Tin mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

(Mặt trận) - Sáng 6/7, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội... cùng tham dự.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ.

Qua theo dõi tình hình của Hà Nội và nghe báo cáo tại kỳ họp đã cho thấy dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, sự đồng hành của Hội đồng nhân dân, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, thành phố đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh; nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những nỗ lực, quyết tâm cao, kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội ước tăng 3,39% cao hơn mức 1,81% của cả nước. Việc tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố với chủ đề “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” ngày 27 tháng 6 vừa qua đã thể hiện Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc hồi phục và phát triển kinh tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trong nước.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN 

Công tác cải cách hành chính được quan tâm. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự đô thị có những chuyển biến tích cực; công tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế tiếp tục phát triển; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đồng bộ và đạt kết quả tốt; công tác đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo chu đáo.

Hội đồng nhân dân thành phố đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và phát huy hiệu lực, hiệu quả, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong bối cảnh cả nước quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội đã tiến hành đổi mới phương thức hoạt động, lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, được các đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri đánh giá cao.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng đã xem xét, thảo luận và thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đây là những Luật, Nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật,công tác  phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19.


Cùng với Luật Thủ đô, Nghị quyết số 97 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thì tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội, trong đó đã cho phép Hà Nội được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 6 tháng cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế hiện có độ mở rất lớn, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của nhiều người dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành thành phố Hà Nội cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung như đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch; đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm.

Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thành phố cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết 115 của Quốc hội, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước:

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Nâng cao chất lượng công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, các dự án xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ, ao; tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng, chung cư tái định cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thành phố Hà Nội cần đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan với những kết quả đã đạt được; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt kỳ thi của học sinh các cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học năm 2020, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế làm việc, trong đó phải quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng bộ phận, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu để khắc phục cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thành phố cần có các giải pháp quyết liệt, thận trọng, nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, nhất là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định những chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết 115 của Quốc hội.

Hội đồng nhân dân thành phố nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội; tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang quan tâm, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát. Đồng thời, đại biểu HĐND thành phố tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc với cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện của nhân dân, góp phần quan trọng để nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thành phố Hà Nội cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để lựa chọn, bầu ra được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, bước vào năm 2020, thành phố Hà Nội thực hiện phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện đặc biệt khó khăn, chưa từng có trong tiền lệ là dịch bệnh COVID-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển khinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại kỳ họp này, HĐND sẽ thực hiện các nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2020; đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà HĐND đã đề ra.

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4/2020, tuy nhiên đã phục hồi trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6/2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%; trong đó, tăng trưởng tập trung ở khu vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng xấp xỉ 6%. Thu ngân sách cơ bản được đảm bảo, 6 tháng đầu năm ước đạt 143.478 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ ách tắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ 8 hạn chế. Trong đó có các chỉ tiêu tăng trưởng còn thấp có thể phấn đấu cao hơn. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp tăng. Chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở mức thấp...

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 6 tháng cuối năm thành phố tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”; vẫn phải phòng, chống dịch hiệu quả; vừa phải đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố. Đồng thời thành phố tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; triển khai Nghị quyết của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” và một số chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua cho Hà Nội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua...

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020. Theo đó, thành phố Hà Nội đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm và cả năm 2020. Theo đó, kịch bản 1 cả năm đạt 5,9%, kịch bản cả năm đạt 5,4%...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản