|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển |
Ngành y tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về tình hình thực hiện các nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; tình hình triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực y tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội liên quan đến phân bổ ngân sách, tiến độ thực hiện một số dự án Luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Y tế.
Qua báo cáo của Bộ Y tế và ý kiến của các thành viên Đoàn công tác, phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm và làm việc với Bộ Y tế trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, bác sĩ, nhân viên, người lao động ngành Y tế những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, do vậy, người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.
Trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, gắn với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “lương y phải như từ mẫu”, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, giàu tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân đạt kết quả đáng tự hào; các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương ngành Y tế từ đầu nhiệm kỳ đã vượt mọi khó khăn, kiểm soát, khống chế thành công đại dịch Covid - 19; trân trọng, cảm ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những “chiến sỹ áo trắng” đã bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, đi vào tâm dịch, cống hiến hết sức mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Năm 2023, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của Nhân dân, sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, y bác sĩ, người lao động, ngành Y tế đã có những bước chuyển quan trọng cả về hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần vào thành công chung của đất nước.
Đánh giá cao những thành tích toàn diện của ngành Y tế, Chủ tịch Quốc hội biểu dương Bộ Y tế đã tập trung tham mưu, chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
“Đây là dấu mốc, sự kiện quan trọng, có tính chất quyết định đối với sự phát triển của ngành y tế trong thời gian tới, vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hữu vừa tạo khung khổ pháp lý rất thuận lợi, minh bạch, công khai cho công tác quản lý nhà nước về y tế cũng như hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân. Rất mừng là sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được công bố thì sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, các cơ sở khám chữa bệnh rất tốt, chưa thấy có ý kiến trái chiều nào. Điều này cũng cho thấy sự cố gắng, kỳ công của cả Quốc hội và Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật này là rất xứng đáng”.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, "có thể nói là ngành y tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đây là điều rất đáng mừng. Các đồng chí đang đứng trước những cơ hội để tiếp tục phát triển, có niềm tin để vững bước tới tương lai”.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển |
Quán triệt đầy đủ vai trò của ngành y tế, xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng
Ghi nhận các kiến nghị của Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu tối đa các nội dung, ý kiến của các thành viên Đoàn công tác tại cuộc làm việc.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong Bộ Y tế và toàn ngành Y tế tiếp tục quán triệt đầy đủ vai trò của ngành y tế, lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ, nhân viên y tế và chủ trương của Đảng ta đối với lĩnh vực y tế, tập trung nhất tại Nghị quyết số 20, Nghị quyết số 21 của Trung ương Đảng về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
“Bác Hồ nói xây dựng một nền y học của Việt Nam. Nghị quyết số 20 xác định xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Thế nào là khoa học, thế nào là dân tộc, thế nào là đại chúng? - Chúng ta phải làm cho tinh thần này thấm đượm trong mọi chính sách, pháp luật và hoạt động thực tiễn của ngành y tế với mục tiêu cao cả là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ngành Y tế phải “nằm lòng” những điều này chứ không phải chỉ là vấn đề trị bệnh cứu người”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhất trí với ý kiến của các thành viên Đoàn công tác về việc không nên đẩy quá mức vấn đề tự chủ, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng một hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ chính sách về chăm sóc sức khoẻ toàn dân và bao phủ về y tế toàn dân.
“Tôi đã hơn một lần chia sẻ rằng, trong chế độ của chúng ta, đừng bao giờ “bố trí” giáo dục và y tế “đá ở vị trí tiền đạo”. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn. Nhà nước phải lo, các cấp, các ngành phải lo. Nghị quyết của Trung ương nêu rõ: chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan làm nhiệm vụ đề xuất, thẩm tra việc phân bổ ngân sách phải chú ý vấn đề này. Tự chủ không phải là mục tiêu cuối cùng của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế mà là chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Y tế, giáo dục vẫn phải đẩy mạnh tự chủ, nhưng Nhà nước vẫn phải lo hai lĩnh vực này chứ không phải chỉ nhăm nhăm tự chủ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Y tế cần tiếp tục chủ động đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao chủ trì, trước mắt là tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2024, để bảo đảm Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng lộ trình phù hợp, chắc chắn đối với các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Kể cả với những nhiệm vụ lập pháp không chủ trì nhưng có liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ chủ trì để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. “Tuyệt đối không để tình trạng nợ các văn bản”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; quan tâm hơn nữa công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân; đồng thời để người dân thấu hiểu, chia sẻ và tham gia đóng góp hoàn thiện chính sách y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Nhấn mạnh “nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt; phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan tập trung hơn nữa cho công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế vững vàng về chính trị, chuyên môn, gương mẫu về đạo đức, không ngừng đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp “lấy người bệnh làm trung tâm”, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo; từng bước đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế hội nhập quốc tế, có chất lượng cao về chuyên môn và y đức.
Song song với đó, cần nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương; có giải pháp khả thi cùng những chính sách mang tính ổn định, lâu dài để giữ chân nhân viên y tế, thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi.
"Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Đây là một trong những ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đầu tư các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực một cách thích hợp cho ngành y tế, kể cả vấn đề kinh phí thường xuyên, chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế, lộ trình áp dụng giá dịch vụ, lộ trình tăng mệnh giá bảo hiểm y tế... Tất cả những vấn đề này đều phải nằm trong một chương trình tổng thể. Các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong các vấn đề này, trong đó, Bộ Y tế cần chủ động đề xuất, kiến nghị cụ thể", Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội chúc toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, luôn nhiệt huyết và khát khao cống hiến, hoàn thành xuất sắc trọng trách cao cả của mình, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của Đảng, Nhà nước, và Nhân dân.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển |
Đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp đúng tiến độ
Trước đó, đánh giá tại cuộc làm việc, các đại biểu đều cho rằng, năm 2023, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả toàn diện, nhiều dấu ấn nổi bật.
Đặc biệt, về hoàn thiện thể chế, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể nói là giai đoạn công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế được tập trung cao độ nhất với nhiều chủ trương, chính sách, nhiều luật, nghị quyết, nghị định... được Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành, trong đó có nhiều quyết sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo động lực cho ngành y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá rất cao nỗ lực, sự quyết tâm của Bộ Y tế và tập thể lãnh đạo ngành y tế trong việc tham mưu, đề xuất, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Liên quan đến các dự án Luật theo Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, Bộ Y tế nỗ lực cao nhất hoàn thành đúng tiến độ, nhất là các dự án Luật đang được Bộ đề xuất tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện như dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, dự án Luật Dân số, dự án Luật An toàn thực phẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, Ủy ban Xã hội sẽ luôn đồng hành với Bộ Y tế với tinh thần ủng hộ cao, hỗ trợ tối đa, phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế; tin tưởng tập thể lãnh đạo và toàn ngành y tế sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế với phương châm lấy người dân làm trung tâm, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chúc toàn ngành y tế luôn tâm huyết, tận tụy với nghề như lời căn dặn của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” và tinh thần của Hải Thượng Lãn Ông “giàu y đức, sâu y lý, giỏi y thuật”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Bộ Y tế nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án Luật còn lại theo Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ Khoá XV để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về y tế, trong đó có dự án Luật Dân số đã “nợ” từ nhiệm kỳ trước.
Năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”. Nhấn mạnh tính chất quan trọng của chuyên đề giám sát này trong lĩnh vực y tế, với vai trò là một trong hai Bộ có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập lớn nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Y tế sớm có báo cáo rà soát, đánh giá các nội dung theo yêu cầu, kế hoạch và đề cương chi tiết đã được Đoàn giám sát gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiệm vụ này đã được Quốc hội xác định tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV; đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế từ thực tiễn xây dựng pháp luật của mình đánh giá, đề xuất các nội dung cần sửa đổi.
Theo Đại biểu Nhân dân