Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum. Ảnh: VGP/Bạch Dương
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, đồng thời tập trung xây dựng và lãnh đạo triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2018 tăng 9,28% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt hơn 2.808 tỷ đồng, vượt 129,35% so với dự toán. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34,77 triệu đồng năm 2017 lên 37,49 triệu đồng.
Nông nghiệp phát triển theo chiều sâu; việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chỉ đạo quyết liệt và hình thành được một số cánh đồng lớn. Đã tạo ra được các vùng chuyên canh Sâm Ngọc Linh Kon Tum và bước đầu có sản phẩm công nghiệp chế biến với diện tích khoảng 500 ha.
Toàn tỉnh đã thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng vốn đăng kí 9.659 tỷ đồng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư 23 dự án.
Đến nay, toàn tỉnh có 17/86 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (trong đó 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,29%...
Chủ tịch Quốc hội tặng quà, trò chuyện với bà con dân làng Kon Pring. Ảnh: VGP/Bạch Dương
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác 3 lĩnh vực đột phá năm 2019 của tỉnh gồm: Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn TP. Kon Tum. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn, đầu tư phát triển có hiệu quả những loại cây dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng; có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đẳng sâm Kon Tum và các sản phẩm đặc hữu khác.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những thành tích đạt được trên hầu hết các lĩnh vực của tỉnh Kon Tum thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động xác định 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum để phát triển kinh tế cách đây 12 năm với những giải pháp trọng tâm để đến nay đã hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu và 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá cao việc tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính thu hút các doanh nghiệp tới khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư và thành lập doanh nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh những thành quả đạt được thì hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Kon Tum còn yếu và thiếu; việc gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng KHCN còn hạn chế; tình trạng khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế còn hạn chế; công tác dân vận ở một số nơi chưa hiệu quả; công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của một số đoàn thể chính trị-xã hội còn lúng túng.
Tỷ trọng các ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định chiếm chưa cao; chậm phát triển các vùng nguyên liệu thu hút đầu tư; số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với kế hoạch đề ra; sức cạnh tranh của một số sản phẩm của địa phương còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh phải phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, Đảng sâm Kon Tum; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ đất để Kon Tum từng bước hình thành vùng chuyên canh, tạo ra thương hiệu những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu tỉnh Kon Tum cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành trung tâm hành chính công cấp tỉnh; tăng cường bộ máy tổ chức, bộ máy công vụ, kỷ cương, trách nhiệm.
“Về kinh tế cần rà soát lại các mục tiêu đã đạt được trong những năm vừa qua và xác định sắp tới cần làm gì để khai thác tiềm năng thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi; gìn giữ các thôn, làng với các nếp nhà sàn nguyên sơ có giá trị văn hóa, vừa đa dạng phong phú, vừa đặc sắc của các dân tộc cùng sinh sống. Cần xem xét chuyển dịch kinh tế, tích cực hơn nữa để khai thác thế mạnh đưa du lịch trở thành một nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh và cả vùng Tây Nguyên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm: “Khu vực Tây Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược, việc giữ vững an ninh chính trị ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch, phương án bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.
Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà gia đình chính sách và thân nhân nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Y Một. Ảnh: VGP/Bạch Dương
* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với huyện Kon Plông, một trong 2 huyện nghèo 30a của tỉnh Kon Tum và gặp gỡ bà con làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring, xã Đăk Long.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã quyết định tặng huyện Kon Plông 2 trường Tiểu học và THCS với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, chiều 17/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, tặng quà 2 gia đình chính sách tại TP. Kon Tum; thăm thân nhân gia đình nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Y Một.
Theo Bạch Dương/Báo Chính phủ