Tin mới

COVID-19 ngày 20/10: Số ca mắc trong ngày tăng nhẹ; nhiều tỉnh phát hiện chùm ca bệnh

(Mặt trận) - Ngày 20/10, Việt Nam ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong khi đó, nhiều tỉnh như Ninh Bình, Bạc Liêu, An Giang xuất hiện các chùm ca mắc mới. Hiện đã có 40 tỉnh, thành phố đã xác định và công bố cấp độ dịch.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Chu Hóa, TP Việt Trì - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Phú Thọ 

Việt Nam ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng nhẹ so với ngày trước đó

Tính từ 17 giờ ngày 19/10 đến 17 giờ ngày 20/10, Việt Nam ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 1.737 ca khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là thành phố Hồ Chí Minh (tăng 440 ca), Đắk Lắk (tăng 77 ca), An Giang (tăng 60 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Sóc Trăng (giảm 100 ca), Đồng Nai (giảm 66 ca), Tây Ninh (giảm 52 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.298 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 17h ngày 19-10 đến 17h ngày 20-10, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới, trong đó có 11 ca nhập cảnh và 3.635 ca ghi nhận trong nước tại 50 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (1.347), Bình Dương (492), Đồng Nai (305), An Giang (194), Sóc Trăng (100), Bạc Liêu (99), Gia Lai (93), Kiên Giang (87), Đắk Lắk (77), Long An (72), Tiền Giang (65), Tây Ninh (52), Phú Thọ (50), Bình Thuận (50), Cà Mau (46), Cần Thơ (44), Hà Giang (40), Khánh Hòa (39), Trà Vinh (38), Nghệ An (33), Thanh Hóa (25), Quảng Nam (24), Đồng Tháp (24), Hậu Giang (23), Quảng Trị (23), Hà Nam (19), Bến Tre (18), Quảng Ngãi (17), Bình Định (16), Vĩnh Long (14), Bắc Ninh (13), Bình Phước (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Kon Tum (12), Thừa Thiên - Huế (11), Hà Nội (10), Đà Nẵng (8), Ninh Thuận (5), Đắk Nông (4), Quảng Bình (3), Nam Định (3), Lào Cai (3), Hải Dương (2), Yên Bái (2), Sơn La (2), Phú Yên (1), Hà Tĩnh (1), Vĩnh Phúc (1), Điện Biên (1), Tuyên Quang (1); trong đó có 1.810 ca tại cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 873.901 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.875 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 869.193 ca, trong đó có 793.766 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.

Ngoài ra, có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (420.946), Bình Dương (226.845), Đồng Nai (59.691), Long An (33.929), Tiền Giang (15.249).

Về tình hình điều trị, có 1.737 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 796.583. Ngoài ra, còn 3.879 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng trong ngày 20-10 ghi nhận 72 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (8), An Giang (7), Tiền Giang (4), Long An (3), Kiên Giang (2), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (1), Bạc Liêu (1), Đồng Nai (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 78 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.416 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

40 tỉnh, thành phố đã xác định và công bố cấp độ dịch

Tại các địa phương, đến 18 giờ ngày 20/10, đã có 40 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong đó, 22 tỉnh, thành phố đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; 18 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ đã công bố cấp độ dịch. Chính quyền thành phố Hà Nội đã công bố chi tiết việc phân vùng nguy cơ dịch COVID-19 theo 4 cấp độ với từng xã, phường tính theo phân bố ca mắc COVID-19 tại cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay. Theo đó, thành phố có 343 xã, phường cấp độ 1; 236 xã, phường cấp độ 2; không có xã, phường thuộc cấp độ 3 và 4. Người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, kể từ ngày về Hà Nội; luôn thực hiện 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Có 22 tỉnh, thành phố đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ.

Tại Quảng Ngãi, căn cứ tình hình thực tế, tỉnh đã quyết định nâng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2. Các địa bàn, điểm phong tỏa có ca F0 thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Hoạt động giao thông vận tải, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động, nhưng phải đáp ứng các điều kiện, quy định của cơ quan chức năng.

Như vậy, 18 địa phương đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 2 gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Hà Nội đã cho phép các hàng quán được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức 

Hà Nội có thêm 9 ca F0, truy vết những người đi tuyến xe khách từ Bình Dương về

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 19/10 đến 18 giờ ngày 20/10, Hà Nội ghi nhận 9 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; đều về từ vùng có dịch.

Các ca nhiễm mới phân bố theo quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng (4 ca), Bắc Từ Liêm (2 ca), Nam Từ Liêm (1 ca), Hoàng Mai (1 ca), Thường Tín (1 ca). Cụ thể:

Trường hợp P.M.T, nam, sinh năm 1990; ở Yên Sở , Hoàng Mai. Bệnh nhân là lái xe chở hàng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội 13/10. Ngày 15/10 được xác định F1 của P.N.H được lấy mẫu xét nghiệm kết quả âm tính và chuyển cách ly tập trung. Ngày 19/10 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trường hợp N.A.V, nam, sinh năm 2000; ở Thượng Cát, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội (chuyến bay VN216 ngày 16/10) và thực hiện cách ly tại nhà. Ngày 19/10 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trường hợp N.T.C, nam, sinh năm 1982; ở Liên Mạc, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân là lái xe đường dài lấy hàng tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 15/10 về đến Hà Nội ngày 19/10, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính.

Trường hợp T.S.T, nam, sinh năm 1982; ở Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm. Ngày 17/10 bệnh nhân đi xe khách từ Bình Dương đến Hà Nội ngày 20/10, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Các trường hợp M.T.T.T (nữ, sinh năm 1991); N.T.H (nữ, sinh năm 1997); Đ.T.P (nữ, sinh năm 1997); N.M.T (nam, sinh năm 1990); đều ở Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng. Các bệnh nhân là F1 của F0 N.T.D.V (F0 về từ TP Hồ Chí Minh). Ngày 16/10 được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển khu cách ly tập trung. Ngày 19/10 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trường hợp T.D.T, nữ, sinh năm 1996; ở Văn Bình, Thường Tín. Bệnh nhân là F1 của F0 T.K.M (F0 về từ TP. Hồ Chí Minh). Ngày 19/10 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân dương tính được phát hiện tại Hà Nội chiều ngày 20/10 là người Hà Giang từng đi từ Bình Dương về Hà Nội bằng xe khách của nhà xe Vân Tuyến; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ra thông báo tìm người đi xe của nhà xe Vân Tuyến khởi hành từ Bình Dương đến khu vực bến xe Mỹ Đình, Hà Nội khoảng 3 giờ 30 ngày 20/10/2021.

 Lực lượng chức năng xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân ở Bắc Ninh - Ảnh: Phi Long

Bắc Ninh: Khẩn cấp dập dịch sau khi phát hiện chùm 11 ca mắc COVID-19

Hai ngày 19-20/10, trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận chùm 11 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng liên quan đến các ca bệnh tại Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Bắc Ninh.

Đây là địa bàn có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Địa phương đang khẩn cấp triển khai các biện pháp dập dịch.

Theo ông Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Quế Võ, trong ngày 19/10, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 tại khu 3, thị trấn Phố Mới, là gia đình liên quan đến cháu bé tại Trường Mầm non Sao Mai. Ngay khi xác định ca bệnh này, huyện đã tập trung các biện pháp cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm SARS-CoV-2, truy vết để nhanh chóng xác định các ca bệnh và các trường hợp có liên quan. Đến 10 giờ 30 phút ngày 20/10, tổng số ca bệnh tại huyện Quế Võ liên quan đến ổ dịch này là 11 ca đều ghi nhận tại những hộ gia đình trong khu 3, thị trấn Phố Mới.

Ông Lê Hồng Phúc cho biết thêm, đây là ổ dịch có nguy cơ cao, phức tạp, bước đầu xác định liên quan đến nhiều người và học sinh tại các trường học ở thị trấn Phố Mới, xã Phù Lãng, xã Châu Phong (huyện Quế Võ). Vì vậy, huyện tận dụng “thời gian vàng” triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong ngày 20/10, ngành Y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 2.000 người là các hộ dân tại khu 3, thị trấn Phố Mới cùng toàn bộ học sinh Trường Tiểu học thị trấn Phố Mới, Trường Trung học cơ sở thị trấn Phố Mới để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Song song với công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng được triển khai mạnh mẽ. Đến nay, độ bao phủ tiêm vaccine trong huyện đạt trên 60%. Ngay trong buổi chiều 20/10, huyện tập trung tiêm phòng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, dự kiến khoảng 60.000 liều.

Bạc Liêu: Khẩn trương truy vết, khoanh vùng ổ dịch có 50 ca mắc COVID-19

Ngày 20/10, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 100 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR.

Trong đó, 50 ca trong cộng đồng đều là công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Tấn Khởi (Phường 1, thị xã Giá Rai); 50 ca còn lại có 2 ca đang cách ly tại nhà và 48 người về từ các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước và Lâm Đồng.

Ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Tấn Khởi (Công ty Tấn Khởi) được phát hiện từ một công nhân đến bệnh viện khám bệnh. Sau khi có kết quả người này dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân của công ty.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Bùi Quốc Nam cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã triển khai các biện pháp nhanh, hiệu quả nhất để truy vết các trường hợp liên quan, khoanh vùng không để dịch lây lan diện rộng. Đây là ổ dịch phức tạp vì có hơn 700 công nhân; công ty cũng không thực hiện 3 tại chỗ. Sở Y tế đề xuất nâng cấp độ dịch bệnh ở Phường 1, xã Phong Tân và xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai từ cấp độ 1 lên cấp độ 4. Các xã, phường còn lại trên địa bàn tỉnh áp dụng cấp độ 2; toàn tỉnh áp dụng cấp độ 2.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng, sau khi phát hiện ổ dịch, địa phương đã tổ chức test nhanh, phát hiện sớm các trường hợp F0, đưa các trường hợp liên quan đi cách ly tập trung, tiến hành phong tỏa Công ty Tấn Khởi. Ngành chức năng thị xã Giá Rai đang tiếp tục truy vết, chỉ đạo các xã có nguy cơ cao xét nghiệm sàng lọc mở rộng trong cộng đồng; đồng thời chỉ đạo các công ty thủy sản chủ động test nhanh cho công nhân để sàng lọc F0, F1. Địa phương đang quyết liệt xác định nguồn lây, bước đầu đánh giá nguồn lây có thể xuất phát từ người về từ vùng dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều lưu ý trong khi cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương quyết liệt, thì vẫn còn một số chủ doanh nghiệp, công nhân lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Công ty Tấn Khởi là ví dụ cụ thể.

Ông Phạm Văn Thiều cho rằng, đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh, nguy cơ lây nhiễm cao và có khả năng lan rộng trên địa bàn thị xã Giá Rai. Do đó, địa phương không được chủ quan, quán triệt tinh thần thần tốc và huy động cả hệ thống chính trị để phòng, chống dịch; vận động người dân không ra đường nếu không cần thiết để sớm khống chế ổ dịch. Tùy theo mức độ nguy cơ, thị xã Giá Rai tổ chức xét nghiệm theo hình thức đại diện hộ hay cả gia đình. Sở Y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ thị xã trong xét nghiệm, điều trị và chủ động chuẩn bị các cơ sở điều trị F0 theo kịch bản đã xây dựng, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác sàng lọc.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu trong ngày 20/10, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét ban hành Quyết định nâng cấp độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở các địa bàn của thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phong tỏa diện hẹp Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang trong 4 ngày

Sáng 20/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (tại thành phố Long Xuyên) cho biết, để hạn chế lây lan cho các khu vực còn lại, bảo đảm sức khỏe người bệnh và nhân dân đến khám chữa bệnh, Bệnh viện đã thực hiện phong tỏa diện hẹp (từ tầng 6 đến tầng 9) để khử khuẩn, làm xét nghiệm.

Bệnh viện tạm ngừng tiếp nhận bệnh cấp cứu và khám bệnh ngoại trú trong 4 ngày (kể từ ngày 20/10), trừ trường hợp cấp cứu ngoại ảnh hưởng đến tính mạng.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang yêu cầu, các trường hợp thân nhân, bệnh nhân nhập viện từ ngày 9-19/10 cần thực hiện khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày kể từ ngày ra viện; đồng thời, cần hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác. Nếu có các biểu hiện như sốt, ho, khó thở… cần liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.

Theo báo cáo từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, ngày 15/10, Bệnh viện nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ về bệnh nhân L.V.H. (sinh năm 1956, trú tại phường Mỹ Thạnh, Long Xuyên) - là người bệnh được Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang chuyển đến có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi nhận thông tin, Bệnh viện đã tiến hành xác định lại quá trình điều trị cho bệnh nhân L.V.H.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về ca F0 trên, Bệnh viện đã tiến hành "phong tỏa hẹp, quản lý chặt" một cánh của lầu 6 (Khoa Ngoại niệu), lầu 9 (Khoa Tim mạch) và lầu 8 (Khoa Nội tổng hợp và Khoa Nội tiết); đồng thời tiến hành xét nghiệm Real-time PCR vào ngày 3 và ngày 7 với tất cả bác sĩ, nhân viên bệnh viện, thân nhân, người bệnh còn nằm lại.

Qua sàng lọc, xét nghiệm đến nay đã phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 là bệnh nhân và thân nhân ở một số khoa khác của bệnh viện. Riêng các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Long An: Ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 3 - 17 tuổi

Ngày 20/10, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 3 đến 17 tuổi với số lượng dự kiến hơn 391.000 người.

Theo đó, Long An sẽ tiêm cho toàn bộ người trong độ tuổi nói trên đang sinh sống trên địa bàn, không phân biệt có hộ khẩu hay không. Dự kiến thực hiện 6 đợt tiêm vào các thời điểm không trùng với lịch thi của học sinh. Dự kiến số lượng vaccine được sử dụng là hơn 783.000 liều.

UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương đảm bảo nguồn lực tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả; tổ chức tập huấn cho lực lượng y tế trước khi tiêm. Trong khi tiêm phải đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy trình theo quy định; đảm bảo khám sàng lọc trước khi tiêm và bố trí các đội cấp cứu lưu động để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, chỉ tiêm cho người có giấy xác nhận đồng ý tiêm chủng của phụ huynh.

Các đơn vị, địa phương tổ chức công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho người từ 3 đến 17 tuổi nhằm tạo sự đồng thuận từ cộng đồng, an tâm đưa trẻ đi tiêm chủng. Phấn đấu đạt ít nhất 95% người trong độ tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng.

Long An là một trong những địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cả nước với gần 34.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, sau thời gian siết chặt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh tại địa phương cơ bản được kiểm soát. Long An cũng đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến đến hết tháng 10/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản