Tin mới

Chia khu vực bỏ phiếu để tạo thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử

(Mặt trận) - Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định. Việc chia khu vực bỏ phiếu mang ý nghĩa kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-HĐBCQG về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

 Ảnh: Báo Hà Nội mới

Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước là 184 đơn vị và được phân bổ trên 63 tỉnh, thành phố. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ấn định cụ thể, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng đơn vị bầu cử lớn nhất với 10 đơn vị. Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có số đại biểu Quốc hội được bầu nhiều nhất với 30 đại biểu.

Bầu cử được tiến hành theo các đơn vị

Các cuộc bầu cử phải được tiến hành theo các đơn vị bầu cử, khái niệm này chỉ một phạm vi địa lý hành chính tương ứng với một lượng dân cư nhất định để bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND xác định.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, có 4 loại đơn vị bầu cử: Đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội); đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh); đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện); đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã).

Ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Đối với bầu cử đại biểu HĐND, theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Về số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, khoản 4 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu, trong khi mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được bầu không quá 5 đại biểu.

Cách thức xác định khu vực bỏ phiếu

Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định. Việc chia khu vực bỏ phiếu mang ý nghĩa kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Chính vì vậy, khu vực bỏ phiếu có phạm vi hành chính nhỏ hơn đơn vị bầu cử. Thông thường, các khu vực bỏ phiếu được thành lập theo các đơn vị hành chính cơ sở như xã, phường hoặc thôn, tổ dân phố, khu phố (cá biệt cũng có một số trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có duy nhất 1 khu vực bỏ phiếu).

Theo quy định tại Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 đến 4.000 cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung, dù chưa có đủ 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu. Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên; đơn vị vũ trang nhân dân; cơ sở giáo dục bắt buộc; cơ sở cai nghiện bắt buộc; trại tạm giam có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Việc xác định đơn vị vũ trang nhân dân là khu vực bỏ phiếu riêng do Ban Chỉ huy đơn vị quyết định. Việc xác định các khu vực bỏ phiếu còn lại do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với những huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn, việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.

Số cử tri làm căn cứ để xác định thành lập khu vực bỏ phiếu là số lượng cử tri được xác định một cách tương đối tại thời điểm thành lập, phê chuẩn việc thành lập khu vực bỏ phiếu đó. Trên cơ sở các khu vực bỏ phiếu đã được xác định, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành việc lập và công bố danh sách cử tri. Sau khi danh sách cử tri được công bố, nếu có cử tri ở nơi khác chuyển đến và đăng ký bỏ phiếu tại địa phương, Ủy ban nhân dân bổ sung tên cử tri vào danh sách và số cử tri này được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu đó khi lập biên bản kết quả kiểm phiếu; trường hợp cử tri bị xóa tên trong danh sách cử tri, cử tri đã được chứng nhận đi bỏ phiếu ở nơi khác thì không được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản