sở chế biến, đến năm 2030 khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm Mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất Mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng Mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng Mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương nghiên cứu vùng trồng Mắc ca thích hợp cho từng dòng/giống; chuyển giao khoa học công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca

Để phát triển thị trường tiêu thụ, giải pháp đặt ra đối với thị trường trong nước, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm Mắc ca.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt Mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm Mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Đồng ý ký Hiệp định cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc ký Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý chủ trương ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tài khóa 2020.

Ủy quyền lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định với đại diện được ủy quyền của Chính phủ Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục ủy quyền cho việc ký Hiệp định trên theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về việc ký Hiệp định trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ gần nhất; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phía Việt Nam và phía Trung Quốc triển khai Hiệp định./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản