Tin mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì họp Chuyên đề về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban chỉ đạo Xây dựng các chuyên đề phân công cho Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về Chuyên đề số 11 “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Tiểu ban số 2 Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Tiểu ban số 2 đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chuyên đề, Phụ lục chuyên đề, bám sát yêu cầu của Ban chỉ đạo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chuyên đề kế thừa những kết quả nghiên cứu của các chuyên đề khác về Nhà nước pháp quyền XHCN, trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật để làm rõ hơn yêu cầu đặt ra với Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền. Qua nghiên cứu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Tiểu ban số 2 đã xác định một số giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tập trung vào hai trụ cột chính là đại biểu Quốc hội và cơ quan của Quốc hội.

Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tập trung đổi mới tổ chức bên trong các cơ quan của Quốc hội; đổi mới quy trình, nội quy, phương thức tổ chức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội trước nhân dân. Giai đoạn từ 2030-2045, xây dựng tổ chức Quốc hội khoa học hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, công khai, dân chủ, thực sự là của Nhân dân, làm tốt vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên ít nhất 60% tổng số đại biểu Quốc hội; đổi mới về bầu cử để lựa chọn người có kinh nghiệm, uy tín, trình độ, nâng tuổi ứng cử đại biểu Quốc hội; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách hiệu quả, thiết thực. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nêu một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đây là đề án, không phải là văn bản quy định về tổ chức, hoạt động nên không nhất thiết phải nêu rõ số lượng các cơ quan, mà chỉ nêu những vấn đề lớn, mang tính định hướng. Ví dụ, Quốc hội nhiều nước có Ủy ban Kiểm toán chỉ thực hiện 1 chức năng, nhưng không thể gộp cùng với Ủy ban Tài chính và Ngân sách vì hai cơ quan này cần độc lập với nhau. Trong khi đó, Tiểu ban Kiểm toán ở Quốc hội Việt Nam lại thuộc Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu thêm về vấn đề này. Quy định về đại biểu Quốc hội là Ủy viên chuyên trách và Ủy viên Thường trực cũng cần nghiên cứu, giải thích căn cứ vào đâu để có sự phân công như vậy. 

Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo đề án đã có đề nghị đúng hướng là chuyển dần một số chức năng hoạt động của Quốc hội về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội dẫn mô hình hoạt động của Quốc hội một số nước cho thấy, Quốc hội chỉ xem xét, thông qua Hiến pháp, các đạo luật cơ bản; phần lớn các luật và việc quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề án cũng cần đặt vấn đề xem xét mở rộng thành phần Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Về vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần nghiên cứu thêm về tính dân chủ XHCN trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội; cần có sự cải tiến, đổi mới hơn nữa về sự tương tác giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nghiên cứu các quy định về thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội; tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; cải tiến việc lấy phiếu tín nhiệm để nâng cao hiệu quả, tác dụng; về mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND; bồi dưỡng đại biểu dân cử để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu cần được quan tâm hơn vì đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, quyết định tới tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội... 

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về kết cấu, thuật ngữ được sử dụng trong đề án; thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; sự cần thiết tăng số lượng các Ủy ban của Quốc hội, nâng một số ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban, thành lập mới một số Ủy ban theo yêu cầu của tình hình mới; kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị; văn hóa nghị trường; số lượng kỳ họp Quốc hội, khái niệm kỳ họp Quốc hội và thay đổi nội hàm khái niệm kỳ họp Quốc hội; quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội…

Ảnh: Lâm Hiển 

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng, công phu của Tiểu ban số 2 trong việc xây dựng chuyên đề. Đồng thời, đề nghị Tiểu ban số 2 tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện chuyên đề. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần làm kỹ hơn, rõ hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội; mối quan hệ của Quốc hội trong hệ thống chính trị; hoạt động của Quốc hội; chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội... 

Nhấn mạnh định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tính chuyên nghiệp được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế, tăng dần số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách cho phù hợp, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác. Việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi của chuyên đề này phải đặt trong mối tương quan với các chuyên đề, đề án lớn trình Bộ Chính trị để tránh trùng lặp về nội dung; về tính phổ quát của mô hình nhà nước pháp quyền và tính đặc thù của mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chuyên đề cũng cần tập trung làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu để rút ra những vấn đề, quan điểm, định hướng lớn, nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu...

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản