Tin mới

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Không để gia đình chính sách đói cơm, lạt muối

(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), 60 năm thảm họa da cam Việt Nam, chiều 21/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay, tổ chức Hội đã được thành lập ở Trung ương và 63 tỉnh, thành, với trên 400.000 hội viên. Sau 60 năm thảm họa da cam, di chứng của chất độc này vẫn còn rất lớn, Hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực xã hội gần 2.700 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân. Riêng nửa đầu năm nay, dù tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Hội đã vận động được trên 220 tỷ đồng. Hội đã tích cực tham gia vào các hoạt động vận động đấu tranh yêu cầu khắc phục hậu quả chất độc hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để xác định được hết các trường hợp bị phơi nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng của di chứng từ chất độc da cam cùng nguồn lực hỗ trợ; tiếp tục nghiên cứu các bằng chứng khoa học chứng minh các tác động tiêu cực của chất độc da cam đối với môi trường cũng như con người… 

Về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, sau hơn 10 năm thành lập, Hội đã phát triển mạng lưới và hiện có gần 100 chi hội cấp huyện với gần 1 vạn hội viên. Qua khảo sát ở nhiều địa phương, Hội đã kiến nghị và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận hàng trăm trường hợp là liệt sỹ còn tồn đọng nhiều năm qua. Đến nay, Hội đã tư vấn trực tiếp trên 28.600 lượt thân nhân liệt sỹ, giúp hơn 200 gia đình tìm được hài cốt liệt sỹ. Hội đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các gia đình liệt sỹ và tính đến giữa năm nay đã tặng hơn 800 nhà tình nghĩa trị giá từ 40 - 60 triệu đồng/căn; gần 2.100 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng/sổ; nhiều xe lăn, hơn 35.000 suất quà; phụng dưỡng hơn 100 mẹ Việt Nam Anh hùng. Hội mong muốn Đảng, nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ Hội thành lập ở các địa phương; hỗ trợ xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ để phục vụ tìm thân nhân. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn với nước ta nên nhiều hoạt động kỷ niệm lớn bị hạn chế. Một số địa phương phải áp dụng biện pháp ở mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, buổi làm việc với đại diện các Hội này thể hiện tình cảm trân trọng của Chủ tịch nước đối với các Hội, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các Hội đối với công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công, các gia đình thương binh, liệt sỹ và nạn nhân chất độc da cam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, nhiều người con của đất nước đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, là chủ trương quan trọng của Đảng ta. Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để hỗ trợ các gia đình có công cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam dioxin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hai Hội đã có nhiều hoạt động góp phần thiết thực vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sỹ, cũng như hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều thành viên của Hội dù tuổi cao những vẫn rất nhiệt tình, lăn lộn trong công tác Hội, vì vậy, chính các thành viên của Hội và Hội cũng xứng đáng được tôn vinh. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm, nhà khoa học, hội viên và nhân dân cả nước đã đóng góp lớn cho hoạt động của các Hội. Điều đó góp phần quan tâm, chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình người có công, nạn nhân da cam. 

Nhấn mạnh vai trò của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam rất quan trọng trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các Hội tổ chức những hoạt động hỗ trợ, tri ân, nhất là khi cả nước vẫn còn trên 560.000 gia đình liệt sỹ.

Chủ tịch nước đã cho ý kiến về một số kiến nghị của các Hội, trong lưu ý các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ cũng như kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam đảm bảo trang trọng, ý nghĩa và có hình thức tổ chức phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập hợp, xử lý kiến nghị của các Hội, trong đó có việc xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ 3 sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng; tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ, khẩn trương thành lập Ngân hàng ADN các hài cốt liệt sỹ và ADN thân nhân liệt sỹ để phục vụ việc xác định thân nhân liệt sỹ…

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước mong muốn, hai Hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, không để gia đình chính sách, trong đó có các gia đình liệt sỹ, người có công, nạn nhân chất độc da cam đói cơm, lạt muối.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản