Tin mới

Chính phủ xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH

(Mặt trận) - Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo do Phó Thủ tướng trình bày.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV - Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đồng chí lão thành cách mạng! 

Kính thưa Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước!

 Theo chương trình Kỳ họp, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 36 báo cáo, tờ trình, tài liệu trên các lĩnh vực. Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.

I. BỔ SUNG KẾT QUẢ NĂM 2021, TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2022

1. Về bổ sung kết quả năm 2021

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo tình hình KTXH 9 tháng và ước thực hiện cả năm 2021. Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ[1]. Tình hình KTXH những tháng cuối năm phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021.

Những nhận định, đánh giá mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội cơ bản là phù hợp, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021[2]. Một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi NSNN là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP), trong đó, thu NSNN tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 1,7% dự toán); kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%); xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỷ USD).

Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID – 19 và phục hồi, phát triển KTXH.

2. Về triển khai kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022

Bước vào năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ, song, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ucraina cùng với những hậu quả của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước, đối tác quan trọng của ta tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.

Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh đó, để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển KTXH năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2022 (gồm 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể), Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (với 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm), Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1...; làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH[3].

2.1. Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2022

a) Về phòng, chống dịch COVID-19

Phát huy kết quả đạt được năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới[4], được quốc tế đánh giá cao. Đến ngày 15/5/2022 đã tiêm chủng trên 217 triệu liều; 100% người thuộc diện tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 59,6%; 100% trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm 1 mũi, 96,4% tiêm 2 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi đạt 29,9%.

Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022[5]. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KTXH.

b) Về kinh tế

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021[6]. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%[7], cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021[8]. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh[9]. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%[10]. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%.

Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động[11]; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ. Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này về chủ trương đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 02 ngân hàng yếu kém[12]...).

c) Về văn hóa, xã hội và môi trường

Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng; tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo được thực hiện hiệu quả[13]; các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" được quan tâm. Nhân dân cả nước đã đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ 30/5 và 1/5 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Cùng với việc tập trung cao triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế vẫn nỗ lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, công tác dạy học được tổ chức triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tới nay, học sinh, sinh viên cả nước đã trở lại học tập trực tiếp[14].

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhất là quản lý dân cư, thu thuế, hải quan điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng...

Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA GAMES 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương[15].

Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng. Đã chủ động, tích cực trong công tác thông tin, truyền thông; cơ bản kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm các vi phạm.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên được tăng cường, nguồn lực tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư và nguồn nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai cam kết tại Hội nghị COP26, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thành quy hoạch chuyển đổi năng lượng (Quy hoạch điện VIII), đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

d) Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Chính phủ đã dành nhiều thời gian phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và các cơ quan liên quan hoặc theo thẩm quyền để thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2022 bảo đảm tiến độ[16].

Đã ban hành 6 quy hoạch quốc gia và 01 quy hoạch tỉnh[17]; khẩn trương triển khai các quy hoạch khác theo quy định của Luật Quy hoạch[18]; đồng thời, đã kiến nghị Quốc hội điều chỉnh một số nội dung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát và thực hiện Luật Quy hoạch.

Tập trung rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội[19]. Đẩy mạnh và quyết tâm xây dựng Chính phủ số, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp và có chuyển biến tích cực[20]. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

đ) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, ổn định chính trị được giữ vững. Chủ động, kịp thời có các biện pháp xử lý linh hoạt, hiệu quả, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, xử lý kịp thời các yếu tố tiềm ẩn phức tạp.

Công tác phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng[21]...

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động, đồng bộ; các hoạt động song phương, đa phương diễn ra sôi động, hiệu quả[22]. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ hiệu quả với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Xử lý hài hòa, phù hợp các vấn đề khu vực, toàn cầu, khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tham gia và đóng góp tích cực, củng cố, tăng cường đoàn kết trong ASEAN. Hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế, ngoại giao vắc-xin tiếp tục được đẩy mạnh.

2.2 Về hạn chế, khó khăn và thách thức

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thu NSNN tăng 15,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4%, cần thúc đẩy tăng thu bền vững[23].

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn. Xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa theo kịp sự phát triển của KTXH. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH triển khai còn chậm. Các lĩnh vực y tế, giáo dục còn một số hạn chế. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn, lĩnh vực còn diễn biến phức tạp.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và đại dịch COVID-19.

2.3 Nguyên nhân hạn chế, khó khăn

Bên cạnh các yếu tố khách quan do tình hình thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan, trước hết là công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế; tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao, có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt; tính tự chủ, tự lực, tự cường ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao; công tác phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Đánh giá chung: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tháng 1/2022; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, KTXH những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả tích cực; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH với những trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển KTXH bền vững. Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013. 

2. Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu NSNN bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

3. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành[24]... Trình Quốc hội xem xét, quyết định 05 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng[25].

4. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đặc biệt, sớm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cơ cấu lại thị trường và làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới. Khẩn trương xử lý từng bước dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm.

5. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng và phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đối với các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ (trong quý III, quý IV năm 2022).

6. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế để theo kịp sự phát triển của KTXH. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

7. Tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19[26]; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

8. Phát triển kinh tế phải bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Hoàn thiện để ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng, áp dụng từ tháng 7/2022. Quan tâm hơn nữa thực hiện hiệu quả việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Chú trọng thực hiện các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao, nhất là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

9. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển KTXH. 

10. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ, nhất là những khu vực trọng yếu, địa bàn chiến lược; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Tăng cường trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

11. Triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, chủ động hội nhập quốc tế. Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2022.

12. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, phát huy hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, tập trung thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, những thành tựu phát triển của đất nước; phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, bài học quý, gương người tốt, việc tốt tạo sự lan tỏa trong xã hội nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đổi mới, sáng tạo của từng cơ quan, đơn vị, của mỗi người dân và doanh nghiệp.

        Kính thưa Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước!

        Những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, song nhiệm vụ phục hồi và phát triển KTXH trong thời gian tới là rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chia sẻ, giám sát của Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn thể Chính trị xã hội và toàn thể Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


[1] Kết luận số 11/KL-TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3; Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

[2] Có 07/12 chỉ tiêu đạt và vượt: CPI bình quân tăng 1,84% so với mục tiêu dưới 4% (đã báo cáo khoảng 4%); Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 26,1% so với mục tiêu là 66% và 25,5% (đã báo cáo là 66% và 26,5%); Tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 91,01% so với mục tiêu 91% (đã báo cáo 91%); Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 92% so với mục tiêu trên 90% (đã báo cáo 92%); Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 94,71% so với mục tiêu trên 87% (đã báo cáo 87,5%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 91% đạt mục tiêu (đã báo cáo 91%); Tỷ lệ che phủ rừng là 42,02% đạt mục tiêu (đã báo cáo 42%).

- Có 05/12 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58% so với mục tiêu khoảng 6% (đã báo cáo 3-3,5%); GDP bình quân đầu người đạt 3.680 USD so với mục tiêu 3.700 USD (đã báo cáo 3.660-3.680); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 37,13% so với mục tiêu 45-47% (đã báo cáo khoảng 32%); tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 0,52 điểm phần trăm so với mục tiêu giảm 1-1,5 điểm phần trăm (đã báo cáo 0,5-1 điểm phần trăm); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8% (đã báo cáo khoảng 4,4-4,9%).

[3] Trong đó, có 08 phiên họp Chính phủ (03 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, 01 phiên họp chuyên đề về quy hoạch, 04 phiên họp Chính phủ thường kỳ); 318 cuộc họp, hội nghị của Lãnh đạo Chính phủ, trong đó có 25 hội nghị toàn quốc; 19 cuộc họp, làm việc của Thủ tướng Chính phủ với địa phương về phát triển KTXH.

[4] Đến ngày 06/3/2022, Việt Nam trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới.

[5] Tính đến giữa tháng 5/2022, tỷ lệ chết/mắc trong vòng 60 ngày là 0,04%, giảm so với 60 ngày trước (0,1%); số ca tử vong/100.000 dân là 1 ca (giảm 5 ca so với 60 ngày trước); cả 4 tiêu chí đánh giá giảm mạnh so với 60 ngày trước đó (số ca mắc mới giảm 2 lần, nhập viện giảm 3,5 lần, ca nặng giảm 2,5 lần, tử vong giảm 4,5 lần).

[6] Đến cuối tháng 3/2022, dự nợ tín dụng đạt 11,07 triệu tỷ đồng, tăng 5,97% so với cuối năm 2021; tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt với 3/5 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (tín dụng xuất khẩu tăng 7,74%, công nghiệp hỗ trợ tăng 8,79%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 10,99%); các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh... tiếp tục được triển khai tích cực.

[7] Trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, dịch vụ tăng 4,58%.

[8] Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2020, 2021 lần lượt là 3,66% và 4,72%.

[9] Khách quốc tế trong tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng 3 và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ.

[10] Bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

[11] Tính đến hết quý I năm 2022, đã miễn giảm 11.893 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ.

[12] Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, nhà máy sản xuất phân bón DAP1-Hải Phòng, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

[13] Tổ chức tặng quà cho trên 1,56 triệu người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán. Xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

[14] Tổng số huyện, quận, thành phố, thị xã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là 705/705, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tính đến ngày 18/4/2022 đạt 99,57%.

[15] Tính đến hết ngày 22/5/2022, Đoàn thể thao Việt Nam đoạt 206 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng, dẫn đầu toàn đoàn với 447 huy chương, trong đó có 28 kỷ lục được phá.

[16] Đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua 02 luật (Phòng, chống ma túy (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê); cho ý kiến 5 dự án luật (Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Điện ảnh (sửa đổi), Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Cảnh sát cơ động).

[17] Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; 04 Quy hoạch ngành giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển), Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang...

[18] Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 38/38 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia.

[19] Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

[20] Phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỷ đồng, 3.069 ha đất; kiến nghị thu hồi 8.897 tỷ đồng và 114 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 đối tượng. Các cơ quan hành chính tiếp nhận 97.250 đơn các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh), đã xử lý 89.604 đơn. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 5.367/8.773 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa) và đang triển khai theo kế hoạch.

[21] Đã điều tra, khám phá 10.951 vụ, bắt 25.303 đối tượng phạm tội về trật tự, xã hội; triệt phá 265 băng nhóm tội phạm, có băng nhóm hoạt động tín dụng đen; bắt, xử lý 2.267 vụ, 12.044 đối tượng cờ bạc; phát hiện, xử lý 2.205 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; 134 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ; 491 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; phát hiện, bắt giữ 8.828 vụ, 13.311 đối tượng phạm tội ma túy.

[22] Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại hiệu quả. Tổng Bí thư đã điện đàm trực tuyến với Nguyên thủ quốc gia nhiều nước như: Ấn Độ, CHLB Đức...; Chủ tịch nước thăm Singapore, đón Tổng thống Hy Lạp, Tổng thống Sierra Leone... Thủ tướng Chính phủ đón Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Malaysia...; dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào. Chủ tịch Quốc hội thăm Lào, đón Chủ tịch Quốc hội Singapore... Các Phó Thủ tướng dự các sự kiện: Hội nghị Tương lai Châu Á (Nhật Bản), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Thụy Sĩ), Khóa họp Ủy ban KTXH Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (Thái Lan)...

[23] Thu NSNN 4 tháng đầu năm 2022 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó tốc độ tăng thu từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh) là 5,4%; thu tiền sử dụng đất và thu dầu thô tăng 37,5% so với cùng kỳ. Tỷ trọng thu ngân sách từ dầu thô và sử dụng đất chiếm 13,75% trong tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2022.

[24] Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ đưa vào hoạt động 04 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và khởi công nhà ga, cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

[25] Các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

[26] Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin, nhất là cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản