Tin mới

Cơ hội để sửa sai cho Sơn Trà

Ngày 31/3 là thời điểm Chính phủ kết thúc cuộc thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà (Đà Nẵng). Tất cả sẽ được làm sáng rõ trong kết luận thanh tra tới đây.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Kết luận thanh tra sắp tới là cơ hội để sửa sai tại Sơn Trà. Ảnh: LÊ TUẤN

Một năm kể từ khi “nổi sóng” với bản quy hoạch mà hàng nghìn buồng phòng lưu trú đe doạ đến Khu bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Sơn Trà độc nhất vô nhị, đặc biệt, nhiều dự án biệt thự khác được chính quyền Đà Nẵng phê duyệt được cho là mập mờ, không đúng quy định khiến cộng đồng xôn xao. 

Các nhà chuyên môn mong muốn thông tin các dự án sẽ minh bạch và đây cũng là cơ hội để Sơn Trà giữ được những giá trị của mình...

Dự án này của ai, phá hết bao nhiêu rừng?

Đó là một trong những ý kiến của ông Hồ Duy Diệm - Kiến trúc sư tại Đà Nẵng - người đã có đơn thư gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan, kiến nghị thanh tra toàn bộ các dự án bất động sản, du lịch đã được cấp đất tại Khu BTTN Sơn Trà.

Mong chờ kết luận từ cuộc thanh tra này, ông Hồ Duy Diệm chia sẻ: “Dù chưa biết nội dung của kết luận thanh tra các dự án tại Sơn Trà sẽ có những gì, nhưng có những điểm đề nghị thanh tra quan trọng và cho đến bây giờ nó vẫn còn phù hợp với ý kiến của Thảnh uỷ Đà Nẵng hiện nay và vẫn còn nguyên tính thời sự”.

Trong đó, ông Diệm nhấn mạnh: “Kết quả thanh tra phải minh bạch hoá những dự án tại Sơn Trà là thuộc của ai, mua bao nhiêu tiền, làm hết bao nhiêu đất đai, phá hết bao nhiêu rừng và ai đã cho phép việc đó. Trách nhiệm chính quyền như thế nào? Phải làm rõ những điều đó vì chỉ khi được minh bạch thì mới tránh gây ra sự nhiễu loạn thông tin, xào xáo trong dư luận rằng khu đất này của quan chức nào ở thành phố cho đến Trung ương”.

Bên cạnh đó, sau cuộc thanh tra này, ông Diệm cũng lưu ý với bản quy hoạch tổng thể Sơn Trà, Chính phủ cần xem xét ý kiến của nhân dân, của các bậc lão thành cách mạng, những hội thảo khoa học được tổ chức suốt một năm qua. Tất cả đều có điểm chung là kiến nghị rút Sơn Trà ra khỏi danh sách các khu du lịch quốc gia để không phải chịu áp lực về cơ sở lưu trú. Rồi từ đó, tất cả quy hoạch của Sơn Trà phải làm lại, với tinh thần không có lưu trú, chỉ có du lịch tham quan và những loại hình mà nhiều nước trên thế giới đã làm với những khu rừng nguyên sinh. Sơn Trà vẫn có thể phát triển từ đó mà không sợ bị xả rác, cạn kiệt nguồn nước ngầm.

“Một ý nữa mà tôi muốn chia sẻ đó là chủ trương của Thành uỷ Đà Nẵng hiện nay là thu lại càng nhiều đất cho nhân dân càng tốt. Thành phố cũng đang xem xét điều chỉnh lại quy hoạch kinh tế - xã hội và vấn đề xây dựng đô thị của Đà Nẵng. Đây chính là cơ hội để lãnh đạo thành phố tiếp thu ý kiến người dân để điều chỉnh chính quy hoạch Sơn Trà” - ông Diệm cho hay.

Nhìn thẳng vào cái sai để sửa cho đúng

Việc Chính phủ cho thanh tra toàn diện Sơn Trà trong suốt mấy tháng vừa qua không chỉ được đánh giá là một quyết định đúng, kịp thời mà theo nhiều chuyên gia “đây là cơ hội để sửa sai cho Sơn Trà”.

PGS-TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm, Trưởng nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng - nhận định, sự việc xảy ra ở Sơn Trà là một điều thật đáng tiếc.

“Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực tôi cho rằng, trong quá trình phát triển cũng có cái được, cái chưa được. Khi phát hiện cái chưa được, mạnh dạn nhận ra và điều chỉnh cho phù hợp là điều tốt, chứ đừng có cố che đậy hay đẩy đi đến quá xa”.

Ông Minh lập luận, qua sự việc vừa qua, Sơn Trà đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Không chỉ cộng đồng khoa học, tất cả mọi tầng lớp trong xã hội cũng nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cũng như giá trị của thiên nhiên đối với con người. Từ đó, Sơn Trà đã làm thức tỉnh nhận thức của con người trong xu thế đắm chìm vào mục tiêu duy nhất là phát triển kinh tế.

Từ sự tiếc nuối vì sự xâm hại của các công trình đến môi trường tự nhiên và loài vọoc Chà vá chân nâu đặc hữu thì nay các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn và quan tâm nhiều hơn đến tính toàn vẹn của một hệ sinh thái đặc thù, hiếm có và duy nhất còn tồn tại hiện nay.

Sắp tới, sau khi có kết quả thanh tra khách quan, việc rà soát lại một cách nghiêm túc, khoa học, khách quan, đồng thời phải bám sát quan điểm chủ đạo là quy hoạch phát triển bền vững với bản quy hoạch phát triển Sơn Trà là điều phải làm. Tất cả phải được làm một cách khoa học và nhất định phải có sự tham vấn các bên liên quan một cách nghiêm túc.

“Quan điểm của tôi, cần hạn chế thấp nhất tất cả các hoạt động có tác động trực tiếp đến bán đảo Sơn Trà; cần đầu tư nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái đúng nghĩa; tập trung nghiên cứu định giá tài nguyên và áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ là những việc nên làm đối với Sơn Trà hiện nay.

Tôi cho rằng chỉ có cách nhìn thẳng vào sự thật, tập trung nghiên cứu bản chất của sự việc để giải quyết vấn đề sẽ đem lại kết quả tốt nhất và bền vững nhất. Sự né tránh hay giải quyết vấn đề theo kiểu “sai đâu sửa đó” chỉ có tính chất tức thời và như vậy vấn đề có thể yên nhưng chẳng bao giờ ổn” - ông Minh chia sẻ.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản