Tin mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đến TP Geneva (Thụy Sĩ)

Sáng 24/3, vào lúc 7 giờ 30 phút (giờ địa phương - khoảng 1 giờ 30 phút chiều giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Genève (Thụy Sĩ).

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả“

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Có mặt tại lễ đón có Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Genève Dương Chí Dũng; Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng; và đông đảo cán bộ, Phái đoàn, Đại sứ quán và cộng đồng bà con Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội nước ta và các thành viên trong Đoàn theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron sang tham dự Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) và các hội nghị liên quan từ ngày 24 đến 25/3 tại TP Genève.

Việt Nam - thành viên tích cực, trách nhiệm

Dịp này, Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự IPU-138 nhằm khẳng định cam kết chủ động tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn IPU, góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực.

Trong những ngày tới, các đại biểu thành viên trong Đoàn sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ IPU-138, dự các cuộc họp Ban Chấp hành IPU, Đại hội đồng, các Ủy ban Thường trực của IPU, Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương (APG) và Hội đồng Điều hành, Hiệp hội Tổng Thư ký ASGP.

Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của IPU vào tháng 4/1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế, khu vực đánh giá cao.

Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập, tăng cường. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương và nhóm ASEAN+3. Tại Kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10-2007 (tại Genève, Thụy Sỹ), lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU.

Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch IPU, trên cương vị này, Quốc hội VIệt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp, thiết thực hơn vào hoạt động của IPU. Qua đó, giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.

Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 tháng 4/2015 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội là một đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 10/2016, tại Đại hội đồng IPU 135 tại Thụy Sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã được Hội đồng Điều hành bầu làm thành viên Ban Chấp hành IPU đại diện cho Nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2019.

Quốc hội nước ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 5-2017.

Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nêu rõ: Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích sát sườn của Việt Nam, tham khảo quan điểm quốc tế, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức...

Theo chương trình, tại các Ủy ban Thường trực, đại biểu Quốc hội nước ta sẽ phát biểu về các nội dung ưu tiên như phát triển bền vững, bình đẳng giới, thanh niên, phòng chống HIV...

Vấn đề toàn cầu về người di cư

Theo thông báo của Ban Tổ chức IPU-138, chủ đề quan trọng và xuyên suốt được đặt lên bàn nghị sự tại IPU-138 lần này về tăng cường cơ chế toàn cầu về vấn đề người di cư. Nghị sĩ các nước trên thế giới cùng thảo luận những định hướng, giải pháp củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững.

Số liệu khảo sát gần đây của các tổ chức quốc tế cho thấy, tính đến nay có gần 258 triệu người thuộc đối tượng này - chiếm khoảng 3,4% dân số thế giới phải rời xa đất nước của mình. Năm 2016, các thành viên Liên hợp quốc khẳng định cơ chế đối với người di dư hiện tại trên toàn cầu chưa thật sự đầy đủ để bảo vệ quyền con người, quyền về phát triển kinh tế - xã hội đối với người di cư, người tị nạn - nhất là với phụ nữ và trẻ em. Liên hợp quốc kêu gọi sự nỗ lực, cơ chế tác động mang tính toàn cầu, hiệu quả, an toàn và trật tự với hai đối tượng này.

Theo số liệu của Ban Tổ chức IPU-138, tham dự hội nghị năm nay có hơn 740 nghị sĩ, đại biểu Quốc hội trên thế giới, trong đó có: 65 người đứng đầu Quốc hội/nghị viện các nước, 216 nữ nghị sĩ. Điều đó chứng minh sự quan tâm đặc biệt của những người đại biểu đại diện cho 6,6 tỷ cử tri, nhân dân từ các châu lục đối với một diễn đàn thảo luận toàn cầu về định hướng cơ chế, giải pháp cụ thể ở cấp độ quốc gia với vấn đề rất thời sự hiện nay.

Những ngày tới, mục tiêu chung của các phiên thảo luận quan trọng sẽ tập trung bàn thảo các giải pháp, phát huy vai trò nghị viện của các nước, qua đó làm sao ngăn ngừa căn bản các mầm mống xung đột, tranh chấp; thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế phù hợp các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia.

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận nội dung phát huy vai trò của các Nghị viện và nghị sĩ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của Chính phủ trong lĩnh vực này. Từ đó đề ra những chính sách, giải pháp, nguồn lực giúp những người di cư được hưởng chính sách y tế, giáo dục, các chính sách an sinh xã hội và được tạo cơ hội tìm kiếm việc làm như người bản địa...

Các nhà lãnh đạo nghị viện quốc tế và các nước cũng sẽ đưa ra các sáng kiến, các giải pháp bền vững làm sao thúc đẩy các cơ chế hợp tác, quan hệ đối tác giữa các quốc gia với các tổ chức khu vực, quốc tế nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ các nước, cộng động khu vực chịu ảnh hưởng vấn đề di cư trái phép.

Được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 178 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc. Hoạt động trên cơ sở Điều lệ chung, IPU Quy định hoạt động của Hội đồng điều hành, Ban Chấp hành, Đại hội đồng, các Ủy ban thường trực và Quy định về tài chính.

IPU hợp tác chặt chẽ với các cơ chế của Liên hợp quốc, liên minh nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, điển hình là hoạt động điều trần thường niên về các vấn đề của Liên hợp quốc thu hút sự tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên.

IPU tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động chính: Tăng cường nền dân chủ đại diện; Thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; Đẩy mạnh phát triển bền vững; Thúc đẩy pháp luật về nhân đạo và bảo vệ nhân quyền; Nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị; Tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa.

Theo Văn Nghiệp Chúc/Báo Nhân dân

Từ Genève, Thụy Sĩ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản