Tin mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

(Mặt trận) - Sáng 2.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khai mạc với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước”.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII . Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo Đại hội.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; và 347 đại biểu đại diện cho trên 67 nghìn đảng viên của Đảng bộ tỉnh...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo Đại hội.  Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển

Báo cáo Chính trị trình Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong điều kiện tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.

Đã có 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, tạo nền tảng để Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hàng năm đạt 7,59%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) gấp 1,65 lần so năm 2015. Nhiều lĩnh vực quan trọng có sự chuyển động tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 xuống còn 8,56% vào cuối năm nay, thấp nhất so với các tỉnh miền núi Tây Bắc. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đã triển khai và đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng như đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc, đường tỉnh 435, triển khai xây dựng đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B đi quốc lộ 1, hồ chứa nước Cánh Tạng...

Ảnh: Trọng Đức/TTXVN 

Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực đi vào thực chất và hiệu quả. Tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt khá. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao với nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như cam, bưởi, rau hữu cơ Lương Sơn... Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỉnh có ba đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 43,3% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành trước một năm so với nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc và đứng thứ ba các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát triển. Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Chính phủ đã chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; hoàn thành xây dựng bộ chữ dân tộc Mường, xây dựng tài liệu đưa vào giảng dạy.

Hòa Bình cũng là tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh đã giảm: một đơn vị hành chính cấp huyện; 59 đơn vị hành chính cấp xã, đứng đầu cả nước về tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã; 248 đơn vị sự nghiệp công lập; 576 thôn, xóm, tổ dân phố; 2.304 người hoạt động không chuyên trách và 2.880 tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố; tinh giản biên chế 1.590 người theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, thực hiện mục tiêu tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính.

Báo cáo Chính trị cũng nghiêm túc đánh giá những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ vừa qua như: Năng lực lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi, có việc chưa nghiêm; tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững; môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Phát huy lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp

Ảnh: Trọng Đức/TTXVN 

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng những thành tựu tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; nêu rõ, Bộ Chính trị cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã nêu trong Báo cáo Chính trị.

Lưu ý thêm một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về những thành tựu đã đạt được, những mặt còn hạn chế, yếu kém, phân tích kỹ những nguyên nhân, đặc biệt là tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, nhận thức rõ những thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức và dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước để xác định rõ mục tiêu, các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp trong 5 năm tới theo tinh thần ‟tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” phù hợp với thực tế của Hòa Bình.

Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng, xác định định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy lợi thế là cầu nối giữa Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị trí nằm trong Vùng Thủ đô có tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng động lực để làm đầu tàu kéo các vùng kinh tế khác cùng phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN 

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp, xây dựng các tiêu chí để thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch phù hợp với mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hòa Bình cần định hình cơ cấu phát triển kinh tế bền vững, phù hợp, phát huy lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Phát triển các loại hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế của tỉnh. Chú trọng hơn công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh như: cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc… Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch cộng đồng, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; khai thác có hiệu quả tiềm năng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN  

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hòa Bình triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách; huy động nguồn lực xã hội giúp đỡ người nghèo; triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới để cải thiện chất lượng sống của người dân; quan tâm Vùng CT29; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Giữ gìn, bảo vệ an ninh nguồn nước và sinh thái cho vùng đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trong khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Chỉ đạo thực hiện tốt các quan điểm, tư tưởng của Đảng về quốc phòng, an ninh. Huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, phải nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đạo đức, lối sống trong sáng. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả của công việc, sự hài lòng, sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chú trọng củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm. Khi đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với các cán bộ, đảng viên có vi phạm. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm cấp ủy, tổ chức đảng có sai phạm, khuyết điểm. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tại Đại hội lần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, mỗi đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó lấy đức là gốc, “vừa hồng, vừa chuyên”, dám nghĩ, dám làm, có năng lực đổi mới sáng tạo, có khả năng đóng góp vào sự lãnh đạo của cấp ủy để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới với các cơ cấu hợp lý, chọn đúng người. Ban Chấp hành khóa mới phải là một tập thể thực sự ăn ý, đồng thuận, phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên để bổ sung cho nhau, tạo ra một tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Đại hội phát huy cao nhất trí tuệ và trách nhiệm, thực hiện thật tốt các nội dung của Đại hội, tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà; sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, tạo thành phong trào thi đua mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản