|
Ảnh:Lâm Hiển |
Trong phát biểu mở đầu Phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tiếp nối thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, thời gian qua cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực và thực chất, được dư luận và cử tri đồng tình, đánh giá cao; khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp và hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và các hoạt động của Quốc hội nói chung, bám sát thực tiễn và hơi thở của cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này, trước sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, khoa học, cố gắng chuẩn bị tốt nhất về các điều kiện tổ chức cũng như nội dung phiên họp.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống của nhân dân, tổng hợp đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 54 Đoàn đại biểu Quốc hội trên cả nước, phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về kinh tế xã hội được Đại biểu Quốc hội quan tâm từ Kỳ họp thứ Hai đến trước phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; căn cứ quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với hai nhóm vấn đề cụ thể.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu |
Thứ nhất, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành công thương, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Thứ hai, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
“Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở hai bộ quản lý ngành nêu trên mà còn liên quan đến các bộ, ngành liên quan và thời gian chất vấn thì không nhiều”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Để bảo đảm hiệu quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu, trên cơ sở tài liệu đã được gửi và quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào hai loại nội dung. Thứ nhất liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, cụ thể là Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết 82/2019/QH14… Thứ hai là nhóm vấn đề liên quan đến thực hiện những vấn đề mới phát sinh có tính chất cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ tham dự phiên chất vấn đầy đủ trừ các trường hợp bất khả kháng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động để tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất, thực trạng của tình hình, có câu trả lời, có đáp án rõ ràng, cụ thể, chắc chắn đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như định hướng cho căn cơ và lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình. Ở phiên này, trực tiếp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn với hai Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khác.
Về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cơ bản được thực hiện như tại Kỳ họp thứ Hai - mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, không quá một phút, Bộ trưởng sẽ trả lời mỗi vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu trong khoảng thời gian 3 phút. Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận để làm rõ thêm các nội dung chất vấn mà người trả lời chất vấn trả lời chưa rõ ràng, chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu với thời gian không quá 2 phút. Các đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với các Bộ trưởng, trưởng ngành, không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau để dành nhiều thời gian cho Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn.
|
Quang cảnh phiên họp |
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên. Công tác giám sát nói chung, chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng vì vậy phải góp phần thiết thực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị quốc gia.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước, tạo tiền đề quan trọng để chúng ta có niềm tin vào sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội và có những kinh nghiệm vững chắc để tiếp tục tổ chức các phiên chất vấn ở các kỳ họp tiếp theo.
Theo Đại biểu Nhân dân