Tin mới

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của Lai Châu

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình công tác tại Lai Châu, sáng 12/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách tư pháp trên địa bàn. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Với vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt, Lai Châu - tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc và là tỉnh có diện tích lớn thứ 10 của cả nước. Diện tích rừng và đất rừng của Lai Châu chiếm tới 35% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, thuộc loại rừng nhiệt đới với quần thể thực vật rất phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là địa phương thuộc diện khó khăn nhất của cả nước.

Theo báo cáo, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu ước đạt 7,7%, GRDP bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 10/2022 đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 8.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kịp thời thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Quốc phòng – an ninh được tăng cường, tỉnh đã tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh; thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”; ngăn chặn hiệu quả việc tuyên truyền tà đạo, đạo lạ trái pháp luật, hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”; Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được chú trọng, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nêu rõ: Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, đặc biệt là an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, môi trường sinh thái. Sau gần 20 năm tách tỉnh, thành lập tỉnh Lai Châu, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, tỉnh đã có bước phát triển nhanh, toàn diện về kinh tế - xã hội. Một số điểm sáng là cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo những lợi thế so sánh của địa phương, tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn mức bình quân cả nước (giai đoạn 2011 - 2020 gần 10 %/năm, riêng giai đoạn 2016 - 2020 tăng gần 12 %/năm). Các mặt văn hóa- xã hội, đời sống tinh thần của người dân đều khá tốt. Đáng chú ý, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất trong cả nước từ mức hơn 58% năm 2006 giảm xuống còn chưa đến 28% năm 2021; hơn 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 106 sản phẩm được công nhận OCOP. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của các cấp uỷ Đảng trong tỉnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Lai Châu nằm trong nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước, cả về khoảng cách, sự kết nối với các trung tâm kinh tế, hạ tầng, nguồn nhân lực; có đến hơn một nửa số xã (54/106 xã) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 22 xã biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn rất cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng đồ lưu niệm cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Về phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước lưu ý: Lai Châu cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột nông lâm nghiệp, công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Về phát triển nông, lâm nghiệp chú trọng vào chất lượng, quy mô đủ lớn gắn với xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị nông sản, chú ý nông sản đặc hữu là thế mạnh như vùng chè cổ thụ, vùng cây ăn trái, vùng cây công nghiệp giá trị cao, vùng cây dược liệu quý có lợi thế như sâm, cây 7 lá 1 hoa, lan kim tuyến,...

Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh có chiến lược phát triển Sâm Lai Châu bền vững, hiệu quả, để người dân vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng. Cùng với đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản có giá trị gia tăng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết giá trị; duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.

Theo Chủ tịch nước, tỉnh cũng cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, dịch vụ logistic; nâng tầm cạnh tranh của các sản phẩm OCOP, những đặc sản của địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc, của Lai Châu, gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương, bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong phát triển du lịch.

Để triển khai hiệu quả các định hướng trên, Chủ tịch nước đề nghị Lai Châu tập trung tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, cần có tầm nhìn xa, không mẫu thuẫn cản trở lẫn nhau, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phát triển chất lượng giáo dục, chất lượng dân số, vốn con người. Bảo đảm an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương; tích cực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Xây dựng và quản lý tuyến biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Giảm nghèo bền vững cho người dân vẫn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu cần thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; khuyến khích tinh thần nỗ lực, ý chí vượt khó vươn lên, cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, phát triển một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số làm đặc sắc hơn nữa các sản phẩm du lịch địa phương.

Giữ rừng vẫn nhiệm vụ trọng tâm, do đó chú ý các hình thức đối tác công tư mới trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng; chú trọng chế biến sâu sản phẩm lãm nghiệp và tái tạo các diện tích rừng đã bị mất...

Chủ tịch nước cũng lưu ý, bên cạnh hạ tầng được Nhà nước quan tâm, đầu tư, cần bồi đắp, phát huy nguồn lực mềm, hạ tầng mềm như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản lý nhà nước, khả năng kết nối thông tin và phổ cập internet… Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của địa phương cũng là đòi hỏi cấp bách đặt ra.

Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương Lai Châu ngày càng tươi đẹp.

 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sỹ ở tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 
 
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm bà Đinh Thị Huệ, vợ liệt sỹ ở tổ dân phố số 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

*Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sĩ, ở tổ dân phố Số 9, phường Đoàn Kết; bà Đinh Thị Huệ, vợ liệt sĩ ở tổ dân phố Số 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản