Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
Tại Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình Xuân Lộc, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy - Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu với đoàn về hoạt động của trường. Theo đó, đây là trường Công giáo đầu tiên trong cả nước, do Tòa Giám mục Xuân Lộc làm chủ đầu tư, đi đầu trong các Tòa Giám mục ở Việt Nam. Các linh mục, tu sĩ trong và ngoài Ban Bác ái xã hội, quý thầy cô trong và ngoài tỉnh giảng dạy tại trường cũng vì tinh thần bác ái Kitô giáo, không vì lợi nhuận.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi làm việc
Là mô hình mới mẻ và mang tính đặc thù tôn giáo, với những thao thức và khát vọng phục vụ người nghèo; phù hợp với cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, được lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và quan tâm giúp đỡ việc thành lập trường. Cùng với sự chấp thuận và tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom, cùng nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân các giáo xứ, các đoàn thể, cá nhân đồng bào Công giáo trong và ngoài Giáo phận Xuân Lộc…, Trường Trung cấp nghề Hòa Bình đã được quyết định thành lập năm 2008, chính thức khai giảng năm học đầu tiên ngày 15/08/2012.
Đến nay, đã có 4 khóa học sinh Trung cấp nghề ra trường (Khóa I, II, III, IV). Đặc biệt từ ngày 01/09/2017, Trường được nâng lên thành Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, đào tạo cả hệ Trung cấp và Cao đẳng.
Trong năm học đầu tiên 2017 - 2018, Trường đào tạo hệ Trung cấp gồm 9 ngành, 19 nghề; hệ Cao đẳng đào tạo 6 ngành, 6 nghề, hiện có 7 lớp, số sinh viên là 231.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và đoàn công tác, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, dấn thân của thầy và trò nhà trường trong việc tham gia phát triển hoạt động dạy nghề, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kêt toàn dân tộc.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn nhà trường, các thầy cô giáo và học viên tiếp tục giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được; tiếp tục phấn đầu đạt được những kết quả cao hơn nữa để đóng góp cho tỉnh Đồng Nai nói riêng và cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới; thực hiện tốt các quy định liên quan đến công tác dạy và học, đồng thời biểu dương kịp thời những tấm gương giáo viên dạy giỏi, các học viên có thành tích học tập tốt. Nhà trường cũng cần quan tâm đến việc tăng cường liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển chọn lao động để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, của xã hội để có giải pháp, mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả trong dạy và học.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị một số nội dung như sau:
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các tổ chức tôn giáo của tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề; thực hiện nghiêm túc Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Sau Hội nghị tiếp xúc này, đề nghị các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, vận dụng đầy đủ các chính sách của Nhà nước đã có cho các cơ sở trợ giúp xã hội và dạy nghề, dù ở khu vực công lập hay ngoài công lập; tiếp tục phát hiện, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt của các tôn giáo tham gia hoạt động dạy nghề. Biểu dương, khen thưởng và có hình thức ghi nhận những tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và đóng góp các cán bộ, nhân viên, giáo viên, cộng tác viên và người lao động phục vụ trong các cơ sở dạy nghề, trợ giúp xã hội của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, thực hiện “Tốt đời đẹp đạo”.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ các tôn giáo tham gia phát triển hoạt động dạy nghề. Đối với các cơ sở tôn giáo đang hoạt động nhưng chưa thành lập trung tâm, cần hướng dẫn, tạo điều kiện về các thủ tục theo quy định của pháp luật để thành lập trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo, nhằm thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Các cơ sở dạy nghề của tôn giáo và Công giáo cần tiếp tục tích cực, chủ động nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo nghề; tập trung bồi dưỡng đội ngũ quản lý giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, người phục vụ trong các cơ sở ngày càng thân thiện, có kỹ năng, tri thức và tâm huyết, trách nhiệm với công việc.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo của Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, các vị chức sắc, nam nữ tu sĩ của Tòa Giám mục Xuân Lộc tiếp tục quan tâm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Đồng Nai tích cực tham gia xã hội hóa, phát triển hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo và các cá nhân tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng trong việc tham gia phát triển các cơ sở dạy nghề đạt chất lượng cao và huy động được sự đóng góp của đồng bào có đạo, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề, trong những năm qua, công tác dạy nghề của cả nước đã có bước phát triển nhanh chóng, nhất là các cơ sở ngoài công lập, góp phần tích cực trợ giúp và bồi dưỡng, đào tạo nghề cho người lao động. Quy mô, hệ thống các cơ sở, các trường/trung tâm đào tạo nghề không ngừng phát triển; tỷ lệ các đối tượng được đào tạo nghề tăng lên theo từng năm; đội ngũ giáo viên và cán bộ, nhân viên quản lý giáo dục, dạy nghề trong các cơ sở dạy nghề phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; chất lượng đào tạo, dạy nghề tại các cơ sở, các trường/trung tâm dạy nghề ngày càng nâng cao; đời sống người lao động, giáo viên, nhân viên trong các trường/trung tâm dạy nghề ngoài công lập từng bước được cải thiện. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập và của tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục các đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội và cung cấp lao động có tay nghề phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và các địa phương, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở, các trường dạy nghề công lập.
Góp phần vào những thành tựu chung đó có sự tham gia tích cực của các cơ sở, các trường/trung tâm dạy nghề của các tôn giáo, đặc biệt là của Công giáo; có sự đồng hành, ủng hộ và đóng góp quý báu của quý vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và bà con giáo dân tại các giáo phận, trong đó có Giáo phận Xuân Lộc.
Đoàn công tác thăm các cơ sở đào tạo nghề tại nhà trường
Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề của Đảng, Nhà nước.
Với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, đến nay cả nước đã có 12 trường và trung tâm dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thành lập, với hai loại hình là Trường Cao đẳng/Trung cấp nghề tư thục và Trung tâm dạy nghề tư thục tôn giáo, trong đó Công giáo có 11 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề này hoạt động với phương châm, mục đích dạy nghề rõ ràng, hoạt động từ thiện phi lợi nhuận, chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, kỹ năng nghề cho học viên; hàng năm đã đào tạo nghề cho hàng nghìn công nhân, người lao động đến học tập, góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội, chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động. Điều này cho thấy sự cố gắng và đóng góp tích cực của Công giáo trong việc tham gia xã hội hóa công tác giáo dục, dạy nghề.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà tại Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo nhà trường
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dự lễ khởi công xây dựng sân bóng đá nhân tạo tại Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc
Nhân dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã tặng quà cho đại diện nhà trường, và dự lễ động thổ xây dựng sân bóng đá nhân tạo tại trong khuôn viên của trường.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà gia đình ông Vũ Văn Niêm
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà gia đình ông Lê Văn Phương.
Trước đó, đoàn đã đến thăm 2 gia đình Công giáo thuộc diện chính sách ở ấp Đông Hải, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, đó là gia đình ông Vũ Văn Niêm có con là liệt sĩ, và gia đình ông Lê Văn Phương, dân tộc Nùng, là thương binh 4/4. Tại các gia đình trên, thay mặt đoàn công tác, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận, cảm ơn những đóng góp của các gia đình đã có những người không quản ngại hy sinh tính mạng, sức khỏe vì sự nhiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong các gia đình, cùng người thân luôn giữ gìn sức khỏe, phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết cùng đất nước, thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo” để cùng xây dựng đất nước giàu mạnh.
Quốc Định