(Mặt trận) - Sáng 8/5, tại hội trường Ủy ban nhân dân phường VII, thành phố Vị Thanh và hội trường Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thuộc đơn vị bầu cử số 1.
|
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trình bày Chương trình hành động. |
Tại hội nghị, cử tri được nghe báo cáo tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 (thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A) gồm: bà Ngô Thị Lệ Hằng, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường V, thành phố Vị Thanh; ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chế biến nông sản Tiến Thịnh và Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thực phẩm Hạnh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang; bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang.
Trong không khí dân chủ, bình đẳng, từng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trình bày chương trình hành động của mình. Các ứng cứ viên khẳng định nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ gắn bó mật thiết, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri. Tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề về lập hiến, lập pháp; quyết định chính sách đối nội, đối ngoại, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đại biểu Quốc hội là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội và các cơ quan của Đảng, Nhà nước; tiếp nhận, phối hợp giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri và nhân dân; gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi, động viên, nắm tình hình nhân dân nhiều hơn; kịp thời báo cáo tới cử tri và nhân dân về tình hình đất nước, về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.
Thống nhất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên, cử tri các phường I, III, V, VII và các xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến bày tỏ kỳ vọng, mong muốn các ứng cử viên khi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ thực hiện đúng với chương trình hành động đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và của đất nước. Đồng thời, quan tâm giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó có việc tiêu thụ, giá cả nông sản, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực du lịch, kết cấu hạ tầng cho tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Cử tri cũng quan tâm công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; chính sách cho lực lượng cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở; vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; các vấn đề về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, xăng giả; tình trạng phá rừng. Cử tri mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cần tiếp tục đề xuất các quy định xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm này.
Đợt tiếp xúc cử tri của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Hậu Giang diễn ra từ ngày 8/5 - 11/5.
Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang, hiện nay các nhiệm vụ chuyên môn trong công tác bầu cử đều được Ủy ban Bầu cử các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động thực hiện. Hầu hết các nhiệm vụ đều được thực hiện sớm hơn và đảm bảo đúng số lượng, thành phần, cơ cấu theo quy định. Việc thành lập các Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đúng theo thời gian, thành phần, số lượng quy định. Tỉnh Hậu Giang có 8 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương và 2 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu ứng cử tại tỉnh.
Hiện tỉnh đã thành lập 880 Tổ bầu cử (một số ấp, khu vực có địa bàn rộng, dân số đông được chia làm 2 hoặc 3 khu vực bỏ phiếu); mỗi khu vực bỏ phiếu đều nhiều hơn 300 cử tri và dưới 4.000 cử tri.
Theo TTXVN