|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc |
Cùng dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị…
Tạo nền tảng dài hạn để phát huy nguồn lực đất đai
Theo Kế hoạch số 24-KH/BCĐ ngày 20.4.2021 của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Nghị quyết 19), Đảng đoàn Quốc hội được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước. Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ nhằm xem xét các định hướng lớn trong việc sửa đổi đạo luật quan trọng này, tiếp tục thực hiện quan điểm Quốc hội vào cuộc từ sớm, từ xa, đồng hành sát sao với Chính phủ và chủ động dẫn dắt hoạt động lập pháp để nâng cao chất lượng xây dựng luật, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó, việc quản lý, sử dụng các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực), trong đó có nguồn lực đất đai ngày càng hiệu quả. Việt Nam có diện tích tự nhiên đứng thứ 59 trên thế giới nhưng do dân số đông nên diện tích bình quân đầu người rất thấp, chỉ bằng 1/5 mức bình quân đầu người của thế giới. “Như vậy để thấy rằng, tài nguyên đất đai của chúng ta cũng có hạn. Tuy nhiên, đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia, là một trong những nguồn lực quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ dân cư, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng... Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Từ Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp đến các đạo luật của Nhà nước đều khẳng định rõ quan điểm này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đánh giá chung hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận “đã khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc về những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay như: quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu. Những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, còn có cả nguyên nhân từ việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực nói chung, nguồn lực đất đai nói riêng. Trong đó, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19 cũng đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt ra một số yêu cầu cần quán triệt xuyên suốt quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tới đây là quan điểm của Trung ương sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 19. Bên cạnh đó, cần bám sát quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39 về quản lý các nguồn lực, Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia trong quá trình soạn thảo dự án Luật. “Các nội dung đề xuất sửa đổi phải trên cơ sở tổng kết khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
|
Ảnh: Lâm Hiển |
Tập trung sửa đổi những vấn đề đã rõ, đã “chín”
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nhóm vấn đề cần sửa đổi, tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc. “Không nên câu nệ có mấy nhóm chính sách mà trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu thực tế chúng ta có thể báo cáo Quốc hội điều chỉnh, quan trọng nhất là nội hàm của các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi như thế nào để tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng đất đai sau khi sửa đổi luật. Tinh thần là tập trung sửa những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, những vấn đề chưa đủ rõ thì có thể thí điểm”.
Trong quá trình tổng kết, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những tồn tại, hạn chế nào có nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đất đai và những tồn tại, hạn chế nào có nguyên nhân từ quá trình thực thi để có phương án xử lý cho phù hợp. Đặc biệt phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; thúc đẩy sự phát triển của thị trường quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh; giải quyết hiệu quả tình trạng thất thoát, lãng phí, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là người được nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp – đối tượng dễ bị tổn thương trong quá chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất…
Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thực chất về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai; tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu theo từng vấn đề trên tinh thần càng những nội dung khó, phức tạp thì càng phải thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, công khai, minh bạch. Phải coi trọng việc đánh giá tác động đa chiều, thấu đáo, thận trọng, khách quan, nhất là những vấn đề mới phát sinh, chưa rõ, chưa chín để tạo sự đồng thuận đối với các vấn đề sửa đổi. Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đều phải cố gắng lắng nghe càng nhiều càng tốt, hết sức cầu thị, “gạn đục khơi trong”, không để lỡ cơ hội lắng nghe được nhiều nhất các ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai.
Về Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn tới năm 2050, Chủ tịch Quốc hội thống nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng bố trí thêm phiên họp chuyên đề trong khoảng thời gian giữa Phiên họp tháng 9 và Phiên họp tháng 10 để bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội. Đồng thời yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND của 63 địa phương, các chuyên gia góp ý dự thảo Quy hoạch này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến..
Dự kiến sửa đổi 3 nhóm vấn đề với 9 chính sách lớn
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang triển khai nghiên cứu thể chế hóa 3 nhóm vấn đề với 9 chính sách lớn gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất; chế độ sử dụng đất. Đây là những vấn đề được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sẽ góp phần quan trọng để phân bổ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nhằm giảm khiếu nại, tố cáo về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Các ý kiến tại cuộc làm việc đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 với tầm nhìn rất dài hạn, không chỉ để khắc phục những tồn tại hiện nay trong câu chuyện quản lý, sử dụng đất đai mà còn phải tạo nền tảng dài hạn để đất đai thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030, 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Các đại biểu cũng cho ý kiến về 9 nhóm chính sách do Bộ Tài nguyên và Kế hoạch dự kiến trình Quốc hội và đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai phải đi vào thực chất, tháo gỡ những nút thắt hiện nay, nhất là về tài chính đất đai, tích tụ đất đai, thu hồi đất, làm rõ hơn nữa nội hàm của chế định "sở hữu toàn dân" đối với đất đai và quyền hạn của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu trong quản lý, sử dụng đất…
Phạm Thúy